'Dĩ bất biến, ứng vạn biến'
Tại hội nghị lần thứ 10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng về định hướng phát triển đất nước thời gian tới. Một trong những nội dung lớn được nêu ra là: 'Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành nghệ thuật ngoại giao thời đại mới thể hiện cốt cách con người Việt Nam 'dĩ bất biến, ứng vạn biến', 'hòa hiếu', 'lấy chí nhân thay cường bạo''.
Ngoại giao là một mặt trận quan trọng, là bộ phận cấu thành đường lối cách mạng của Đảng ta. Tùy từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử, Đảng ta có những chính sách ngoại giao khác nhau. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là ngoại giao đã giúp chúng ta kết hợp hiệu quả giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là một bản sắc của ngoại giao Việt Nam. Trong đó, nội dung “bất biến” là giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Trên cơ sở “bất biến” này, Đảng, Nhà nước ta đã “vạn biến” về sách lược, thực hiện công tác ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo, góp phần giải quyết hài hòa các mối quan hệ quốc tế, đưa đất nước thoát khỏi thế bất lợi, đối đầu với nước khác.
Nhờ kiên định nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, công tác ngoại giao ở nước ta đã đạt những thắng lợi hết sức to lớn. Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận sau chiến tranh, chúng ta đã vươn mình, trở thành điểm sáng về hoạt động ngoại giao trên trường quốc tế; từ quan niệm về “địch”, “ta”, chúng ta đã chuyển sang cách nhìn nhận về đối tác, đối tượng; từ chủ trương “muốn là bạn”, chúng ta đã chuyển sang “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”…
Với đường lối đúng đắn, chúng ta đã củng cố lòng tin trong bạn bè quốc tế. Các hoạt động ngoại giao của nước ta những năm qua diễn ra một cách vô cùng sôi động, đa dạng và thực chất, trên tất cả kênh từ đối ngoại Đảng tới ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân. Tần suất lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đi công du nước ngoài cũng như số lượng nguyên thủ, lãnh đạo, chính khách các nước đến thăm Việt Nam ngày càng nhiều là minh chứng rõ nét cho thấy điều này. Trong năm 2023, nước ta đã tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các quốc gia láng giềng, các đối tác quan trọng và đồng thời đã tổ chức đón tiếp 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Hoạt động ngoại giao đã góp phần mở rộng các mối quan hệ mới, làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ truyền thống cũng như tạo khuôn khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có 7 nước là đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác được xử lý đúng đắn, hiệu quả và hài hòa. Không chỉ dừng lại ở đó, những năm qua, Việt Nam còn chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu, từ đó nâng cao vị thế, uy tín, vai trò của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
“Hòa hiếu”, “lấy chí nhân thay cường bạo”
Một điểm đặc trưng khác của ngoại giao Việt Nam là sự hòa hiếu, “lấy chí nhân thay cường bạo”. Trong “Binh thư yếu lược”, Trần Hưng Đạo từng viết: “Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động”. Suốt chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến để bảo vệ Tổ quốc, chống lại mưu đồ xâm lược và ách thống trị của các thế lực ngoại bang. Tuy nhiên, với sự chính nghĩa, nhân dân ta đã làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dù kẻ địch có hung tàn đến đâu nhưng khi giành được thắng lợi, chúng ta vẫn sẵn sàng “mở đường hiếu sinh cho quân địch”.
Hòa hiếu, “lấy chí nhân thay cường bạo” trong ngoại giao thể hiện rõ khát vọng hòa bình, coi trọng đạo lý của dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh việc: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”, “phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”… Đồng thời, Đảng, Nhà nước ta cũng luôn nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong thời gian tới, tình hình trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, với sự đan xen của cả thời cơ lẫn nguy cơ. Để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực để phát triển đất nước, công tác đối ngoại của nước ta sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân cùng những kinh nghiệm, bài học đã có, chắc chắn chúng ta sẽ vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc một cách nhanh chóng, vững mạnh và hiệu quả.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/164925/di-bat-bien-ung-van-bien