ĐH Việt Pháp: 10 năm vẫn chờ an cư
Sau 10 năm thành lập, trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (ĐH Việt Pháp - USTH) vẫn đang chờ cơ sở đang được xây dựng tại Láng Hòa Lạc.
Kể từ khi thành lập, USTH không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo. Từ 6 ngành đào tạo ban đầu do hai chính phủ lựa chọn trên cơ sở các thế mạnh khoa học và công nghệ của Pháp cũng như nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam, năm 2017, USTH đã mở thêm 2 ngành Kỹ thuật hàng không và Quản trị vận tải hàng không quốc tế.
Về nghiên cứu khoa học, đến nay, Trường đã có 251 công bố khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục SCI/SCI-E. Trung bình mỗi giảng viên USTH có 1 công bố khoa học thuộc danh mục SCI/SCI-E mỗi năm. Nhiều công bố khoa học của USTH được đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu thế giới như: Nature Materials, Nature Astronomy và JACS.
Đặc biệt 3 năm liền (2017, 2018, 2019) USTH nằm trong danh sách 10 trường đại học học và viện nghiên cứu Việt Nam dẫn đầu về chất lượng công bố quốc tế theo đánh giá của nhà xuất bản Nature.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tinh thần và những giá trị của ĐH Việt - Pháp trong những năm qua trước hết nằm ở chỗ đã góp phần vào đổi mới mô hình quản trị ĐH trong những năm qua.
Trước đó, các trường ĐH ở Việt Nam là những đơn vị sự nghiệp trực thuộc các bộ ngành, các tỉnh, gần như được quản trị một nửa giống cơ quan hành chính. Những mô hình quản trị ban đầu như ĐH Việt-Pháp, ĐH Việt-Đức và một số trường ĐH khác như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia TPHCM… đã mở ra cách nhìn nhận mới của các cơ quan nhà nước, toàn xã hội về sự cần thiết, không thể thiếu được của tự chủ ĐH.
Nhấn mạnh tương lai của ĐH Việt-Pháp gắn với trách nhiệm phía trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Việc tranh thủ lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thuộc về những nước có tiềm lực khoa học công nghệ, nền giáo dục phát triển.
Trong khi đó, Việt Nam còn rất hạn chế về tiềm lực khoa học công nghệ. Giáo dục ĐH vẫn đang đứng thứ khoảng 70 trên thế giới. Việt Nam không có con đường nào khác là tập trung mạnh hơn nữa vào đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ. Sứ mệnh của các trường ĐH, đặc biệt là những trường như ĐH Việt-Pháp là rất lớn.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các giảng viên, sinh viên của nhà trường không quên rằng mặc dù Việt Nam còn rất nghèo nhưng Chính phủ đã cam kết và thực tế đã bỏ ra 200 triệu USD để xây dựng một trường ĐH.
Theo Phó Thủ tướng, bất kỳ một trường đại học nào của Việt Nam đã được xây dựng từ lâu, như Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, hay Ngoại giao, hay Luật,… nếu chỉ cần một phần nhỏ trong số tiền đó, thì đã có được những điều mà các thầy cô giáo ở các trường đó mơ ước.
“Tôi vẫn nói vui rằng, 200 triệu đô la Mỹ của Việt Nam vẫn là 200 triệu đô la Mỹ, nhưng nói về giá trị tương quan thì chắc bằng 2 tỉ đô la ở Mỹ, ở Pháp. Vì thế mà chúng ta, các bộ, ngành, cũng như nhà trường phải có trách nhiệm để sử dụng số trường này một cách hiệu quả nhất. Trước hết là tập trung để dự án xây dựng trường mới được thực hiện thật tốt về tiến độ và chất lượng. Và kèm theo đó là tất cả mọi quy định để những khoản tài trợ dù là của Pháp hay của Chính phủ Việt Nam, tiếp tục được sử dụng hiệu quả nhất" – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cũng mong rằng, lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tới sẽ được tổ chức tại cơ sở chính của trường tại Láng Hòa Lạc.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/dh-viet-phap-10-nam-van-cho-an-cu-1496382.tpo