ĐHĐCĐ Biwase: Sắp xếp ba chi nhánh thành ba công ty mới trong năm 2024
Sáng ngày 25/3, CTCP - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE - sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Bên cạnh Báo cáo của Hội đồng quản trị, của Tổng giám đốc về kết quả kinh doanh trong năm 2023 và định hướng kinh doanh trong năm 2024, tại Đại hội, Biwase còn thông qua nhiều tờ trình đáng chú ý khác.
Đầu tiên, Biwase đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 14% bằng cổ phiếu, thực hiện trong quý II đến quý III/2024 và cổ tức năm 2024 dự kiến tỷ lệ 13% bằng tiền mặt.
Như vậy, nếu hoàn thành đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Biwase dự kiến sẽ tăng lên 2.199,3 tỷ đồng.
Thứ hai, Biwase cũng đã thông qua việc sắp xếp, chuyển đổi để chấm dứt hoạt động một chi nhánh chuyển sang thành lập Công ty mới trực thuộc Biwase.
Trong đó, chấm dứt chi nhánh cấp nước Chơn Thành để thành lập Công ty TNHH MTV Nước Biwase Bình Phước; chấm dứt chi nhánh Dịch vụ đô thị để thành lập Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Biwase; và chấm dứt chi nhánh Xử lý chất thải để thành lập Công ty TNHH MTV Liên hợp Khoa học – Công nghệ - Môi trường Biwase.
Thêm nữa, việc chấm dứt hoạt động 3 chi nhánh và thành lập mới 3 Công ty dự kiến sẽ thực hiện hoàn tất trong năm 2024.
Thứ ba, Biwase cũng đã thông qua quy chế tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến và kết hợp trực tiếp với trực tuyến.
Việc thông qua quy chế tổ chức Đại hội đồng cổ đông mới giúp Công ty có thể hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể tổ chức Đại hội trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Thứ tư, cũng tại Đại hội, Biwase đã thông qua danh sách ba đơn vị kiểm toán gồm Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C và Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC sẽ được chọn để kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024.
Tùy vào điều kiện và tình hình thực tế, trong năm tài chính 2024, Biwase sẽ chọn một trong ba đơn vị kiểm toán nói trên để thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024.
Trao đổi tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Chủ tịch Nguyễn Văn Thiền đã trả lời tất cả các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.
Về vấn đề huy động vốn và đầu tư, Ban điều hành cũng đang đau đầu để giải quyết về kế hoạch đầu tư. Trong năm 2024, Công ty tìm kiếm cơ hội M&A nhưng chưa tìm ra, khả năng chỉ đầu tư được một hoặc 2 khoản đầu tư. Ngoài ra, Việc đầu tư xây dựng nhà máy mới có khả năng khả thi với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, phân bổ đầu tư trong 3 năm, năm nay chỉ giải ngân khoảng 500 tỷ đồng cho dự án Nhị Thành, các khoản đầu tư nhỏ chỉ giải ngân khoảng 100 tỷ đồng/dự án đầu tư …
Để đảm bảo kế hoạch đầu tư, Chủ tịch Nguyễn Văn Thiền cũng chia sẻ thêm, hiện nay Công ty đang được nhiều đơn vị chào sẽ tham gia mua trái phiếu do Công ty phát hành với kỳ hạn 10 năm, lãi suất 8%/năm. Trong đó, Công ty đang cân đối, xem xét với mức chi phí hợp lý.
“Công ty đặt mục tiêu cân bằng cơ cấu vốn, đặt yêu cầu an toàn tài chính lên hàng đầu. Trong đó, nhu cầu đầu tư trong năm nay khoảng 600-700 tỷ đồng, nguồn vốn lưu động còn lại hiện tại khoảng 500 tỷ đồng, hạn mức ngân hàng cho vay vẫn còn và có thể sử dụng, và các tổ chức tài chính lớn đang mong muốn hỗ trợ vốn cho Công ty”, ông Nguyễn Văn Thiền nhấn mạnh về mục tiêu an toàn tài chính lên hàng đầu mặc dù đang đẩy mạnh đầu tư.
Được biết, theo kế hoạch đầu tư năm 2024, Công ty có kế hoạch đầu tư đầu tư mở rộng nhà máy nước Chơn Thành, công suất tăng thêm khoảng 30.000 m3/ngày đêm; mở rộng mạng lưới cấp nước khu vực Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Chơn Thành – Bình Phước; đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, tăng công suất nhà máy nước Nhị Thành thêm 60.000 m3/ngày đêm; đầu tư lò đốt công suất 500 tấn/ngày kết hợp phát điện 12MW; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khoảng 400ha phục vụ công trình xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Tân Long, huyện Phú Giáo,tỉnh Bình Dương.
Liên quan việc tỉnh Bình Dương vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Văn Thiền cho biết: “Từ rất sớm, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có tầm nhìn phóng khoáng, độc đáo, có cái nhìn tổng quan nên đã quy hoạch tỉnh Bình Dương tốt hơn so với nhiều địa phương trên cả nước khi đầu tư cơ sở hạng tầng tương đối phát triển, đồng bộ so với các địa phương khác. Trong đó, Bình Dương chủ yếu tự đầu tư cơ sở hạ tầng, ít dùng ngân sách, nhà nước công bố đền bù giá tốt, giá đền bù còn cao hơn cả giá thị trường”.
“Tiềm năng, công nghiệp phát triển, Biwase sẽ hưởng lợi theo quy hoạch, sự phát triển từ cấp nước, xử lý rác. Trong đó, Công ty mong các tỉnh khác như Long An, Quảng Bình mà được một phần như Bình Dương, đây là cơ hội cho Biwase phát triển”, ông Nguyễn Văn Thiền nhấn mạnh Công ty hưởng lợi từ quy hoạch phát triển đồng bộ của tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, trong phần thảo luận Đại hội, Chủ tịch Nguyễn Văn Thiền cũng chia sẻ thêm Công ty đã thực hiện chuyển đổi phương pháp kế toán từ VAS sang IFRS, chuẩn bị công bố, đồng thời cũng đã chuẩn bị báo cáo song ngữ.
“Bước sang năm 2025, Biwase sẽ chắc chắn công bố đầy đủ theo tiêu chuẩn kế toán mới IFRS”, ông Nguyễn Văn Thiền nhấn mạnh thêm.
Và cuối cùng, liên quan tới kết quả tái cơ cấu các đơn vị mà Công ty đã tham gia đầu tư, ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ thêm: “Sau khi mua các Công ty gặp khó khăn, bước đầu các đơn vị mua đều có lãi. Trong đó, đối với các công ty chưa kiểm toán, Công ty có thể lên kế hoạch tăng sở hữu hoặc sẽ tìm kiếm thêm cổ đông có tiềm lực để cùng tham gia cơ cấu”.
Kết thúc Đại hội, toàn bộ tờ trình đã được thông qua.