Đẹp ngây ngất những đồi sim ở Phú Quốc
Tháng 12 âm lịch cũng là lúc hoa sim bắt đầu nở rộ trên những đồi sim ở Phú Quốc, khoe sắc tím mộng mơ trong nắng ấm và sương mù.
Từ lâu, những đồi sim hoang dại đã trở thành một trong những biểu tượng, điểm nhấn kinh tế, là nơi thu hút khách du lịch của đảo ngọc Phú Quốc.
Ở Phú Quốc, ngoài các loại đặc sản được chế biến từ hải sản, hồ tiêu, còn có muôn vàn loại đặc sản khác được chế biến từ trái sim rừng, như: Mật sim, kẹo sim, sim khô và đặc biệt là rượu sim.
Người đầu tiên làm ra loại rượu vang từ trái sim nổi tiếng của "đảo ngọc" là ông Bảy Gáo, gắn liền với thương hiệu rượu sim Bảy Gáo ở Phú Quốc cho đến bây giờ. Người dân đảo này luôn coi ông Bảy Gáo là "ông tổ" nghề rượu sim, họ kể nhiều câu chuyện khá hấp dẫn và ly kỳ về ông.
Ông Bảy Gáo tên thật là Mạc Văn Nghiêm (đã mất năm 91 tuổi), quê ở Vĩnh Long. Năm 14 tuổi, ông ra Phú Quốc hoạt động cách mạng. Một lần trên đường gặp một cô gái quê xứ đảo xinh đẹp ngồi bán hàng dưới gốc cây gáo, ông đã đem lòng yêu thương và nên duyên vợ chồng, sống hạnh phúc đến cuối đời.
Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Bảy, năm nay đã 90 tuổi, đang cùng con cháu duy trì thương hiệu đặc sản nổi tiếng của "đảo ngọc" cũng như của gia đình mình. Bà kể: "Hồi đó, để thuận tiện tham gia hoạt động bí mật nên ông đã lấy tên của tôi là Bảy, kết hợp với kỷ niệm chuyện tình yêu dưới gốc cây gáo làm bí danh Bảy Gáo".
Trên đảo Phú Quốc lúc đó có rất nhiều sim mọc hoang sơ, đi đâu cũng gặp, nhiều nhất là ở các khu rừng phòng hộ Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương... Vào mùa sim chín, độ vài tháng trước và sau Tết Nguyên đán hằng năm, người dân Phú Quốc hái về ăn chơi cho vui miệng.
Khoảng năm 1990, lúc đó ông Bảy Gáo còn công tác tại UBMTTQVN huyện Phú Quốc, có đoàn cán bộ ở Tây Nguyên đến tham quan huyện đảo. Thấy ở Phú Quốc có nhiều trái sim rừng nên họ mua về làm rượu. Những người này còn cho biết sim Phú Quốc vị thơm ngon hơn sim Tây Nguyên, vị ngọt thanh hơn và đặc biệt có độ chát nên ngâm rượu uống sẽ rất ngon.
Từ đó, hằng năm đến mùa có sim rừng chín, ông Bảy Gáo đều làm rượu để dành uống và đãi khách, ai thưởng thức cũng khen ngon.
"Năm 1997, đám cưới con trai, ông làm được hơn 100 lít rượu để đãi khách, ai uống cũng tấm tắc khen ngon. Sau đám cưới, ông bắt đầu làm rượu bán. Thấy ngày càng nhiều người hỏi mua, ông bắt đầu gom mua sim của bà con trong vùng, 3 tấn, rồi 7 tấn, 10 tấn để làm rượu. Từ đó rượu sim Phú Quốc được ngày càng nhiều người biết đến" - bà Bảy kể.
Đến năm 2005, ông Bảy Gáo mới quyết định phát triển sản xuất rượu đóng chai theo kiểu công nghiệp, nhưng cách ủ rượu vẫn giữ nguyên truyền thống trong những chiếc lu sành.
Hiện nay, mỗi năm cơ sở sản xuất rượu sim Bảy Gáo tiêu thụ hàng chục tấn sim, cho ra khoảng 10.000 lít rượu cốt, đã thành thương hiệu có mặt khắp các vùng miền và được khách nước ngoài ưa chuộng với nhiều hương vị và chủng loại: Mật sim, vang sim, rượu sim 14 độ, rượu sim 29 độ...
Không chỉ có rượu, vườn sim của ông Bảy Gáo Phú Quốc, tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc còn là một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Phú Quốc vào mùa Tết.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/dep-ngay-ngat-nhung-doi-sim-o-phu-quoc-20230120100304311.htm