Dẹp chợ tự phát, siết an toàn vệ sinh thực phẩm

Giáp tết, 3 chợ đầu mối của TPHCM hoạt động nhộn nhịp suốt đêm. Tuy nhiên, nhiều xe hàng chỉ giao nhận hàng cho những điểm buôn bán tự phát - vốn dày đặc, ôm kín các ngả đường vào chợ chính, uy hiếp sự tồn tại của chợ đầu mối cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết.

Khách mua hàng dọc “chợ tự phát” cách chợ đầu mối Hóc Môn khoảng vài chục mét. Ảnh: XUÂN TRƯƠNG

Khách mua hàng dọc “chợ tự phát” cách chợ đầu mối Hóc Môn khoảng vài chục mét. Ảnh: XUÂN TRƯƠNG

Chợ đầu mối “kêu cứu”

Rạng sáng 26-1, dọc đường Nguyễn Thị Sóc, một phần Quốc lộ 22, huyện Hóc Môn (TPHCM), lượng hàng lớn gồm trái cây, rau củ, thịt heo… đổ về tấp nập. Nơi đây hoạt động náo nhiệt và chỉ cách chợ đầu mối Hóc Môn… vài chục bước chân.

Số liệu của chợ đầu mối Hóc Môncho thấy, có khoảng 170 điểm kinh doanh tự phát dọc các tuyến đường nói trên, “tấn công” trực tiếp mãi lực, giá bán, cũng như thu nhập của thương nhân.

Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, phản ánh: “Hàng nông sản để kín lề đường 24/24 giờ, gần như hình thành chợ đầu mối bên ngoài. Vào giờ cao điểm, từ 20 giờ hôm trước đến 8 giờ hôm sau, hàng hóa tràn xuống lòng đường”.

Ngoài việc không phải đóng các khoản thuế, phí như các tiểu thương chợ đầu mối, người kinh doanh tự phát còn bỏ rác thải xuống lòng đường, vỉa hè, các khu vực bên ngoài chợ đầu mối. Lượng rác này lên tới 6-7 tấn/ngày, cả khu vực ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.

Cùng chung cảnh ngộ, những điểm kinh doanh tự phát quanh chợ đầu mối Thủ Đức tấp nập bán mua, đèn điện rọi sáng trưng từ khuya hôm trước đến sáng hôm sau.

Ông Nguyễn Nhu, Phó Tổng Giám đốc chợ đầu môíThủ Đức, đánh giá, tổng lượng hàng nhập chợ giảm khoảng 30% so với trước dịch Covid-19. Nguyên nhân một phần do tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm; một phần “chảy ra” các điểm kinh doanh tự phát. Chủ vựa trái cây Cò Loan ở chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, sức mua khá yếu, khó cạnh tranh giá bán với các điểm tự phát ngoài chợ vì họ không phải đóng bất kỳ khoản thuế, phí nào…

Tình hình tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cũng không khá hơn. Hàng đêm, cảnh buôn bán nhộn nhịp kéo dài nhiều kilômét trên các đường Quản Trọng Linh, Nguyễn Văn Linh. Nửa đêm đường vắng, những sạp hàng này thản nhiên bày ra giữa đường.

Theo Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh chợ Bình Điền Phan Thành Tân, việc buôn bán trái phép xung quanh chợ gây bức xúc, dẫn đến khiếu kiện của thương nhân.

Khi nào xử lý dứt điểm?

Điều đáng nói là lượng hàng hóa về 3 chợ mỗi đêm cực kỳ lớn, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thực phẩm của người dân TPHCM. Do vậy, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng hóa ngoài chợ đầu mối là vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là siết các nguồn hàng trôi nổi từ chợ tự phát.

Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn xác nhận, trước đây UBND huyện có thành lập tổ liên ngành kiểm tra, xử lý nhanh các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự phát, nhưng đoàn rút đi thì mọi việc trở lại như cũ.

 Cảnh buôn bán tự phát bên ngoài chợ đầu mối Bình Điền, tối 25-1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cảnh buôn bán tự phát bên ngoài chợ đầu mối Bình Điền, tối 25-1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Các thông tin lực lượng chức năng ra quân kiểm tra đều bị những người kinh doanh tự phát nắm được. Liệu có hay không tình trạng bao che, tiếp tay cho sai phạm?”, ông Lê Văn Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Hóc Môn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, bức xúc.

Tương tự, chợ tự phát quanh chợ đầu mối Bình Điền hoạt động trên địa bàn giáp ranh giữa phường 7, quận 8 và xã An Phú Tây huyện Bình Chánh, việc phối hợp xử lý cũng chưa hiệu quả.

Về giải pháp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TPHCM nhiều lần chỉ đạo, ra quân, nhưng khi lực lượng rút đi thì đâu lại hoàn đó. Hướng đến giải pháp căn cơ, thành phố đang tính toán phương thức kinh doanh hiện đại văn minh hơn, chẳng hạn như lập sàn giao dịch thịt heo. Thịt heo từ 3 chợ đầu mối được đưa lên sàn giao dịch, với tiêu chuẩn chất lượng cao, tạo ưu thế khác biệt của hàng hóa trong chợ so với ngoài chợ. Việc này Sở Công thương đã xây dựng xong phương án, đang lấy ý kiến các sở ngành và dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Nhận xét về tình trạng chợ tự phát bùng phát quanh chợ đầu mối, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Phạm Khánh Phong Lan cho biết, công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối được sở coi như “xương sống trong chương trình bảo đảm an toàn thực phẩm cho cả thành phố”. Bởi nếu đầu nguồn thực phẩm không an toàn, thì tất cả những bước đi phía sau như kiểm tra ở bếp ăn, nhà hàng... cũng là vô nghĩa. Sở cử lực lượng đông đảo, thường trực 24/24 giờ ở các chợ, đặc biệt là khung giờ cao điểm về khuya, kiểm tra đột xuất, thường xuyên ở các sạp hàng.

Trước tình trạng hàng hóa tràn lan bên ngoài chợ, sở đang lên phương án tác động gián tiếp bằng cách tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, như khi kiểm tra các nhà hàng, bếp ăn tập thể sẽ truy nguồn gốc thực phẩm, phải chứng minh mua ở sạp nào, nếu không đúng sẽ bị xử phạt.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng, việc chợ tự phát ôm sát chợ đầu mối và các chợ truyền thống khác trên địa bàn TPHCM không mới, nhưng là vấn đề nan giải. Do vậy, yêu cầu các sở ngành, quận huyện, TP Thủ Đức nhanh chóng rà soát, tìm hướng xử lý rốt ráo nhằm đem lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho các thương nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là thời điểm cận tết như hiện nay.

THI HỒNG - KHÁNH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dep-cho-tu-phat-siet-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-post724542.html