Đi ăn một mình nhưng không cô đơn

Trước đây, việc đi ăn một mình thường bị coi là biểu hiện của sự cô đơn, khiến không ít người trẻ cảm thấy ngại ngùng trước ánh mắt của những người xung quanh. Nhưng hiện nay, điều này đang dần thay đổi, đặc biệt là ở những người trẻ. Với họ, việc thưởng thức một bữa ăn trong không gian riêng tư không chỉ là một lựa chọn tiện lợi mà còn phản ánh lối sống độc lập và hiện đại.

Theo báo cáo gần đây từ OpenTable, số lượng đặt chỗ cho bàn ăn một mình đã tăng 29% trong vòng hai năm qua tại Mỹ. Ở châu Âu, con số này cũng đáng chú ý với Đức là 18% và Anh là 14%. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng ngày càng phổ biến, đặc biệt ở nhóm người trẻ, sinh viên, nhân viên văn phòng.

Tại sao ngày càng nhiều người trẻ thích ăn một mình?

Với Phi Yến (23 tuổi, Hà Nội), việc đi ăn một mình đã trở thành thói quen từ lâu. “Hầu hết bạn bè và đồng nghiệp đều có lịch trình riêng, không dễ để thu xếp một bữa ăn chung. Thay vì đợi người khác, mình thường tự đi ăn một mình. Vừa tiện lợi, vừa thoải mái hơn,” Yến chia sẻ.

Yến thường chọn những quán ăn ở gần để tiết kiệm thời gian di chuyển. (Ảnh: NVCC)

Yến thường chọn những quán ăn ở gần để tiết kiệm thời gian di chuyển. (Ảnh: NVCC)

Yến thường chọn những quán ăn nhanh hoặc những địa điểm ăn uống gần nơi làm việc để tiết kiệm thời gian di chuyển. Trong lúc ăn, cô nàng hay lướt mạng xã hội hoặc xem video trên điện thoại, cảm thấy hoàn toàn thoải mái mà không hề có cảm giác cô đơn.

Còn với Minh Quân (25 tuổi, hiện đang làm nhân viên văn phòng tại TP.HCM), anh chàng lại coi việc ăn một mình là cơ hội để tự "thưởng" cho bản thân sau một ngày dài làm việc. “Mình làm việc trong môi trường khá căng thẳng, vì vậy, khoảng thời gian ăn trưa một mình là lúc để mình tạm ngắt kết nối với mọi người và thư giãn. Thêm vào đó, khi đi một mình, mình dễ dàng chọn món yêu thích mà không phải bận tâm đến ý kiến của người khác,” Quân cho biết.

Quân cũng chia sẻ rằng anh từng gặp khá nhiều bạn trẻ giống mình trong các quán ăn, vừa ăn vừa đeo tai nghe, xem phim hoặc đọc sách. Với anh, đó là hình ảnh quen thuộc, biểu hiện cho một phong cách sống cá nhân hóa của thế hệ trẻ.

Ăn một mình không đồng nghĩa với cô đơn

Nhiều người trẻ khẳng định rằng, ăn một mình không có nghĩa là bản thân cô đơn, thiếu bạn bè. Thanh Tùng (sinh viên năm cuối, trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM), việc đi ăn một mình đôi khi là lựa chọn bắt buộc vì lịch học và làm thêm dày đặc.

“Ban đầu, mình nghĩ đi ăn một mình có thể khiến người khác nhìn mình với ánh mắt tò mò, nhưng dần dần, mình nhận ra chẳng ai thực sự quan tâm nhiều đến việc bạn đi ăn với ai. Thậm chí, mình còn thích thú khi được tự do lựa chọn quán ăn và thời gian mà không phải phụ thuộc vào ai,” Tùng chia sẻ.

Món bún chả khoái khẩu của Thanh Tùng. (Ảnh: NVCC)

Món bún chả khoái khẩu của Thanh Tùng. (Ảnh: NVCC)

Trong những lần ăn một mình, Tùng thường mang theo một cuốn sách hoặc mở laptop để làm việc, tận dụng thời gian hiệu quả hơn. “Đôi khi, việc ngồi trong một quán ăn yên tĩnh, vừa thưởng thức món ngon, vừa đọc sách hay suy ngẫm, lại giúp mình giải tỏa căng thẳng hơn nhiều so với việc tụ tập ồn ào,” anh chnafg nói thêm.

Tương tự, Minh Trang (25 tuổi, nhân viên marketing tại TP.HCM) cho rằng ăn một mình mang lại cảm giác tự do. Trang từng có trải nghiệm thú vị khi đi ăn tại một quán nhỏ, nơi chủ quán đã tặng cô một phần bánh tráng miệng vì nghĩ rằng cô đang buồn. “Thực tế là tôi chỉ muốn tận hưởng không gian riêng thôi, nhưng những cử chỉ như vậy cũng khiến tôi cảm thấy ấm áp và thú vị,” Trang chia sẻ.

Hiểu đúng và tận hưởng đúng

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn nhận định rằng, hành vi ăn một mình là biểu hiện của nhiều lý do khác nhau, từ việc tiết kiệm thời gian, tận hưởng không gian dành cho riêng bản thân, cho đến cách đối phó với căng thẳng. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng, việc thường xuyên ăn một mình có thể mang lại cả những lợi ích và hạn chế.

“Đi ăn một mình giúp chúng ta tập trung hơn vào bản thân. Tuy nhiên, nếu việc này đi kèm với những hành vi như ăn nhanh, xem video để phân tâm, chỉ chọn những món ăn chiên rán, dầu mỡ thì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm đi trải nghiệm thưởng thức món ăn,” chuyên gia phân tích.

Bà khuyên rằng, dù ăn một mình hay ăn cùng người khác, chúng ta nên tập trung vào món ăn trước mặt, thưởng thức một cách chậm rãi. “Điều này không chỉ cải thiện hệ tiêu hóa mà còn giúp các bạn tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc, giảm căng thẳng tích lũy từ cuộc sống hàng ngày,” bà chia sẻ.

Chuyên gia khuyên rằng, dù ăn một mình hay ăn cùng người khác, bạn trẻ nên tập trung vào món ăn trước mặt, thưởng thức một cách chậm rãi. (Ảnh minh họa bởi AI)

Chuyên gia khuyên rằng, dù ăn một mình hay ăn cùng người khác, bạn trẻ nên tập trung vào món ăn trước mặt, thưởng thức một cách chậm rãi. (Ảnh minh họa bởi AI)

Với thế hệ trẻ ngày nay, ăn một mình không còn mang ý nghĩa tiêu cực như trước đây. Ngược lại, điều này phản ánh phong cách sống tự chủ và độc lập, nơi mỗi người có quyền lựa chọn cách sống phù hợp với mình. Những trải nghiệm nhỏ như một bữa ăn một mình đôi khi lại là cơ hội để chúng ta học cách trân trọng bản thân hơn, tận hưởng sự bình yên giữa nhịp sống hối hả.

Nếu bạn chưa từng thử đi ăn một mình, hãy mạnh dạn một lần. Có lẽ, bạn sẽ khám phá ra rằng, niềm vui không chỉ đến từ việc có ai đó đồng hành mà còn đến từ sự thảnh thơi và tự do của chính mình.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/di-an-mot-minh-nhung-khong-co-don-post1694689.tpo