ĐHCĐ Coteccons (CTD): Cải thiện biên lợi nhuận, đặt mục tiêu tăng trưởng kép 20-30% trong 4-5 năm tới
Coteccons đang tập trung theo đuổi các dự án tại mảng hạ tầng, với dự báo đây là mảng đóng góp doanh thu lớn trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, CTD đang tham gia một số dự án tại thị trường nước ngoài. Những nỗ lực này sẽ giúp doanh thu năm 2025 của Công ty bền vững hơn và không bị phụ thuộc vào những biến động của thị trường trong nước.
Ngày 19/10/2024, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2024 (từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024).
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm tài chính 2024, CTD ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 21.045 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, lần lượt đạt 103% và 105% kế hoạch đặt ra sau điều chỉnh.
HĐQT Công ty đặt mục tiêu cho năm 2025 với doanh thu hợp nhất 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 430 tỷ đồng. Chia sẻ định hướng hoạt động năm 2025, HĐQT Coteccons cho biết, Công ty sẽ duy trì tăng trưởng xây dựng dân dụng, phát triển mạnh xây dựng công nghiệp và xây dựng nền tảng cho xây dựng hạ tầng, tăng trưởng 18,8% về doanh thu, sử dụng chiến lược “chinh phục khách hàng" để tăng lượng công việc đang triển khai và giải quyết tồn động.
Đáng chú ý, CTD sẽ tham gia thị trường quốc tế và các ngành kinh doanh mới, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng ở cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, tham gia 2 thị trường quốc tế và tiến hành M&A 2 doanh nghiệp mới.
CTD có kế hoạch cải thiện biên lợi nhuận hiện tại theo hướng tăng 0,33% theo cơ cấu giá và nguyên tắc trong quá trình đấu thầu.
Về phương án phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức, năm tài chính 2024, Coteccons sẽ chia cổ tức bằng tiền ở mức 10% (1.000 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị chia cổ tức đạt 99,93 tỷ đồng.
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết, Công ty vẫn đang trên con đường trở thành Industry Leader, xây dựng thương hiệu tốt tại Việt Nam và trên toàn cầu. Dù bị hoài nghi là ‘kẻ mộng mơ’ ngành xây dựng, Coteccons đã có chiến lược cụ thể để tiên phong và dẫn dắt ngành xây dựng Việt Nam phát triển, đồng thời đạt được những thành tựu lớn về tăng trưởng doanh thu và phát triển bền vững
Trình bày về hoạt động sản xuất - kinh doanh, ông Trần Ngọc Hải, Phó tổng giám đốc Khối kinh doanh thương mại trình bày một số điểm nhấn. Trong cơ cấu doanh thu, mảng công nghiệp chiếm khoảng 40%, mảng dân dụng và hạ tầng khác chiếm 55%. Giá trị hợp đồng ký mới là hơn 22,7 nghìn tỷ đồng, lượng backlog chuyển sang năm 2025 là 20.000 tỷ đồng.
“Lượng backlog này rất ấn tượng, đảm bảo được khối lượng công việc trong thời gian tới. Đáng chú ý, tỷ lệ trúng thầu trong năm qua là 58% - con số này đã tăng trưởng tích cực so với con số trúng thầu trước đây”, ông Hải cho biết và nhấn mạnh, hiện CTD có 2.500 kỹ sư, cấp quản lý hơn 500 người nhưng doanh thu chia theo mỗi kỹ sư là hơn 13,2 tỷ đồng/người/năm, con số cao nhất của CTD đến thời điểm hiện tại.
So sánh tỷ lệ tăng trưởng kép trung bình ngành xây dựng là 7-8%, nhưng với Coteccons là hơn 30% trong những năm qua. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng kép 20-30% trong 4-5 năm tới. Điều này đã thể hiện sự khác biệt trong tăng trưởng của CTD so với toàn ngành.
Kế hoạch năm 2025 là doanh thu 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận gộp hơn 1.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận đạt 4,34%, lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, giá trị hợp đồng ký mới là hơn 28,6 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ repeat sale tăng lên (chiến lược “repeat sales” – là những dự án thắng thầu/được chỉ định bởi các chủ đầu tư cũ).
Hé lộ kết quả kinh doanh quý I năm tài chính 2025, ông Hải cho biết, doanh thu dự kiến quý I/2025 đạt 4.708 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị đang tham gia đấu thầu là hơn 16,8 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 50% số này là các khách hàng repeat sale mà Công ty đang theo đuổi.
Về chiến lược tăng trưởng trong thời gian tới, ông Hải cho biết, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án hạ tầng, cao tốc, sân bay, và các dự án nhà ở xã hội. Tổng mức đầu tư rất lớn, lên tới hơn 900.000 tỷ đồng. CTD đang tập trung theo đuổi các dự án tại mảng hạ tầng, với dự báo đây là mảng đóng góp doanh thu lớn trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, CTD đang tham gia một số dự án tại thị trường nước ngoài theo 2 hình thái. Thứ nhất là đồng hành cùng các khách hàng đã làm việc tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Thứ hai là tìm kiếm thị trường tiềm năng, liên doanh với các công ty địa phương, hoặc các doanh nghiệp có tầm vóc quốc tế, có sẵn thị phần tại thị trường mục tiêu.
“Một doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn và CTD không là ngoại lệ, việc mở rộng tại nước ngoài có thể mất tới 3 năm và lâu hơn nữa. Chúng tôi đang định hướng xây nền móng cơ bản để bước vào các thị trường đó một cách chắc chắn, an toàn, không nóng vội trong thời điểm này. Những nỗ lực này sẽ giúp doanh thu năm 2025 của Công ty bền vững hơn và không bị phụ thuộc vào những biến động của thị trường trong nước", ông Hải cho biết.
Một số lo lắng, quan tâm về nợ xấu, con số trích lập dự phòng trong 2-3 năm vừa qua, ông Hải cho biết, Công ty đã hoàn thành trích lập dự phòng, luôn minh bạch và cập nhật kịp thời tới cổ đông về các diễn biến có thể ảnh hưởng tới hoạt động của Công ty. Hiện tại, với sự phục hồi của thị trường, CTD sẽ tiếp tục công tác thu hồi công nợ.
“Chúng tôi thiết lập một số cơ chế về quản lý công nợ: quản lý rủi ro, thu hồi công nợ, có hành động rõ ràng với chủ đầu tư… Chúng tôi tự tin mục tiêu năm 2025 sẽ không tăng giá trị trích lập dự phòng và không tăng nợ xấu. Dự kiến có thể thu hồi được 100 tỷ đồng từ các khoản nợ đã trích lập trước đó”, ông Hải chia sẻ,
Tại ĐHCĐ, lãnh đạo doanh nghiệp đã trình Đại hội phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Cụ thể, tỷ lệ thực hiện quyền 20:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền nhận cổ phiếu mới phát hành thêm và cứ 20 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu phát hành thêm. Theo đó, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 4,9 triệu cổ phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá đạt 49,9 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành đạt 1.086,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Coteccons sẽ sử dụng cổ phiếu quỹ để bán cho người lao động (Chương trình ESOP) với số lượng cổ phiếu quỹ dự kiến bán là 1,5 triệu cổ phiếu (chiếm 1,43% tổng số cổ phiếu đang lưu hành), giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị bán 15 tỷ đồng.
Trong đó, Coteccons cho biết mục đích để giữ chân nhân tài, hướng đến sự gắn bó lâu dài đối với các nhân sự chủ chốt trong công ty và công ty con.
2 ngày trước khi diễn ra ĐHCĐ, vào ngày 17/10/2024, Coteccons công bố loạt quyết định miễn nhiệm và sắp xếp lại các chức danh quan trọng trong bộ máy điều hành.
Cụ thể, ông Võ Hoàng Lâm không còn đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc. Ông Lâm sẽ trở thành Phó tổng giám đốc Coteccons, kiêm Tổng giám đốc Coteccons Business Unit 01. Trong vai trò mới, ông Lâm sẽ tập trung vào việc phát triển mảng hạ tầng, đầu tư công, FDI và các dự án khác tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Coteccons cũng miễn nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc đối với ông Phạm Quân Lực. Ông Lực sẽ sang đảm nhiệm Phó tổng giám đốc Coteccons Business Unit 01 và tập trung vào mảng phát triển và thúc đẩy sự tăng trưởng hạ tầng và đầu tư công.
Ông Trần Ngọc Hải và Nguyễn Chí Thiện từ vị trí Giám đốc điều hành sang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Coteccons.
Ông Nguyễn Văn Đua đang phụ trách Quản trị công ty, sẽ đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Coteccons, kiêm Giám đốc tài chính. Bà Nguyễn Trình Thùy Trang giữ chức Phó tổng giám đốc Coteccons, thay cho vị trí trước là Giám đốc nội vụ.
Coteccons cho biết, việc thay đổi các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp nhằm đáp ứng chiến lược trọng điểm ưu tiên mới giai đoạn 2025-2029, với 2 trọng tâm chính là giữ vững tăng trưởng kinh doanh cốt lõi - xây dựng nền tảng các mảng kinh doanh mới, chiến lược ra thị trường quốc tế.