Dệt may tiếp tục hút vốn đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu
Sự phục hồi của thị trường cùng hiệu ứng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được cho là động lực thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam trong các tháng qua.
Nhập khẩu nguyên phụ liệu gia tăng
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mặc dù là nước xuất khẩu thuộc Top đầu thế giới song ngành dệt may Việt Nam vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày) vẫn tăng mạnh trong tháng 4 với 2,61 tỷ USD, tăng 14,6% so với tháng trước. Như vậy, trong 4 tháng qua tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 8,39 tỷ USD, tăng mạnh 22% (tương ứng tăng 1,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số này, vải các loại nhập khẩu đạt 4,39 tỷ USD, tăng 22,7% (tăng 813 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 2,13 tỷ USD, tăng 24,6% (tăng 421 triệu USD); bông các loại đạt 996 triệu USD, tăng 13,1% (tăng 115 triệu USD) và xơ sợi dệt các loại đạt 875 triệu USD, tăng 23,3% (tăng 115 triệu USD).
Việc nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao được lý giải, do ngành dệt may gần đây đã phục hồi trở lại với khối lượng đơn hàng cao và doanh nghiệp cần nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất. Tuy nhiên nhận định của Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, theo cam kết của các FTA, mà cụ thể là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU thì doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ về nguyên phụ liệu. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp cần tăng tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu trong nước, hoặc phải nhập từ các nước có FTA với EU như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giá sẽ cao hơn từ 8-15%. Trong khi đó, lợi ích về cắt giảm thuế quan của EVFTA có thể chưa đủ bù đắp để dệt may Việt Nam có giá bán cạnh tranh so với đối thủ.
Trong bối cảnh đó, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch của VITAS, việc đầu tư vào phần cung thiếu hụt là vô cùng cấp thiết để ngành may mặc Việt chủ động hơn trước những biến động của thị trường, nhất là giữa thời điểm đại dịch gây đứt gãy chuỗi cung như hiện nay.
Tăng đầu tư khắc phục phần cung thiếu hụt
Đáp ứng nhu cầu về phần cung thiếu hụt của ngành dệt may, thời gian gần đây đã có không ít dự án đầu tư mở rộng sản xuất xơ sợi, vải được cả doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế công bố. Chẳng hạn ngày 21/5 UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận điều chỉnh tăng thêm 610 triệu USD mở rộng năng lực sản xuất các sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi cotton cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern thuộc Tập đoàn Far Eastern. Đây là một trong những dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp dệt may có quy mô lớn của Tập đoàn Far Eastern đầu tư vào Việt Nam sau khi doanh nghiệp này phát triển ở thị trường Trung Quốc và Đài Loan.
Cũng liên quan đến sản xuất xơ sợi, cuối tháng 4 vừa qua ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP Sợi Thế Kỷ đã thông báo khởi động lại dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex tại Tây Ninh. Đây là dự án có tổng công suất 60.000 tấn, tập trung vào phân khúc sợi tái chế, sợi có chất lượng cao và sợi đặc biệt. Dự án có tổng đầu tư khoảng 120 triệu USD và khi đi vào vận hành sẽ nâng công suất của Sợi Thế Kỷ lên gấp đôi.
Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2021. Năm 2023, nhà máy đưa vào hoạt động giai đoạn 1 khởi công xây dựng giai đoạn 2. Đến năm 2025 thì hoàn thành giai đoạn 2. Nhà máy tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi chất lượng cao, và sợi đặc biệt. Theo ước tính của Sợi Thế Kỷ, nhà máy mới sẽ giúp công ty đạt tốc độ tăng trưởng bình quân năm (CAGR) vào khoảng 20% trong giai đoạn 2021-2025.
Ngoài Sợi Thế Kỷ, Tổng công ty May Việt Tiến (VGG) gần đây đã lên kế hoạch đầu tư nhà máy vải thông qua việc thành lập Công ty TNHH Việt Thái Tech. Dự án Việt Thái Tech với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, là sự liên doanh hợp tác giữa VGG và 2 đối tác chiến lược là Luenthai và Newtech. Dự án này sẽ giúp VGG chủ động nguồn nguyên liệu và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng từ khách hàng. Do đó, sẽ giúp VGG dễ dàng gắn kết vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu hơn trong tương lai, góp phần cải thiện biên lợi nhuận của công ty.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dự án Việt Thái Tech sẽ giúp VGG đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại trong tương lai. Bởi lẽ, hơn 13% tổng doanh thu năm 2020 của VGG đến từ doanh thu xuất khẩu sang EU, nên khi VGG đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ EVFTA, công ty sẽ có nhiều khả năng mở rộng xuất khẩu sang EU.
Cùng xu thế này, Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cũng có kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm và đan của dự án Vĩnh Long trong 2022 để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Với việc gia tăng đầu tư như hiện nay, các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng trong tương lai gần ngành này sẽ chủ động được phần cung thiếu hụt, từ đó tận dụng tốt các FTA mà Việt Nam đã ký kết.