ĐH Điều Dưỡng Nam Định: Số sinh viên nhập học thấp, trường khó khăn về tài chính
Năm 2021, ĐH Điều dưỡng Nam Định đặt ra 700 chỉ tiêu với ngành Điều dưỡng nhưng có đến 847 thí sinh nhập học (vượt 147 em so với chỉ tiêu đặt ra).
Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Y tế Nam Định, tiền thân là Trường Y sỹ Nam Định (thành lập ngày 8/9/1960). Trường có sứ mạng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Điều dưỡng, Hộ sinh và phát triển khoa học Điều dưỡng, Hộ sinh của Việt Nam.
Hiện, trường có tổng diện tích là 54.712,7 m2 với số chỗ ở sinh viên là 1.000. Tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường: 34.707 m2 . Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo: 13.605,63 m2 (5,78 m2/sinh viên chính quy).
Năm học 2023 – 2024, học phí hệ chính quy của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định là 450.000 đồng/tín chỉ (giữ nguyên mức học phí năm 2022). Trung bình khoảng 17.325.000 đồng/năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua đề án tuyển sinh của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, từ năm 2018 đến năm 2022, nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu và giữa các ngành đào tạo cũng có sự chênh lệch khi có ngành tuyển vượt chỉ tiêu, có ngành lại không tuyển được sinh viên nào.
Cụ thể trong mùa tuyển sinh năm 2018, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trường có tổng số 500 chỉ tiêu nhưng chỉ có 464 thí sinh trúng tuyển. Đa số thí sinh trúng tuyển tập trung ở hai ngành Điều dưỡng và Hộ sinh.
Cụ thể, ngành Điều dưỡng có chỉ tiêu là 390 nhưng có 406 thí sinh trúng tuyển; ngành Hộ sinh có 50 chỉ tiêu nhưng số thí sinh trúng tuyển là 56. Trong khi đó, ngành Y tế công cộng và ngành Dinh dưỡng đều có 30 chỉ tiêu nhưng chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển.
Trong văn bản trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thầy thuốc Nhân dân, Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết, năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT.
Cụ thể, tổng chỉ tiêu đại học chính quy là 500; tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học đại học chính quy là 485 (đạt 97%).
Đến năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 và Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT ngày 25/02/2019. Đối với phướng thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tổng chỉ tiêu đại học chính quy là 580 nhưng số thí sinh trúng tuyển chỉ đạt 338 em.
Trong đó, có 333 thí sinh trúng tuyển ở ngành Điều dưỡng (490 chỉ tiêu) còn tổng ba ngành còn lại chỉ có 5 thí sinh trúng tuyển gồm: ngành Hộ sinh (50 chỉ tiêu) có 3 thí sinh trúng tuyển, ngành Y tế công cộng (20 chỉ tiêu) có 2 thí sinh trúng tuyển và ngành Dinh dưỡng (20 chỉ tiêu) không có thí sinh nào.
Tiếp đó vào năm 2020, số lượng thí sinh trúng tuyển vào Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tiếp tục có xu hướng giảm đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trong đó, ngành Điều dưỡng có 400 chỉ tiêu nhưng chỉ có 283 thí sinh nhập học; ngành Hộ sinh giảm xuống còn 16 chỉ tiêu nhưng chỉ có 7 thí sinh nhập học; ngành Dinh dưỡng giảm xuống còn 6 chỉ tiêu nhưng chỉ có 1 thí sinh nhập học. Năm học này, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định dừng tuyển sinh ngành Y tế công cộng.
Còn đối với phương thức xét học bạ trung học phổ thông, năm 2020, ngành Điều dưỡng có 400 chỉ tiêu và 349 thí sinh nhập học; ngành Hộ sinh 64 chỉ tiêu và có 22 thí sinh nhập học; ngành Dinh dưỡng có 24 chỉ tiêu và 3 thí sinh nhập học.
Được biết, năm 2020, chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng trình độ đại học của trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng. Do đó, trường được điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành Điều dưỡng trình độ đại học từ 470 chỉ tiêu lên 800 chỉ tiêu (công văn số 3611/BGD ĐT-GDĐH ngày 15/9/2020).
Đến năm 2021, công tác tuyển sinh của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định có sự thay đổi rõ rệt ở ngành Điều dưỡng khi ngành này có tổng số 700 chỉ tiêu nhưng có đến 847 thí sinh nhập học (vượt 147 thí sinh so với chỉ tiêu đặt ra).
Cụ thể, phương thức xét học bạ trung học phổ thông có 420 chỉ tiêu nhưng có đến 464 thí sinh nhập học (vượt 44 chỉ tiêu); phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 280 chỉ tiêu nhưng có 383 thí sinh nhập học.
Các ngành còn lại gồm Hộ sinh và Dinh dưỡng của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Ngành Hộ sinh có 80 chỉ tiêu nhưng tuyển được 46 thí sinh ở cả hai phương thức còn ngành Dinh dưỡng có 30 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 4 thí sinh.
Hiệu trưởng nhà trường thông tin, năm học này, tổng chỉ tiêu đại học chính quy là 910; tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học đại học chính quy là 875 (đạt 96,15%); số sinh viên có mặt tại thời điểm tháng 12/2023 là 815/910 chỉ tiêu (89,56%).
Theo Kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2021 được ban hành ngày 26/4/2021 (văn bản số 890/KH-ĐDN) và Thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 ban hành ngày 28/4/2021 (văn bản số 891/TB-ĐDN) của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, số chỉ tiêu tuyển sinh của toàn trường là 910 và ngành Điều dưỡng chỉ có 700 chỉ tiêu (ngành Hộ sinh 180 chỉ tiêu và Dinh dưỡng 30 chỉ tiêu).
Gần đây nhất vào năm 2022, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định chỉ tuyển sinh hai ngành Điều dưỡng và Hộ sinh với tổng chỉ tiêu là 837 nhưng chỉ có 523 thí sinh nhập học ở cả hai phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngành Điều dưỡng có chỉ tiêu là 657 với 507 thí sinh nhập học còn ngành Hộ sinh có 180 chỉ tiêu nhưng chỉ có 19 thí sinh nhập học.
Cũng theo Hiệu trưởng nhà trường, hiện tại, việc tuyển sinh của nhà trường và số lượng sinh viên gọi nhập học đang thực hiện theo đúng các quy định về tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chia sẻ những khó khăn trong tuyển sinh, Tiến sĩ Trương Tuấn Anh cho hay, trong những năm gần đây, đặc biệt sau dịch Covid-19, việc tuyển sinh của các trường trong khối ngành sức khỏe gặp nhiều khó khăn.
Việc các em lựa chọn đăng ký đến xác định nhập học đang có một khoảng cách, do vậy hầu hết ở các trường hiện nay số lượng sinh viên xác nhận nhập học và nhập học dưới 100%.
Nhà trường dừng tuyển sinh Ngành Y tế công cộng từ 2020.
Với ngành số lượng thí sinh trúng tuyển và nhập học ít, nhà trường luôn hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất và các nguồn lực khác để đảm bảo về chất lượng đạo tạo cho các đối tượng này.
Cụ thể, với khối kiến thức chung và cơ sở được tổ chức theo tín chỉ và chung cho các ngành đào tạo.
Đối với khối kiến thức ngành và chuyên ngành, nhà trường tổ chức giảng dạy theo kế hoạch và chương trình đào tạo. Tuy nhiên, đào tạo với số lượng như thế nên nhà trường gặp khó khăn về tài chính.