Đẹp hay xấu?

Đội bóng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) không còn theo chủ nghĩa bóng đá đẹp dẫu thua cũng sướng. Sự thay đổi nhân sự ở ban huấn luyện khiến quan điểm chơi bóng của câu lạc bộ (CLB) này thay đổi: Chấp nhận chơi thực dụng, thậm chí cực đoan để có chiến thắng.

Tranh cãi về lựa chọn bóng đá đẹp hay xấu ở HAGL đến từ phát biểu gay gắt của huấn luyện viên (HLV) Polking vài ngày trước khi ông cùng CLB Công an Hà Nội thua 0-1 trước đội bóng phố núi trên sân Pleiku, qua đó mất luôn ngôi đầu bảng V-League.

 Hoàng Anh Gia Lai thi đấu thực dụng để hướng tới chiến thắng. Ảnh: CÔNG NGUYỄN

Hoàng Anh Gia Lai thi đấu thực dụng để hướng tới chiến thắng. Ảnh: CÔNG NGUYỄN

“Một trận đấu mà cầu thủ HAGL nằm sân tới 20-25 phút. Tôi không bao giờ chấp nhận cho các cầu thủ của mình làm điều đó. Với từng ấy thời gian nằm sân, các bạn nên tự hỏi mình đã làm gì với trận đấu. Chúc mừng HAGL có 3 điểm. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ khi các bạn giành chiến thắng theo kiểu như vậy”, ông Polking mỉa mai.

Nguyễn Filip, thủ môn từng nhiều năm chơi bóng tại châu Âu và thậm chí có thời điểm được triệu tập lên đội tuyển Cộng hòa Séc cũng châm chọc kiểu chơi của HAGL: “Chúc mừng chiến thắng của HAGL trong khoảng 25 phút đầu tiên, quãng thời gian mà họ thực sự chơi bóng”.

HAGL không bình luận về những phát ngôn trên. Sự xuất hiện của ông Vũ Tiến Thành trên cương vị Giám đốc kỹ thuật hiện tại hay trước đó là HLV trưởng đã định nghĩa lại quan điểm chơi bóng của HAGL. Thay cho suy nghĩ đá đẹp, thua cũng được từ phát ngôn của bầu Đức năm 2015, HAGL hiện giờ thi đấu không còn mang tính chất biểu diễn. Nói như ông Vũ Tiến Thành: “Thứ hạng của đội bóng phố núi mới là điều quan trọng. HAGL vẫn là thương hiệu bóng đá lớn, không thể cứ mùa nào cũng lo trụ hạng, làm cho người hâm mộ lo lắng đến tận cuối mùa”.

Chuyện đá đẹp hay đá xấu chưa bao giờ hết tranh cãi trong bóng đá. Cuối tháng 10 vừa qua, đội tuyển U.17 Việt Nam cũng phải chịu rất nhiều chỉ trích khi chuyền qua chuyền lại trong cả hiệp 2 để chờ trận đấu giữa đội và U.17 Yemen kết thúc với tỷ số hòa. Về mặt kết quả, U.17 Việt Nam giành vé dự vòng chung kết U.17 châu Á 2025. Bóng đá Việt Nam trút bỏ phần nào áp lực đè nặng sau hàng tháng trời không thành công trong năm 2024. Nhưng về mặt diễn biến, nhiều cổ động viên không hài lòng với lối đá thực dụng đến vậy, đã bỏ về giữa chừng vì xem không sướng mắt.

Lại nói về thầy Park, vị HLV thành công nhất lịch sử các đội tuyển Việt Nam đúc rút ra kinh nghiệm sau 5 năm làm việc ở đây: “Người hâm mộ Việt Nam thích thắng, chứ không phải bóng đá đẹp”. Cách mà ông Park vươn tới đỉnh cao cùng “những chiến binh Sao Vàng” cũng đến từ sự thực dụng trong phòng ngự.

Tranh luận giữa đẹp và xấu, cống hiến hay tiểu xảo, tấn công hay phòng ngự... suy cho cùng cũng hướng về một đích đến. Đó là chiến thắng. Ngay bản thân HLV Polking dẫu chỉ trích HAGL đá tiểu xảo cũng từng chỉ đạo học trò chơi thực dụng để hai lần liên tiếp vô địch AFF Cup cùng đội tuyển Thái Lan.

Về phần mình, lối chơi của HAGL hiện tại đang đúng. Bởi quan điểm bóng đá thực dụng tới cực đoan vẫn đem lại cho họ những chiến thắng nhiều hơn thất bại. Kết thúc mùa giải V-League 2023-2024, HAGL đứng thứ 6 chung cuộc nhờ lối chơi như thế. Đó là vị trí mà suốt 8 mùa giải trước đó, đội bóng phố núi với suy nghĩ đá đẹp bất chấp kết quả ra sao chẳng thể nào đạt được.

TRỊNH MỸ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/dep-hay-xau-803186