Đẹp mê hồn những cổng nhà bằng lá dừa độc đáo ở miền Tây
Từ những tàu lá dừa đơn sơ, qua bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của người nông dân miền sông nước, những chiếc cổng nhiều hình thù được kết bằng lá dừa là sự kết tinh không chỉ của nghệ thuật dân gian xứ này, mà còn là tình cảm của con người gắn bó với vùng đất hiền hòa êm đềm bao đời nay.
Cây dừa nước từ lâu đã gắn liền với đời sống người miền Tây, dừa cho lá lợp nhà, thân dừa cho gỗ, nước dừa, cùi dừa ngon ngọt bổ dưỡng. Có thể nói mỗi bộ phận trên cây dừa đều quý đều góp công góp sức không nhỏ vào cuộc sống người miền Tây tự thuở khai hoang khẩn địa.
Có lẽ cũng vì yêu quý giống cây hiền hòa này nên ông cha ta mới dùng lá dừa để đan cổng hoa cưới. Cổng hoa cưới lá dừa luôn cho người ta cảm giác bình dị, gần gũi, thấm đượm tình cảm chân chất, nồng ấm của người dân quê miền Tây Nam Bộ.
Chị Phan Tuyết Mai (25 tuổi, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) hào hứng khi trong lễ đính hôn của mình được nhiều thanh niên trong ấp đến cùng kết lá dừa làm cổng. Những thanh niên khéo tay trong ấp nhận lời đã nhanh chóng đi tìm lá dừa quanh ấp, trong những rạch dừa nước để chọn loại lá phù hợp để kết cho chị một chiếc cổng thật đẹp và đầy ý nghĩa.
Anh Dinh, một thanh niên trong ấp hào hứng cho biết: “Nguyên liệu chính là lá dừa, bên cạnh lá tẻ màu xanh, nếu cần lá dừa non trắng nõn thì phải chọn từ sớm và đợi độ 1 tuần cho lá vừa khô. Ngoài ra cần chuẩn bị thêm thân dừa nước hoặc thân tre làm cột trụ, đinh, dây kẽm và một số phụ kiện khác”.
Cũng theo lời anh Dinh chia sẻ, thì công đoạn làm cổng lá dừa có rất nhiều, tùy từng người thiết kế hay người đưa ý tưởng, nhưng đại loại phải chọn thân tre, thân dừa nước hoặc thân cau thẳng để làm cột trụ dừng cổng.
Lá dừa là vật liệu quan trọng nhất, phải chọn được lá đẹp, xanh, không nát quá và dài từ 1m7 trở lên thì mới có thể đan và tạo kiểu được. Lá dừa phải chọn loại lá dừa bánh tẻ, tức loại lá không quá già không quá non để có màu xanh đẹp nhất rồi dùng đinh, kẽm gắn tàu dừa vào hai bên cổng để che cột trụ.
Ngày trước không có đinh sắt, thì thường là dùng đi tre. Tùy ý của mỗi người mà có thể đan, tết lá dừa thành nhiều hình dáng sáng tạo khác nhau.
Việc làm cổng bằng lá dừa đòi hỏi người thắt phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và khéo tay. Để tại nhiều màu sắc khác nhau trên cổng, sẽ dùng lá dừa non, còn nguyên ánh vàng để tết thành những bông hoa hay mái rèm lưa thưa bắt mắt trước cổng. Ngoài ra còn có thể dùng thêm hoa tươi, hoa quả đặc trưng miền Tây để tạo hình, khắc chữ độc đáo.
Sau một thời gian vắng bóng, vài năm nay đã xuất hiện trở lại 'kiểu đám cưới ngày xưa' với rạp, cổng được trang trí toàn bằng lá dừa. Tuy mộc mạc, đơn sơ, nhưng thu hút được nhiều người. Không chỉ là cổng cưới hỏi, mà ròn rất nhiều dịp vui khác như đăng khoa, nhà mới, thôi nôi, đón khách… cũng đều được làm cổng để mọi người cùng vui.
Anh Dinh bảo, giờ nhiều người chuộng những loại cổng rạp lắp ghép sẵn, vừa nhanh và nhiều kiểu, nhưng riêng loại cổng lá dừa như này không bao giờ mất. Bởi nó thể hiện tâm hồn, sự khóe léo của đôi tay, và cả khí chất con người miền tây trên mỗi nhánh lá.
Những năm gần đây, cổng cổ truyền theo kiểu lá dừa, đủng đỉnh, chuối cây tự làm đang được người dân rất ưa chuộng. Ngày xưa mỗi khi có cưới hỏi, cả nhà, có khi cả xóm xúm nhau tìm các vật liệu về làm cái cổng cho thật hoành tráng, thật đẹp. Nhưng bây giờ có lẽ vì lí do thời gian, sự chuyên nghiệp dần thay thế nên có hẳn một nghề mới: Nghề làm cổng cưới lá dừa cổ truyền.
Những chiếc cổng lá dừa chắc chắn đã khiến nhiều người phải trầm trồ thích thú trước nét đẹp chân chất của vùng sông nước êm đềm này. Chiếc cổng lá dừa xanh mướt đậm nét dân dã mộc mạc đã trở thành biểu trưng đặc biệt cho cuộc sống miền sông nước Tây Nam Bộ.
Tuy mộc mạc, đơn sơ và “cây nhà lá vườn”, nhưng cổng đám cưới quê xưa mang đậm nét văn hóa dân gian, gần gũi và nặng tình làng nghĩa xóm, bởi đó là công sức của nhiều người cùng chung tay tết lại.
Những lúc mọi người cùng xúm vào làm cổng lá dừa, biết bao câu chuyện về cuộc sống, về con người, về vùng đất và cả những câu chuyện xưa được kể lại. Mọi người vui vẻ trò chuyện với nhau, thi thoảng ai đó lại cất lên những câu hò tha thiết khiến không khí vui như ngày hội.
Ý nghĩa của chiếc cổng lá dừa miền sông nước không chỉ dừng lại ở ở vẻ đẹp trên mỗi cánh lá, mà đó còn là sự kết nối của cả một cộng đồng, sự gắn bó của nhiều thế hệ chỉ từ một chiếc cổng nhà.