Dẹp 'karaoke kẹo kéo',đừng làm vì phong trào
Trong khi TP HCM đang loay hoay với cách xử lý vấn nạn 'karaoke kẹo kéo' thì một số địa phương khác đã mạnh tay.
Vấn nạn karaoke đường phố đang là nỗi ám ảnh với người dân Sài Gòn (Ảnh minh họa)
“Hơn 22 giờ rồi mà hàng xóm vẫn còn rêu rao “Hát nữa đi em, hát nữa đi em…”, nghe muốn điên cả đầu”, anh Lê Văn Chiến (quận 9, TP HCM) bức xúc.
Vấn nạn “karaoke kẹo kéo” không chỉ là nỗi bức xúc của anh Chiến mà từ lâu đã là nỗi ám ảnh của người dân TP HCM đang sống tại các khu dân cư.
Kể từ khi mô hình “karaoke kẹo kéo” ra đời, đi bất cứ nơi đâu cũng nghe tiếng hát, nhất là vào những ngày cuối tuần. Vui là hát, vài người tụ tập ăn nhậu là hát, thậm chí tại các đám ma còn ca hát rầm rộ, thâu đêm suốt sáng, hàng xóm không sao ngủ được.
Đã có nhiều vụ án mạng xảy ra chỉ vì hàng xóm nhắc nhở nhau việc hát karaoke gây ồn ào. Nhưng tiếng hát của “karaoke kẹo kéo” vẫn len lỏi khắp nơi.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay, chính ông đã nhận được nhiều tin nhắn của người dân phản ánh bức xúc với vấn nạn karaoke tra tấn, nhất là sau 22 giờ đêm.
Trong tuần qua, lãnh đạo TP HCM đã tổ chức các cuộc họp để bàn biện pháp xử lý vấn nạn karaoke gây ồn. Tuy nhiên, nhiều địa phương, sở ngành lại nêu ra đủ những lý do để kêu khó. Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, luật đã có nhưng... thiếu thiết bị đo tiếng ồn.
Ông Trần Quang Định, một cán bộ về hưu tại phường 16, quận 8 cho rằng, cách lý giải của lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường thực ra là đang chống chế và trốn tránh trách nhiệm. Bởi lấy lý do không có thiết bị đo tiếng ồn để không xử lý chẳng khác nào “tự lấy dây trói tay mình”.
Chúng ta đều biết, hát karaoke không phải là chuyện gì quá đỗi riêng tư, mỗi lần ai hát thì cả khu phối đều nghe thấy. Nếu có người dân phản ánh, chính quyền cử công an trực tiếp đến làm việc, yêu cầu dừng ngay, ai không chấp hành là xử phạt, chống đối là tịch thu liền… đâu cần phải có thiết bị đo âm thanh?
“Bởi kể cả khi có thiết bị đo âm thanh như vị lãnh đạo Sở nọ phân trần, cán bộ cầm máy xuống đo, dân tắt loa không hát thì đo cái gì? Lúc đấy chắc lại lấy lý do khác để kêu khó xử lý”, ông Định bức xúc.
Trong khi TP HCM đang loay hoay với cách xử lý vấn nạn “karaoke kẹo kéo” thì một số địa phương khác đã mạnh tay. An Giang đã cấm tuyệt đối tình trạng này tại các khu dân cư và được người dân đồng tình.
TP HCM được ví là đầu tàu của cả nước, đi đầu trong các sáng kiến, mở đường. Thành phố cũng đang tập trung xây dựng một thành phố văn minh, đáng sống. Nhưng liệu người dân có cuộc sống bình yên không khi cuối tuần đi làm về lại bị tra tấn bởi “karaoke kẹo kéo”?
Trong cuộc họp với các sở ngành sáng 9/3, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND thành phố đặt ra mục tiêu chấm dứt karaoke gây ồn vào cuối năm nay.
Theo đó, từ nay đến hết tháng 5 sẽ tuyên truyền, vận động. Từ tháng 6 đến cuối năm sẽ tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi gây tiếng ồn từ karaoke theo các Nghị định liên quan gồm: 100, 167, 155 và 98.
“Quy định có hết rồi, quan trọng là sự phối hợp. Không được lấy lý do thiếu người hay thiết bị đo nữa. Chính quyền phải xử lý nghiêm vì cái chung”, ông Hoan nói.
Ở TP HCM đã từng có nhiều phong trào rầm rộ như dẹp lấn chiếm vỉa hè, nạn ăn xin, cướp giật đường phố… Sau một thời gian ra quân, xử lý được một ít, rồi đâu lại vào đó. Thậm chí tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nạn cướp giật còn lộng hành hơn.
Mong rằng việc xử lý karaoke không chỉ là phong trào. Chúng ta hãy cùng chờ xem, rồi đây việc này sẽ được thành phố xử lý thế nào.