Đánh thức 'băng cháy' dưới lòng biển khơi lạnh lẽo

Từ một tờ trình kỹ thuật ít ai chú ý của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam mới đây – đề xuất xây dựng định mức điều tra địa chất biển sâu và đánh giá tiềm năng khí hydrate ở độ sâu 300–2.500 mét – một câu hỏi lớn được đặt ra: phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận 'băng cháy' như một nguồn năng lượng chiến lược?

Kho báu nằm sâu dưới đáy biển

Hydrat khí (gas hydrate – GH), hay còn gọi là “băng cháy”, là dạng tinh thể rắn của nước và khí – chủ yếu là methane – hình thành và ổn định dưới đáy đại dương, nơi áp suất cao và nhiệt độ thấp. Một mét khối GH có thể giải phóng tới 164 m³ khí methane – tiềm năng năng lượng khổng lồ, lại ít tạp chất và thân thiện môi trường.

Từ đầu thập niên 2000, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và thử nghiệm khai thác GH. Trung Quốc từng tuyên bố khai thác thành công tại Biển Đông vào năm 2017; Nhật Bản bắt đầu thí điểm từ 2013. Với đặc tính “đốt được như than đá”, GH không chỉ là nguồn năng lượng sạch mà còn có giá trị chiến lược trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu.

Việt Nam – theo đánh giá của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) – nằm trong nhóm có tiềm năng GH trung bình tại châu Á, cùng với Philippines, Sri Lanka, Malaysia. Các vùng biển như Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Khánh và Tư Chính – Vũng Mây đều có điều kiện địa chất lý tưởng để hình thành băng cháy: độ sâu lớn, nhiệt độ đáy thấp, nguồn khí methane dồi dào và trầm tích thích hợp.

Bốn vùng biển ngoài khơi của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng khai thác "băng cháy". Nguồn: Tài liệu nghiên cứu của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Bốn vùng biển ngoài khơi của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng khai thác "băng cháy". Nguồn: Tài liệu nghiên cứu của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Trong một tài liệu nghiên cứu của Tổng cục Biển và Hải đảo (nay là Cục Biển và Hải đảo) và Tổng hội Địa chất Việt Nam công bố có tên “Triển vọng hydrat khí ở biển Đông”, cho biết riêng bốn khu vực trên có thể tích GH ổn định gần 200.000 km³, với trữ lượng methane ước tính từ 70.000 đến hơn 340.000 tỉ m³ – con số vượt xa trữ lượng khí khai thác truyền thống của Việt Nam trong nhiều thập niên.

Luật đã có, quy hoạch vẫn trống

Một bước tiến đáng chú ý là Luật Dầu khí 2022 (có hiệu lực từ 1-7- 2023) đã chính thức đưa “băng cháy” vào nhóm tài nguyên dầu khí phi truyền thống – bên cạnh khí đá phiến, khí than nâu. Theo điều khoản ưu đãi, các lô dầu khí có chứa GH được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 25%, tỷ lệ hoàn vốn lên đến 80% sản lượng khai thác.

Đây là lần đầu tiên GH được thừa nhận rõ ràng trong khung pháp lý Việt Nam – một nền tảng cần thiết để tiến hành ký hợp đồng, thăm dò và triển khai các hoạt động khai thác thử nghiệm trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, GH vẫn vắng bóng trong các quy hoạch năng lượng quốc gia, như Quy hoạch tổng thể năng lượng 2021–2030 (tầm nhìn 2050), hay các chiến lược lớn về hydrogen xanh, điện gió ngoài khơi, LNG nhập khẩu…

Nguyên nhân chủ yếu là vì GH chưa thể khai thác thương mại, công nghệ còn phức tạp và chi phí cao. Nhưng nếu chỉ vì thế mà không đưa GH vào tầm nhìn dài hạn, Việt Nam có nguy cơ chậm chân so với khu vực. Trung Quốc, Nhật Bản đã có hàng chục chương trình nghiên cứu, khoan thử và thí điểm công nghiệp trong gần 20 năm qua.

Việc Cục Biển và Hải đảo Việt Nam mới đây đề xuất ban hành thông tư xây dựng định mức kỹ thuật điều tra GH tại vùng biển sâu có thể là bước khởi đầu. Nhưng nếu thiếu một chiến lược quốc gia đồng bộ, “băng cháy” sẽ tiếp tục nằm yên dưới đáy biển như một giấc mơ bị lãng quên.

Trạm Dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật Tư Chính 5 của Việt Nam trên vùng biển Tư Chính, được cho là có nhiều tiềm năng về "băng cháy". Ảnh: Hồng Văn

Trạm Dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật Tư Chính 5 của Việt Nam trên vùng biển Tư Chính, được cho là có nhiều tiềm năng về "băng cháy". Ảnh: Hồng Văn

Không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc

Nếu nghiêm túc coi GH là tài nguyên chiến lược, Việt Nam cần hành động cụ thể. Trước hết, cần đưa GH vào quy hoạch năng lượng quốc gia, ít nhất ở tầm nhìn dài hạn 2050 trở đi, và xem đây là đối tượng nghiên cứu chứ không chỉ là “tài nguyên dự trữ”. Tiếp theo, cần khởi động một chương trình điều tra quốc gia về hydrat khí, với sự tham gia của Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các viện địa chất, hải dương học. Tương tự như chương trình nghiên cứu khí thiên nhiên từ những năm 1980, đây là bước thiết yếu để chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho khai thác sau này.

Cuối cùng, phải tăng cường hợp tác quốc tế. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc đã đi trước nhiều năm, cả về công nghệ khoan, đánh giá trữ lượng lẫn kiểm soát rủi ro môi trường. Việt Nam cần tranh thủ hợp tác để rút ngắn khoảng cách, thay vì tự mày mò lại từ đầu.

Chính sách pháp lý đã có, tờ trình kỹ thuật cũng đang manh nha. Điều còn thiếu là một quyết tâm hành động, để băng cháy không mãi chỉ là thứ tài nguyên được nhắc đến trong nghiên cứu – mà có thể trở thành một phần trong chiến lược năng lượng quốc gia thế kỷ 21.

Nhất Sơn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/danh-thuc-bang-chay-duoi-long-bien-khoi-lanh-leo/