Dẻo thơm cốm nếp tan bản Hán
10 năm trở lại đây, người dân bản Hán, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) đã phát triển mạnh nghề làm cốm. Những hạt cốm xanh, dẻo, thơm ngon được làm từ giống lúa nếp tan địa phương đã trở thành đặc sản của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Bản Hán hiện có 36 ha lúa 2 vụ. Vụ lúa mùa này, 100% các hộ trong bản đều cấy giống lúa nếp tan địa phương để làm cốm. Theo người dân, nghề làm cốm đã có từ lâu, nhưng trước đây, các hộ chỉ làm để phục vụ sinh hoạt của gia đình và làm quà biếu cho người thân. Khoảng 10 năm trở lại đây, do nhu cầu của thị trường nên nhà nào cũng làm cốm để bán. Quy trình làm ra hạt cốm dẻo, thơm ngon trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên là lựa chọn những hạt lúa nếp non, hạt mẩy, bấm ra sữa và có màu vàng nhạt đều, tuốt bỏ rơm, hạt thóc lép; rửa sạch, để ráo nước... Công đoạn rang thóc quyết định độ dẻo, thơm ngon của hạt cốm, vì vậy khi rang để lửa vừa phải, đảo đều tay sao cho hạt thóc không bị khô quá. Thóc rang xong, cho ra mẹt tiếp tục sảy bỏ hạt lép rồi cho vào máy xát tách vỏ trấu. Trung bình 2 kg thóc sẽ được 1 kg cốm. Theo người dân ở bản Hán, vụ cốm chỉ kéo dài khoảng 15 - 20 ngày, bắt đầu từ cuối tháng 10 đến trung tuần tháng 11. Để cốm giữ được độ dẻo, thơm ngon, sau khi cốm làm xong, dùng lá dong hoặc lá chuối gói lại. Đặc biệt, ngoài để ăn ngay, cốm còn được chế biến thành nhiều món như: chả cốm, chè cốm, cháo cốm...
Ghé thăm gia đình chị Tòng Thị Thiết, chúng tôi thấy các thành viên trong gia đình mỗi người một việc: tuốt thóc, sảy thóc, rang thóc... Qua trao đổi với chị, được biết giống lúa nếp tan địa phương có đặc tính thơm, dẻo nên được nhiều người tìm mua. Trung bình 1 kg gạo có giá 30 nghìn đồng. Vào những ngày giáp Tết, nhu cầu của người dân mua gạo nếp làm bánh chưng, nấu xôi thì giá 1 kg gạo nếp tan lên tới 35-40 nghìn đồng. Giống lúa này, nhiều hộ ở các bản khác trong xã cũng trồng, nhưng để làm được cốm dẻo, thơm ngon thì chỉ có ở bản Hán... Trung bình mỗi vụ gia đình chị bán được hơn 2 tạ cốm, thu trên 20 triệu đồng.
Chúng tôi tiếp tục đến gia đình chị Tòng Thị Chung, bản Hán, hai vợ chồng chị vừa đi bán cốm ở huyện Thuận Châu về. Chị Chung khoe: Vụ cốm năm ngoái, gia đình tôi mua được chiếc xe máy. Vụ lúa mùa này, gia đình cấy 3.000 m² giống lúa nếp tan “i- nốc” địa phương để làm cốm. Hiện nay, ngoài việc mang cốm đi bán ở các phiên chợ trong và ngoài huyện, tôi còn sử dụng mạng xã hội facebook để bán. Nhờ vậy, nhiều khách biết đến cốm bản Hán, có khách ở Hà Nội cũng đặt mua. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi bán được 2 tạ cốm, giá bán giao động từ 80 - 100 nghìn đồng/kg. Dự định vụ lúa mùa năm sau, gia đình sẽ đầu tư mở xưởng làm cốm, tăng thu nhập cho gia đình.
Trao đổi với ông Lò Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoang về hướng phát triển nghề cốm của địa phương trong thời gian tới, ông cho biết: Xã sẽ tiếp tục vận động người dân duy trì và mở rộng nghề làm cốm truyền thống. Đồng thời, dự định lựa chọn sản phẩm cốm của bản Hán là sản phẩm đặc trưng tham gia trưng bày ở gian hàng OCOP tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện. Song, để cốm bản Hán được nhiều người biết đến hơn nữa, bà con rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/deo-thom-com-nep-tan-ban-han-26867