ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất có cơ chế thí điểm đặc thù xét công nhận, bổ nhiệm GS,PGS

Trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ, ĐH Quốc gia TPHCM có đề xuất cho phép được thí điểm bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) và trợ lí GS.

Việc thí điểm gắn liền với chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển nhân tài, tức các nhà khoa học trẻ, đầu ngành để triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu mới, phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đây được coi như cơ chế đột phá để ĐH Quốc gia TPHCM thu hút, tuyển dụng nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành về công tác.

Ảnh: Minh họa

Ảnh: Minh họa

Theo đánh giá của ĐH Quốc gia TPHCM tiêu chuẩn xét duyệt các chức danh GS, PGS tại Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ có một số vấn đề chưa phù hợp thực tiễn như:

Yêu cầu thời gian tham gia giảng dạy khá dài; việc tính điểm công trình theo số lượng bài báo khoa học, số lượng tác giả còn nhiều điểm bất hợp lí; chưa quan tâm nhiều đến yếu tố đặc thù của ngành, lĩnh vực; chưa định lượng một số tiêu chí khoa học theo thông lệ quốc tế như: kinh phí đề tài, dự án mà ứng viên mang về cho đơn vị; các hoạt động học thuật như tham gia hội đồng biên tập, chủ trì tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế; công trình khoa học đóng góp xây dựng, phản biện chính sách cho Đảng và Nhà nước; việc bỏ phiếu đôi khi còn mang yếu tố định tính…

Do vậy các cơ sở giáo dục ở thế bị động trong chiến lược phát triển chương trình đào tạo và nghiên cứu mới, có ngành chưa có trong danh mục của hội đồng ngành (như ngành Khoa học - công nghệ vật liệu). Một số ngành truyền thống có nguy cơ không còn GS đầu ngành.

Ở khía cạnh khác, việc phụ thuộc vào số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế dẫn đến xu hướng thương mại hóa công tác xuất bản. Các tạp chí “săn mồi” xuất hiện ngày càng nhiều, làm méo mó và giảm sút niềm tin của xã hội đối với giáo dục.

Để có cơ chế thí điểm đặc thù, ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định cơ chế thí điểm đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đó là:

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và chức danh khoa học.

ĐH Quốc gia TPHCM có đặc thù là tổ hợp các trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, có người đứng đầu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; có hệ thống đơn vị chuyên môn hỗ trợ liên kết chặt chẽ với nhau.

Hội đồng ĐH Quốc gia TPHCM, Hội đồng khoa học và đào tạo, Hội đồng đảm bảo chất lượng, văn phòng và các ban chức năng, đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc nên ĐH này có đầy đủ năng lực thực hiện. Cơ chế này sẽ thí điểm trong 5 năm và áp dụng ở phạm vi nội bộ ĐH Quốc gia TPHCM. Khi rời ĐH Quốc gia TPHCM, các nhà khoa học sẽ không còn chức danh GS, PGS.

Tiêu chuẩn GS, PGS sẽ bám theo Quyết định số 37 nhưng linh động, uyển chuyển hơn, thậm chí bổ sung thêm một số yêu cầu theo thông lệ quốc tế như: đóng góp về tài chính cho đơn vị, về chính sách cho cộng đồng; tham gia các mạng lưới khoa học trong nước và quốc tế.

Về hội đồng xét công nhận, chỉ nên có 1 hội đồng để xét duyệt là Hội đồng GS cấp ĐH Quốc gia TPHCM. Chủ tịch Hội đồng GS cấp ĐH Quốc gia TPHCM sẽ kí quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các ứng viên. Trường ĐH thành viên hoặc các đơn vị trực thuộc sẽ triển khai việc bổ nhiệm.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dh-quoc-gia-tphcm-de-xuat-co-co-che-thi-diem-dac-thu-xet-cong-nhan-bo-nhiem-gspgs-post1673676.tpo