Đèo Cả hợp tác quốc tế phát triển nhân lực đường sắt

Tiếp nối trong kế hoạch hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực lĩnh vực đường sắt, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ trì kết nối hai đơn vị đào tạo về đường sắt hàng đầu của Việt Nam và Trung Quốc, học tập những thành công từ mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp tại đất nước 1,4 tỷ dân.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Nguyễn Tùng)

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Nguyễn Tùng)

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM và Trường Đại học Giao thông Tây Nam vừa có buổi làm việc trao đổi hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt vào ngày 16/7 mới đây.

Tham gia với vai trò chủ trì kết nối hai đơn vị đào tạo, Tập đoàn Đèo Cả đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược phát triển nhân lực và mở rộng hợp tác quốc tế.

Theo nội dung trao đổi, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM và Trường Đại học Giao thông Tây Nam sẽ hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp theo nhu cầu thực tế.

Các hoạt động cụ thể được đề cập dự kiến cho quá trình hợp tác bao gồm hợp tác đào tạo các cấp như đại học, cao học và đào tạo ngắn hạn có cấp chứng chỉ cho đội ngũ kỹ sư, các cấp quản lý của doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu và thực hiện các ấn phẩm nghiên cứu khoa học, tổ chức các chương trình hội nghị và tọa đàm học thuật quốc tế về phát triển hạ tầng đường sắt. Bên cạnh đó, tiến tới nghiên cứu thành lập Viện đào tạo về đường sắt tại Việt Nam.

Việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được Đèo Cả xác định là hướng đi mới của tập đoàn trong giai đoạn 5-10 năm tới. Để chuẩn bị nguồn lực cho các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, Đèo Cả đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các nước tiên tiến như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong ảnh, Lễ triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện

Việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được Đèo Cả xác định là hướng đi mới của tập đoàn trong giai đoạn 5-10 năm tới. Để chuẩn bị nguồn lực cho các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, Đèo Cả đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các nước tiên tiến như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong ảnh, Lễ triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao sự phát triển về giao thông nói chung và hạ tầng đường sắt nói riêng tại đất nước này. Với lợi thế và kinh nghiệm về đào tạo của Trường ĐH Giao thông Tây Nam, sự hợp tác giữa hai bên là cần thiết, đồng thời, tin tưởng hợp tác sẽ mang lại những hiệu quả.

Ông Li Hai cảm ơn Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM và Tập đoàn Đèo Cả đã đến thăm và làm việc trực tiếp tại nhà trường. Ông cho rằng, thông qua sự chủ động hợp tác phát triển nhân lực để thấy đây là một doanh nghiệp Việt Nam có tầm nhìn trong hoạch định công việc lĩnh vực đường sắt.

Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược đã được hai bên ký kết từ đầu tháng 7/2024 vừa qua, các hoạt động hợp tác sẽ được thực hiện thông qua Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả, là đơn vị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng - tư vấn - chuyển giao công nghệ ngành giao thông, trực thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM.

Trường ĐH Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM và Trường ĐH Giao thông Tây Nam sẽ tiếp tục có các buổi làm việc sau này để cụ thể hóa kế hoạch hợp tác bằng việc xây dựng các chương trình chi tiết và thống nhất thông qua các thỏa thuận hợp tác riêng biệt để đảm bảo hợp tác này mang lại những hiệu quả thiết thực cho các bên.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, theo lời mời của Trường ĐH Giao thông Tây Nam, Tập đoàn Đào Cả đã đến tham quan bảo tàng triển lãm của Công ty TNHH Công nghệ Yunda Thành Đô - một trong những doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu tại Trung Quốc với nhiều sáng chế công nghệ trong lĩnh vực giao thông. Đây là doanh nghiệp tiền thân được thành lập bởi Trường ĐH Giao thông Tây Nam.

Hiện nay, nhà trường đang góp vốn 20% vào doanh nghiệp, trên cơ sở đó để tham gia cung ứng nhân lực, công nghệ, cùng doanh nghiệp phát triển, nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt.

Các bên tham gia buổi làm việc đồng thuận cho rằng mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp như vậy mang lại nhiều ưu điểm, cần tham khảo và nhân rộng để phát huy tối ưu tri thức từ môi trường đào tạo vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp phục vụ cho đất nước.

Đường sắt - metro đang dần chứng minh vị thế trong hệ thống giao thông, là chìa khóa cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, Chính phủ xác định nâng cấp tuyến đường sắt hiện có giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài khoảng 1.726 km, là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Xa hơn, phấn đấu đến năm 2050 hoàn thành mạng lưới đường sắt 25 tuyến với tổng chiều dài hơn 6.350km, trong đó bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dư địa phát triển hạ tầng đường sắt tại Việt Nam trong tương lai là rất lớn, đòi hỏi cần sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ tân tiến để đáp ứng mục tiêu đã đặt ra.

Là doanh nghiệp đóng vai trò kết nối hai nhà trường, ông Lê Quỳnh Mai – Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hoạt động hợp tác này nhằm “đón đầu” khối lượng lớn công việc về hạ tầng đường sắt tại Việt Nam giai đoạn tới, giải quyết nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực đang thiếu cả về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực này, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho ngành giao thông vận tải trong nước.

Ông Lê Quỳnh Mai cho biết, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác đào tạo cung ứng nhân lực với nhiều đơn vị trong nước và quốc tế. Tháng 5/2024 vừa qua, chúng tôi xúc tiến hợp tác với Ècole des Ponts ParisTech (Pháp) - trường đại học uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật để đào tạo kỹ sư cầu đường, trao đổi kinh nghiệm đào tạo các ngành xây dựng cầu đường và quản lý dự án, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt cho cán bộ chủ chốt Tập đoàn và cán bộ quản lý nhà nước ngành giao thông.

“Chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác giữa hai nhà trường sẽ tối ưu hóa chương trình đường sắt – metro mà chúng tôi đang tài trợ đào tạo tại Viện nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả” - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả bày tỏ.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá cao năng lực của Tập đoàn Đèo Cả và liên danh thực hiện dự án

Phát biểu tại lễ khởi công dự án cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá cao năng lực của Tập đoàn Đèo Cả và liên danh thực hiện dự án

Phát biểu đại diện Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), ông Lê Quốc Dũng đánh giá cao đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả kết nối để thực hiện một số mục tiêu trong lĩnh vực đường sắt, tiên phong chuẩn bị nguồn lực đón đầu các dự án đường sắt ở Việt Nam trong tương lai.

Trường Đại học Giao thông Tây Nam (Southwest Jiaotong University) được thành lập năm 1896, là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu và lâu đời nhất tại Trung Quốc, nổi bật trong lĩnh vực kỹ thuật giao thông vận tải, cung cấp nhiều chương trình đào tạo đa dạng từ đại học đến tiến sĩ, đặc biệt là các chuyên ngành kỹ thuật giao thông, đường sắt, xây dựng. Nhà trường có nhiều trung tâm nghiên cứu hàng đầu liên kết chặt chẽ với các tổ chức và doanh nghiệp lớn, cùng với chương trình trao đổi sinh viên và hợp tác nghiên cứu quốc tế. Nhiều kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản lý được đào tạo từ nhà trường, góp phần vào sự phát triển của ngành giao thông tại Trung Quốc và quốc tế.

BÍCH LIÊN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/deo-ca-hop-tac-quoc-te-phat-trien-nhan-luc-duong-sat-33120.html