Đeo nhẫn dù chưa cưới
Nhiều cặp đôi Hàn Quốc xem việc đeo nhẫn đôi như cách đánh dấu cột mốc tình cảm, tuyên bố tình trạng hẹn hò của bản thân hay đơn giản là món quà tặng người yêu.
Ở Hàn Quốc, một trong những cách để những người yêu nhau thể hiện sự cam kết gắn bó, bên cạnh đính hôn hay kết hôn, là đeo nhẫn đôi. Thậm chí, việc đeo nhẫn đôi ở ngón áp út trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ yêu đương là điều hoàn toàn bình thường đối với nhiều người dân xứ củ sâm.
Những chiếc nhẫn đôi khi chỉ giống như một vật kỷ niệm cột mốc nhất định trong mối quan hệ, không giống như việc đính hôn ở phương Tây, khi một người trao nhẫn cầu hôn cho người yêu của mình, theo Korea JoongAng Daily.
Phổ biến
Ở Hàn Quốc, không có gì lạ khi một cặp đôi thậm chí mới hẹn hò vài tháng quyết định mua nhẫn đôi, hay vào các dịp kỷ niệm hẹn hò 100, 200 ngày. Nhiều người từng tin rằng có một tĩnh mạch chạy thẳng từ ngón áp út tay trái đến trái tim, song điều này đã bị bác bỏ.
"Rất nhiều thanh thiếu niên ngày nay đeo nhẫn đôi với người yêu. Số cặp đeo nhẫn đôi còn phổ biến hơn những cặp không đeo", Lee A-yeong (18 tuổi) sống ở Incheon, nói.
Tuy nhiên, với nhiều người ở nhóm tuổi lớn hơn như 30 trở lên, việc đeo nhẫn cần quyết định thận trọng để không bị hiểu rằng muốn kết hôn vội vàng.
Shim Jae-won (31 tuổi, giáo viên tại Seoul) cho biết anh chỉ có kế hoạch mua nhẫn khi đã sẵn sàng cho hôn nhân. Hiện, anh hẹn hò bạn gái được 5 tháng.
"Tôi chưa bao giờ đeo nhẫn đôi trong bất kỳ mối quan hệ nào trước đây bởi rất ngưỡng mộ món đồ này. Tôi sẽ cân nhắc việc đeo nhẫn cưới sau này. Hình như tôi chưa thấy các cặp đôi khác ở độ tuổi 30 đeo nhẫn trước khi kết hôn", Shim nói.
Ý nghĩa nhẫn đôi
Trong phần lớn trường hợp ở Hàn Quốc, nhẫn đôi không liên quan đến việc cầu hôn. Đó có thể chỉ là một người cố gắng tạo bất ngờ cho nửa kia vào ngày kỷ niệm, xem đó như món quà hoặc cả hai có thể thảo luận trước và cùng nhau đến cửa hàng trang sức để chọn.
Ye Min-ji (24 tuổi), nhân viên văn phòng ở Cheongju, Bắc Chungcheong, đang bước sang năm thứ 5 hẹn hò với người yêu thời đại học.
"Đầu tiên, tôi nói với anh ấy rằng tôi muốn mua nhẫn và đề nghị cùng chọn chúng. Cuối cùng, chúng tôi đã mua thứ mình thích", Ye cho hay.
Từ quyết định ban đầu cho đến khi mua hàng, các bước để một cặp tình nhân mua nhẫn đôi rất đơn giản, có thể dễ dàng như chọn bất kỳ món quà nào khác và không nhất thiết phải gắn với một sự kiện xa hoa, càng không cần phải có một lời cầu hôn thực sự.
Đối với người Hàn Quốc, nhẫn đôi là cách để các cặp đôi khoe tình yêu của mình với cả thế giới. Đồng thời, đó là cách để làm rõ rằng cả hai bên đều không muốn gặp gỡ ai khác nữa.
"Tôi quyết định mua nhẫn đôi để cho người khác thấy rằng bạn trai tôi đã có người yêu, cũng bởi vì tôi biết mình sẽ tiếp tục hẹn hò với anh ấy. Tôi thích cảm giác an tâm, thoải mái ngay cả khi chúng tôi không ở cạnh nhau bởi đã cùng đeo nhẫn đôi", Ye chia sẻ.
"Tôi nghĩ cách tự nhiên nhất để thể hiện rằng bạn đang trong một mối quan hệ đã cam kết là đeo nhẫn đôi. Tôi nghĩ nó cũng giúp duy trì niềm tin và nhắc nhở lại các cặp đôi khi họ đeo nhẫn, khi gặp gỡ người khác, đặc biệt là người khác giới", Lee nói. Cô và bạn trai đã hẹn hò được khoảng 1 năm 6 tháng. Tuy ủng hộ việc này, cô gái 18 tuổi và bạn trai chưa đeo nhẫn đôi do vấn đề giá cả.
Chi tiêu tùy tình hình tài chính
Độ giàu có đóng vai trò quan trọng khi một cặp đôi quyết định có mua nhẫn đôi hay không, cũng như số tiền họ sẵn sàng trả để mua một mẫu cụ thể.
Theo You Kyung-min, CEO của một cửa hàng trang sức ở Incheon, các mức giá thường có thể được phân chia theo độ tuổi, chẳng hạn như thanh thiếu niên và độ tuổi 20, 30. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế chung cũng là yếu tố ảnh hưởng.
"Nhu cầu hiện nay không còn cao như trước. Ví dụ, cách đây vài năm, bitcoin trở thành cơn sốt. Nhiều khách hàng trẻ tìm đến chỗ chúng tôi và cho biết đã kiếm được một khoản nhờ bitcoin và các loại tiền điện tử. Giờ thì tài chính họ khó khăn hơn, giá vàng trước đây cũng phải chăng và dễ tiếp cận hơn nhiều".
Tính đến 17/2, giá vàng trên thị trường Hàn Quốc là 76.060 won/gram. Vào ngày 4/12/2015, giá vàng ở mức thấp nhất là 39.134 won mỗi gam, nghĩa là trong vòng chưa đầy 10 năm, giá vàng đã tăng gấp đôi.
You cho biết các cặp đôi ở độ tuổi 20 hầu hết là sinh viên hoặc mới đi làm nên chi khoảng 500.000-600.000 won/cặp nhẫn, những người độ tuổi 30, độ tuổi cân nhắc chuyện kết hôn, chi hơn 1 triệu won.
Shim (31 tuổi) đồng ý rằng 1 triệu won là mức giá lý tưởng cho nhẫn đôi. Mặt khác, Ye (24 tuổi) cho biết đã mua cặp nhẫn với bạn trai giá 260.000 won.
"Đối với những học sinh trung học như chúng tôi, chi phí mua nhẫn hơi cao. Tôi muốn tiết kiệm tiền với bạn trai và mua nhẫn trước khi học kỳ mới bắt đầu", Lee (18 tuổi) nói. Cô lên đại học vào tháng 3.
Vì giá ở các cửa hàng trang sức thường đắt đỏ đối với những khách hàng trẻ, hiện nhiều cặp đôi thích đến các workshop ở xưởng thủ công để tự thiết kế, làm nhẫn đôi cho rẻ hơn và mẫu mã độc nhất.
Ngoài nhẫn đôi, có nhiều món đồ khác được các cặp tình nhân Hàn Quốc ưa chuộng để thể hiện tình cảm, từ bộ đồ ngủ và ốp điện thoại cho đến giày và ví đôi. Tuy nhiên, nhẫn vẫn là món đồ được yêu thích nhất.
“Khoảng 98% khách hàng đến với tư cách là các cặp đôi mua nhẫn. Chỉ 2% còn lại mua vòng tay hoặc dây chuyền cặp", You cho hay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/deo-nhan-du-chua-cuoi-post1402945.html