Đều là hai vị quân chủ nổi danh Tam Quốc, vì sao hậu duệ của Lưu Bị lại kém xa một trời một vực so với con cái của Tào Tháo?
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc con cái của Lưu Bị thua xa so với hậu duệ của Tào Tháo là điều không hề khó hiểu và bắt nguồn từ những nguyên nhân dưới đây.
Vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, thiên hạ rơi vào cảnh đại loạn, hào kiệt, anh hùng nổi dậy khắp nơi, mà Lưu Bị và Tào Tháo vốn được xem là hai nhân vật kiêu hùng nổi bật của giai đoạn lịch sử thời bấy giờ.
Thế nhưng không khó để nhận thấy, nếu so sánh về hậu duệ, con cái của Tào Tháo lại giỏi giang và vượt xa hơn hẳn những người con của Lưu Bị.
Sinh thời, Tào Tháo từng có những hậu duệ như Tào Xung, Tào Thực giỏi văn chương hay Tào Chương giỏi võ nghệ, đó là chưa kể tới một Tào Phi hữu dũng hữu mưu nức tiếng gần xa.
Tuy nhiên nhìn lại hậu duệ của Lưu Bị, người ta chỉ nhớ tới một Lưu Thiện bị xem là bất tài, nhu nhược, còn những người khác đa số đều vô cùng mờ nhạt trong lịch sử.
Liệu rằng đâu là lý do khiến con cái của Tào Tháo và Lưu Bị có sự chênh lệch một trời một vực tới vậy?
Theo quan điểm của chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi (Trung Quốc), nguyên nhân của điều này xuất phát từ 3 lý do cụ thể dưới đây.
Lý do thứ nhất: Xuất thân khác biệt
Qulishi cho rằng, Lưu Bị sinh thời dù là một trang anh hùng, thế nhưng dẫu sao vẫn xuất thân nghèo khó, từng phải hành nghề đan giày dệt chiếu để mưu sinh.
Do đó, tuổi thơ cũng như thời niên thiếu của ông chưa từng được thể nghiệm sự giàu có, cũng chưa bao giờ trải nghiệm cuộc sống xa hoa của giới nhà giàu.
Vì vậy, con của ông sinh ra mặc dù học được nhiều tính cách như cần kiệm, nhân nghĩa, nhưng lại vô tình thiếu đi chút khí phách.
Trong khi đó, Tào Tháo xuất thân từ gia đình giàu có, là hậu duệ của đại thái giám khét tiếng một thời. Bản thân ông cũng là một người hết sức tài hoa, hữu dũng hữu mưu lại có tài thi ca.
Đó là chưa kể tới việc thê thiếp của ông đa số đều từng là phu nhân của các thế lực thù địch. Họ đều là những người có bối cảnh, nhan sắc và tài năng xuất chúng.
Bởi vậy nên những người con do các thê thiếp này sinh ra sẽ sở hữu khí chất vương giả cùng vẻ ngoài và tài năng nổi bật cũng là điều dễ hiểu.
Lý do thứ hai: Sự nghiệp bất đồng
Do con đường gây dựng sự nghiệp của Lưu Bị hết sức chông gai, cho nên những người con trai của ông hầu như đều sinh ra trong cảnh loạn lạc, thất thế.
Những hậu duệ này từ nhỏ đã phải học cách làm quen với lối sống luôn nơm nớp lo sợ, ngày ngày phải chạy trốn khắp nơi.
Minh chứng là con trưởng Lưu Thiện (tức A Đẩu) của ông thuở nhỏ thậm chí đã từng suýt mất mạng trong vòng vây của quân địch.
Do sinh ra và lớn lên trong bối cảnh như vậy, con cái của Lưu Bị sẽ khó có được sự tự tin, cũng có ít cơ hội hưởng thụ sự giáo dục tiên tiến hay bồi dưỡng tài hoa của bản thân.
Nhìn lại sự nghiệp của Tào Tháo, có thể thấy con đường thâu tóm quyền lực của ông đa số đều thuận buồm xuôi gió.
Cho nên con cái của Tào Tháo đương nhiên sẽ luôn có trong mình sự tự hào và kiêu ngạo, đồng thời cũng học được không ít thủ đoạn từ cha mình, bên cạnh đó cũng càng có nhiều cơ hội để bồi dưỡng và thể hiện tài năng.
Lý do thứ ba: Phương thức giáo dục con cái không giống nhau
Qulishi còn cho rằng, con cái của Lưu Bị thuở nhỏ luôn phải sống trong cảnh bôn ba khắp nơi. Bản thân vị quân chủ họ Lưu ấy cũng quanh năm chinh chiến, cho nên ít có điều kiện và thời gian để tìm về những người thầy tốt hay đích thân dạy dỗ, bồi dưỡng con mình.
Trong khi đó, Tào Tháo nổi danh là người có tài hoa và có học vấn, lại từng làm quan trong triều, trình độ giáo dục và tu dưỡng tương đối cao, đương nhiên rất coi trọng việc giáo dục con cái.
Thậm chí, Tào Tháo còn nhiều lần đích thân kiểm tra và đốc thúc việc học hành của các con mình.
Đó là chưa kể tới việc tập đoàn Tào Ngụy là nơi đầu quân của nhiều mưu sĩ nổi danh đương thời.
Vì vậy nên những người như Tào Phi, Tào Thực đương nhiên sẽ có được sự dạy dỗ và chịu nhiều ảnh hưởng của những nhân vật tài hoa này.
Xuất phát từ các nguyên nhân nói trên, có thể thấy rằng việc hậu duệ của Tào Tháo và Lưu Bị có sự chênh lệch về tài năng cũng không phải là điều khó hiểu.
Thế nhưng ngoài những lý do này, điều quan trọng hơn cả vẫn thuộc về ý thức cá nhân và sự tự mình tu dưỡng của chính họ.
Bởi từ cổ chí kim, nhân tài chỉ có 3 phần dựa vào thiên phú, 3 phần nhờ vào giáo dục, còn lại đều dựa vào sự dốc sức tu dưỡng mới có thể có ngày thành công.
*Dịch từ tư liệu nước ngoài.