ĐHĐCĐ BAF Việt Nam: Dự kiến giá heo sẽ hồi phục từ cuối tháng 5/2023
Sáng ngày 10/5, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF – sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Trong năm 2023, BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết, cơ cấu lợi nhuận chủ yếu 192,03 tỷ đồng từ hoạt động chăn nuôi, chiếm 63,7% tổng lợi nhuận; hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi ghi nhận 45,4 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng lợi nhuận; và hoạt động kinh doanh nông sản dự kiến 64 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng lợi nhuận.
Về định hướng kinh doanh, đối với mảng chăn nuôi, Công ty dự kiến tổng sản lượng heo bán ra thị trường là 348.770 con, trong đó heo giống bố mẹ là 61.470 con, heo thịt là 247.500 con, heo cai sữa là 39.800 con.
Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy cám BAF Tây Ninh và nhà máy với tổng công suất 400.000 tấn/năm chính thức đi vào hoạt động năm 2022, kết hợp với nhà máy cám Phú Mỹ công suất 60.000 tấn/năm sẽ cung ứng đủ lượng cám cho các trang trại nội bộ của Công ty, đồng thời sẽ bắt đầu có doanh thu thương mại về cám khi cám dinh dưỡng công ty sản xuất ra sẽ được bán ưu đãi theo chính sách bán cám kèm con giống.
Đối với mảng kinh doanh nông sản, năm 2023, Công ty dự kiến doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh nông sản là 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 64 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2022, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 7.085 tỷ đồng, hoàn thành 119,08% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đạt 287 tỷ đồng, không hoàn thành kế, chỉ đạt 71,39% kế hoạch lợi nhuận năm.
Công ty mới lên sàn hơn 1 năm, cựu Chủ tịch HĐQT Phan Ngọc Ấn đã thoái hết vốn, rút khỏi HĐQT
Về nhân sự, Công ty miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn do có đơn xin từ nhiệm. Đồng thời, Công ty bầu bổ sung 1 thành viên thay thế là ông Nguyễn Duy Tân theo đề cử của CTCP Siba Holdings, đại diện 40,48% vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 11/4, BaF Việt Nam nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Phan Ngọc Ấn với lý do cá nhân không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT.
Theo tìm hiểu, ông Phan Ngọc Ấn sinh năm 1976 và đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT BaF Việt Nam từ tháng 3/2021 tới nay.
Được biết, cổ phiếu BAF niêm yết trên sàn HoSE ngày 3/12/2021. Trong đó, trước thời điểm niêm yết, ông Phan Ngọc Ấn giữ chức Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam từ ngày 2/3/2021, đồng thời sở hữu lên tới 30% vốn điều lệ tại BaF Việt Nam (ngày 30/6/2021). Tuy nhiên, ngày 15/3/2022, BaF Việt Nam thực hiện miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn và đồng thời bầu bổ sung ông Trương Sỹ Bá vào vị trí Chủ tịch HĐQT.
Sau khi cổ phiếu BAF niêm yết sàn HoSE, ông Phan Ngọc Ấn liên tục bán ra và giảm sở hữu và tính tới cuối năm 2022, ông Phan Ngọc Ấn đã thoái ra toàn bộ và không sở hữu cổ phần nào tại BaF Việt Nam.
Một nội dung đáng chú ý khác, Công ty thông qua thay đổi địa chỉ từ 62 đường Song hành, Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM sang địa chỉ mới là tầng 9, tòa nhà Vista Tower, 628C Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
Về kế hoạch trả cổ tức, Công ty thông qua kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17%, tương ứng phát hành thêm 24.398.400 cổ phiếu, nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Bên cạnh đó, Công ty thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 7.176.000 cổ phiếu, tương ứng 5% vốn điều lệ với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu tính so với giá thị trường ngày 9/5 là 21.750 đồng/cổ phiếu, nhân viên Công ty sẽ được mua chiết khấu 54% so với giá thị trường. Trong đó, đối tượng được mua là thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, nhân sự chủ chốt của Công ty và các công ty con.
Được biết, cổ phiếu ESOP chỉ hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ khi phát hành.
Chào bán cổ phiếu huy động vốn từ cổ đông
Ngoài ra, Công ty thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 47,677% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Ước tính nếu phát hành thành công, Công ty sẽ phát hành thêm 68,4 triệu cổ phiếu mới để huy động 684,26 tỷ đồng.
Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 400 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh nông sản; 119,15 tỷ đồng tăng vốn điều lệ tại các Công ty con để thực hiện đầu tư xây dựng dự án trang trại chăn nuôi heo và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh; và 165,1 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động chăn nuôi heo.
Thời gian thực hiện chào bán dự kiến từ quý II đến quý IV/2023.
Phần thảo luận:
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT trả lời các câu hỏi của cổ đông.
Dự báo xu hướng giá heo hơi, kế hoạch kinh doanh năm 2023 dựa trên giá heo hơi bao nhiêu?
Chủ tịch Trương Sỹ Bá cho biết tình hình khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, rất khó khăn và chiến tranh, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá xăng dầu, nguyên liệu… tăng mạnh, đặc biệt giá ngô, đậu tương, lúa mì … Trước quý II/2022, giá nguyên liệu tăng 30-40%, ảnh hưởng tới giá thành đầu vào chăn nuôi. Hiện nay, xu hướng giá nguyên liệu đang giảm, 2 tháng gần đây giảm 25%, dự kiến vẫn tiếp tục xu hướng giảm trong tới thời gian. Giữa năm 2024 sẽ trở về mặt bằng chung trước dịch và chiến tranh.
Sức mua thị trường bị giảm xuống do thu nhập và suy thoái kinh tế, tổng cầu kinh tế giảm. Trong nhiều năm nay, chưa năm nào giá heo hơi giảm, thông thường giá heo sẽ tăng cuối năm nhưng dịp Tết Âm lịch vừa qua, giá heo lại giảm, đây phản ảnh suy thoái kinh tế, do dịch bệnh, dịch tả châu Phi…
Công ty dự kiến giá heo hơi đang trong quá trình hồi phục, bởi nguồn cung dài hạn đã giảm nhiều do dịch tả châu Phi, dự kiến cuối tháng 5, hoặc đầu tháng 6, giá heo hơi sẽ trên 60.000 đến 65.000/kg.
“Công ty bảo vệ đàn heo tốt nhất bởi dịch tả châu Phi, nhiều Công ty giảm 50% số lượng đàn”, ông Trương Sỹ Bá nhấn mạnh về việc một số công ty chăn nuôi heo lỗ do bị thiệt hại đàn.
Cơ sở để lên kế hoạch năm 2023 dựa trên cơ sở giá 55.000 đồng/kg, nếu trong trường hợp giá bình quân cuối năm lên cao hơn 55.000 đồng/kg, kết quả kinh doanh còn tốt hơn nữa.
Kế hoạch mở rộng?
Hết năm 2023, cùng lắm giữa năm 2024, Công ty còn 3 dự án lớn quy mô 50.000 nái hoặc 30.000 thịt. Khi đó, cuối năm 2024-2025, tổng đàn lên tới 90.000 heo nái và 2,2 triệu heo thương phẩm.
Trong đó, Công ty đang lấy đi thị phần của các hộ nhỏ lẻ, dư địa còn lại 10 triệu con nữa cho Công ty phát triển. Hiện tại, một số Công ty cũng đang giành lấy thị phần của hộ nuôi nhỏ lẻ, đối với giai đoạn này đang lấy thị phần nhỏ lẻ, chưa cạnh tranh với các Công ty chăn nuôi quy mô lớn.
Câu chuyện cạnh tranh heo hơi sẽ rất cạnh tranh trong tương lai, hiện tại Công ty đang muốn khép kín chuỗi Farm, Food và Feed, thực hiện chế biến sâu sau giết mổ, và xây dựng chuỗi bán lẻ.
“Tân Long đang xây dựng chuỗi bán lẻ, Công ty chỉ tham gia nhỏ với tỷ lệ 10%. Bán lẻ, không phải sớm có hiệu quả, Tân Long đang đi từng bước chậm, chắc, quyết tâm xây dựng chuỗi bán lẻ phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh trong 10 năm tới” ông Trương Sỹ Bá cho biết thêm.
Vì sao kết quả kinh quý I/2023 lao dốc?
Do ảnh hưởng giá heo hơi xuống, điều này ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh không tốt. Thường chu kỳ giá xuống từ 3-6 tháng, thậm chí nhiều hơn, thực tế giá phải theo 1 năm mới tính được hiệu quả kinh doanh của Công ty.
Ngoài ra, để tác động tới kết quả kinh doanh còn liên quan chi phí, Công ty đang xây dựng rất nhiều trang trại, từ khi xây dựng đến hoàn thiện thường mất 1 năm, sau đó nếu chăn nuôi heo thịt thêm 4 tháng mới ra heo thương phẩm. Như vậy, tầm 1,5 năm (18 tháng) mới có thể xây dựng và có heo thương phẩm và bắt đầu có doanh thu.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu tư, Công ty vẫn phải trả lãi, vì vậy kết quả kinh doanh phải bóc tách ra mới phản ánh đúng hiệu quả.