Dẹp loạn nghệ sĩ quảng cáo sai, gỡ thông tin xấu độc trên không gian mạng

Thông tin từ Bộ VHTTDL, nhằm đẩy lùi vấn nạn nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, cùng sự lan tràn của hàng ngàn thông tin xấu độc trên không gian mạng, thời gian qua đã có nhiều 'án phạt' nghiêm khắc, kiên quyết gỡ bỏ hơn 5.000 nội dung xấu, độc.

Nhiều người tiêu dùng bức xúc khi tin vào quảng cáo của người nổi tiếng để mua sản phẩm sữa không đảm bảo cho con , ảnh minh họa.

Nhiều người tiêu dùng bức xúc khi tin vào quảng cáo của người nổi tiếng để mua sản phẩm sữa không đảm bảo cho con , ảnh minh họa.

Chấn chỉnh kịp thời

Trước vấn nạn nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo lan tràn các sản phẩm không đúng sự thật, khiến niềm tin người tiêu dùng sụp đổ, Bộ VHTTDL cho biết đã triển khai nhiều biện pháp kiên quyết đẩy lùi.

Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế xử lý các trường hợp người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng.

Theo đó, ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và bà Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) bị xử phạt về hoạt động quảng cáo cho sản phẩm kẹo rau củ Kera và yến sào LoiNest không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng đã công bố...

Bộ VHTTDL cũng đã nhắc nhở ông Mai Huyền Linh (MC Quyền Linh) về việc thực hiện quảng cáo thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định và gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm đã được công bố. Nhắc nhở ông Đào Trọng Hùng (diễn viên Doãn Quốc Đam) về quảng cáo cho sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là sản phẩm bị cấm quảng cáo... Hai trường hợp này sở dĩ không bị xử phạt do đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.

6 tháng đầu năm 2025, Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan chặn, gỡ 2 website, 4 đường link trên Facebook về hành vi quảng cáo có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, mỗi hành vi sai lệch của nghệ sĩ, người nổi tiếng đều có sức lan tỏa sâu rộng và tạo nên hệ quả khó lường. Đặc biệt, nghệ sĩ không chỉ là người biểu diễn mà còn trở thành người dẫn dắt công chúng, định hình thói quen và tạo ra các chuẩn mực.

"Khi nghệ sĩ, người nổi tiếng sử dụng danh tiếng của mình để tiếp tay cho hành vi lừa dối, thì điều tổn thương nhất không phải là ví tiền của người tiêu dùng, mà là niềm tin xã hội, là giá trị đạo đức đang bị đánh đổi và thách thức", PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc, nhưng bài học rút ra thì chưa bao giờ đủ sâu sắc. Nhìn ở chiều sâu văn hóa, đây là biểu hiện rõ ràng của sự lệch chuẩn giá trị.

"Sự đổ vỡ trong chuẩn mực hành xử nếu không được nhận diện và chấn chỉnh kịp thời, sẽ dẫn đến một thế hệ thần tượng bị rạn vỡ, một xã hội mất phương hướng về niềm tin và chuẩn mực sống…", PGS. TS. Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Chặn, gỡ thông tin xấu độc lan tràn trên mạng

Cũng theo Bộ VHTTDL, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ đã thực hiện việc chặn, gỡ nhiều thông tin xấu độc, nội dung vi phạm trên mạng xã hội. Trên Facebook, đã chặn, gỡ 3.099 bài viết, với YouTube là 913 video và 7 kênh (đăng tải khoảng 12.000 video) vi phạm.

Với TikTok, đã chặn, gỡ 1.284 nội dung vi phạm, gồm 5.600 video và 9 bản ghi âm, 724 tài khoản (đăng tải hơn 35.500 video). Bộ VHTTDL cũng đã chặn 148/219 game không phép trên kho ứng dụng của Apple và Google.

Công tác giám sát hoạt động của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Amazon TV, Apple, WeTV, iQIYI, MangoTV được duy trì thường xuyên, đảm bảo các doanh nghiệp này không cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam theo cam kết của doanh nghiệp.

Trao đổi với Phóng viên VTV Times, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc xử lý hàng loạt nội dung vi phạm, xấu độc trên không gian mạng là hết sức cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự thức thời trong bối cảnh văn hóa số đang dần trở thành môi trường sống song song với đời sống thực.

"Khi văn hóa lan tỏa qua từng cú click, từng đoạn video, từng dòng trạng thái, thì việc giữ gìn sự lành mạnh của không gian mạng chính là giữ gìn sự trong sạch của tâm hồn xã hội", PGS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Nếu không kiểm soát, những nội dung độc hại như bạo lực, dung tục, giả mạo, xuyên tạc… sẽ lan nhanh như một loại virus văn hóa, tấn công vào nền tảng giá trị, làm suy giảm niềm tin và lệch chuẩn hành vi của một bộ phận công chúng.

Những giải pháp đã được thực hiện, từ việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, xử phạt vi phạm hành chính, gỡ bỏ nội dung độc hại cho đến truyền thông nâng cao nhận thức là những bước đầu rất đáng ghi nhận.

Nhưng từng đó là chưa đủ. Theo PGS Bùi Hoài Sơn, cần đẩy mạnh hơn nữa, theo hướng tổng thể và chủ động hơn.

Chúng ta không thể chỉ đi dọn rác nếu không gieo trồng những khu vườn. Một bộ lọc mạnh mẽ là cần thiết, nhưng một dòng chảy nội dung tích cực, sáng tạo mới là điều giữ được sự bền vững.

Bên cạnh đó, phải có cơ chế giám sát và phản ứng nhanh với các vi phạm, sử dụng cả trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo để không gian mạng không trở thành nơi vô pháp.

"Đặc biệt, cần xây dựng một thế hệ công dân số có văn hóa, có kỹ năng miễn dịch với nội dung xấu độc. Khi từng cá nhân có ý thức tự bảo vệ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, thì không gian mạng sẽ không còn là mối lo, mà trở thành một nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển…", PGS. TS Bùi Hoài Sơn lưu ý.

Theo VTV

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/dep-loan-nghe-si-quang-cao-sai-go-thong-tin-xau-doc-tren-khong-gian-mang-post124400.html