Dẹp bỏ dịch vụ đòi nợ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo mới nhất của Luật Đầu tư sửa đổi, theo đó, Bộ đề xuất đưa ngành 'kinh doanh dịch vụ đòi nợ' vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Quảng cáo cho vay tiền lãi suất thấp được dán chằng chịt ở cổng chào khu dân cư các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Quảng cáo cho vay tiền lãi suất thấp được dán chằng chịt ở cổng chào khu dân cư các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Thông tin ngay lập tức nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội. Bởi, ngay khi dự thảo trên đang trong quá trình xây dựng, cử tri cả nước đã nhiều lần kiến nghị bổ sung dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chính thức kiến nghị cấm kinh doanh loại hình dịch vụ này. Theo đánh giá của UBND thành phố, hiện có 48 công ty, cơ sở đòi nợ thuê đang hoạt động kinh doanh phức tạp, liên quan nhiều đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, dễ bị lợi dụng để hoạt động kiểu xã hội đen.

Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp đòi nợ thuê còn chưa chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động biến tướng, bất chấp pháp luật. Các con nợ bị uy hiếp, khủng bố, đánh đập... nhưng không dám khai báo, tố giác tội phạm vì sợ trả thù, do đó, các cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý.

Thực tế sau 10 năm ra đời và bùng phát khắp nơi, dịch vụ đòi nợ thuê đang có dấu hiệu câu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Bởi nhiều người làm dịch vụ này là đối tượng xã hội, đồng thời là chủ của các nhóm cho vay tín dụng đen và nhiều chủ tín dụng đen lại nhờ công ty đòi nợ thuê đi đòi nợ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân.

Dư luận nhiều lần lo ngại và bất bình trước những vụ việc các doanh nghiệp đòi nợ thuê sử dụng nhiều chiêu trò đe dọa, mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ, người thân của họ, gây bất ổn xã hội, nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý được vì chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng...

Theo Bộ Công an, cả nước hiện có 210 băng nhóm với khoảng 2.000 đối tượng liên quan hoạt động tín dụng đen. Đáng lo ngại là tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức và thường núp dưới các vỏ bọc là cơ sở kinh doanh, dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh tài chính, công ty đòi nợ thuê.

Hệ lụy nghiêm trọng liên quan đến tín dụng đen và dịch vụ đòi nợ thuê thể hiện ở con số hơn 7.600 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên toàn quốc trong 4 năm qua. Trong số này, có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản.

Người dân bức xúc, nhưng việc xử lý các sai phạm của dịch vụ đòi nợ thuê chủ yếu vẫn là xử lý phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành động côn đồ, vi phạm pháp luật của hoạt động đòi nợ thuê.

Không thể để “xã hội đen” làm thay tòa án - đây chính là quan điểm của các chuyên gia pháp luật. Rõ ràng quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Với quan hệ này, Nhà nước đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án... để thực hiện khi xảy ra tranh chấp.

Chính vì vậy, đưa ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh chính là giải pháp tối ưu, đồng thời thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dep-bo-dich-vu-doi-no/