ĐH Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm: Những tác động của Bộ luật Lao động sửa đổi đến doanh nghiệp và giải pháp
Mới đây, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm 'Những tác động của Bộ luật Lao động sửa đổi đến doanh nghiệp và giải pháp'.
Buổi tọa đàm nhằm giải đáp nhiều băn khoăn của người lao động và chủ doanh nghiệp liên quan đến những điểm mới của Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/11.
Theo TS. Đỗ Ngân Bình - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Trường Đại học Luật Hà Nội), Bộ luật Lao động sửa đổi lần này có 68 điểm mới, trong đó có 19 điểm mới sẽ tác động nhiều đến các doanh nghiệp. Một trong những điểm được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm chính là loại hợp đồng lao động.
Theo đó, pháp luật lao động hiện nay quy định tùy vào nhu cầu và lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động thì hai bên có thể lựa chọn thực hiện một trong ba loại hợp đồng, gồm: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ 12 tháng đến 36 tháng) và hợp đồng lao động mùa vụ (dưới 12 tháng).
Tuy nhiên, tại Điều 20 Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, thay vào đó chỉ còn 2 loại hợp đồng là: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.
TS. Đỗ Ngân Bình phân tích, tại Điều 13 của Bộ luật Lao động sửa đổi có quy định về hợp đồng lao động. Theo đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Với quy định này, bà Bình cho rằng, khi nhận người lao động vào làm việc thì chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ chính sách về bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Còn theo đánh giá của Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Piaggio Việt Nam Phạm Hồng Quân, đây là quy định rất nhân văn, đòi hỏi sự chuyên nghiệp và trách nhiệm của người sử dụng lao động với người lao động, quy định này cũng xóa đi cách xử lý của chủ sử dụng lao động là lách quy định để không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, dịch vụ.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương Nguyễn Văn Minh nhìn nhận quy định mới này là thách thức lớn cho doanh nghiệp vì chi phí sẽ tăng lên.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng có nhiều điểm mới khác như không được sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, một số trường hợp đặc biệt không cần báo trước. Đây đều là những quy định nhằm tối đa hóa việc bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng lại đặt ra thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phép người lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình tại cơ sở. TS. Đỗ Ngân Bình khẳng định, đây là vấn đề mới ở Việt Nam. Trong một doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động dẫn đến khả năng có thể xảy ra tranh chấp giữa các tổ chức này.