Đi bên em giữa lòng thành phố yêu thương
Ca khúc 'Ngày mai anh lên đường' ra đời cách 45 năm. Thế nhưng, rất ít người biết về tác giả của những câu hát 'Màn đêm buông trên đường, hàng me lung linh ánh đèn. Đêm nay đi bên em giữa lòng thành phố yêu thương', đó là nhạc sĩ Thanh Trúc.
Nhạc sĩ Thanh Trúc, tên thật là Lâm Quang Măng, SN 1939, ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Là con trai lớn trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nên Lâm Quang Măng từ nhỏ đã vào chiến khu làm giao liên. Năm 1954, ở tuổi 15, Lâm Quang Măng tạm biệt cha mẹ và bốn đứa em, để tập kết ra Bắc. Tại Hà Nội, ban đầu Lâm Quang Măng được đào tạo làm lính thông tin, nhưng nhờ có năng khiếu âm nhạc nên được chuyển sang biên chế Đoàn ca múa nhạc Trung ương. Năm 1964, Lâm Quang Măng vượt Trường Sơn trở lại miền Nam chiến đấu, và lấy bút hiệu là Thanh Trúc, với ý niệm Măng đã lớn không thành Tre thì cũng phải thành Trúc.
Sau khi đất nước thống nhất, nhạc sĩ Thanh Trúc đảm nhận cương vị Trưởng đoàn Ca múa nhạc Bông Sen - TPHCM. Thế nhưng, thời gian yên vui chưa được bao lâu, Pol Pot xua quân hiếu chiến vô đạo tràn sang Việt Nam giết hại nhiều thường dân vô tội. Năm 1978, để động viên tinh thần thanh niên đô thị hăng hái nhập ngũ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế, nhạc sĩ Thanh Trúc đã sáng tác ca khúc "Ngày mai anh lên đường" dạt dào tin yêu: "Dù xa nhau muôn trùng mùa thu xôn xao lá vàng/ Em ơi anh xa em vẫn gần thành phố thân thương/ Bàn tay em xây ngôi trường bàn tay em gieo lúa vàng/ Gửi tình lên biên giới có khoảng trời thành phố/ Mênh mông và trong xanh với bao người bạn thân tâm tình".
Không chỉ có ca khúc "Ngày mai anh lên đường" nổi tiếng, nhạc sĩ Thanh Trúc còn có nhiều tác phẩm khác cũng được công chúng yêu thích. Khi còn công tác ở Căn cứ trung ương Cục miền Nam, nhạc sĩ Thanh Trúc có ca khúc "Câu hát bông sen" viết dưới những tán rừng Tây Ninh, đã bay xa khắp mọi nẻo đường đất nước thời khói lửa qua giọng hát Tô Lan Phương: "Mưa nắng bao năm anh đi trả thù cho non nước/ Giặc về phá nát quê ta, nhưng không hết được sen trên đồng ta/ Trên đồng ta sen vẫn nở hoa".
Là người đi qua chiến tranh và hiểu cái giá phải trả cho chiến tranh, nhạc sĩ Thanh Trúc càng thấm thía những hệ lụy mà chiến tranh để lại. Ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên lên tiếng về di họa chất độc da cam. Năm 1985, nhạc sĩ Thanh Trúc đã viết ca khúc "Vì đâu em chết" đầy khắc khoải: "Đường phố đã vào hè bạn bè đã vào hè/ Mà sao em còn trong mê mải/ Đường phố đã vào hè con ve đã kêu hè/ Mà sao em còn trong đớn đau/ Ôi đứa em tôi, đứa em cút côi, từ nay không còn nhìn đâu thấy nữa/ Ôi đứa em tôi, đứa em cút côi, từ nay không còn ca hát nữa/ Chúng nó giết em rồi, chúng giết bằng chất độc màu da cam".
Đáng tiếc thay, lúc đang chín muồi về phong cách sáng tạo, nhạc sĩ Thanh Trúc đột ngột từ giã nhân gian vào ngày 06/4/1986, để lại người vợ trẻ và đứa con trai mới 10 tuổi. Hình ảnh của nhạc sĩ Thanh Trúc nhòa dần trong ký ức nhiều người, nhưng ca khúc của ông vẫn xao xuyến "như hoa phong lan chờ đợi, mưa gió không phai tàn". Tuy nhiên, để có thể hiểu tính cách và tình cảm của nhạc sĩ Thanh Trúc với cuộc đời 47 năm trên nhân gian, chỉ cần khám phá câu chuyện xung quanh ca khúc "Người lính già vui vẻ" lừng lẫy không kém ca khúc "Ngày mai anh lên đường".
Năm 1969, người em út của nhạc sĩ Thanh Trúc là nhà biên kịch Lâm Quang Tèo vào chiến khu Tân Biên, mang theo một tin dữ. Nhạc sĩ Thanh Trúc bật khóc khi nghe đứa em thứ là liệt sĩ Lâm Quang Nghiêm đã hy sinh trong một trận càn của địch ở Cái Nước - Cà Mau. Nhà biên kịch Lâm Quang Tèo kể: "Anh Thanh Trúc viết một bức thư gửi về cho má tôi, bày tỏ sự đau đớn rằng mình chỉ được nhìn thấy em ruột là cậu bé Lâm Quang Nghiêm hồn nhiên lam lũ, mà không được chứng kiến chàng trai Lâm Quang Nghiêm đi dưới bóng cờ cách mạng".
Nhận được bức thư của con trai cả, người mẹ từ Cà Mau lặn lội lên chiến khu Tân Biên để thăm nhạc sĩ Thanh Trúc. Mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Ngày tiễn mẹ về quê, nhạc sĩ Thanh Trúc không quên gửi theo ca khúc "Người lính già vui vẻ" mà mình vừa sáng tác, để nhờ mẹ chuyển đến nhà văn Nguyễn Hải Tùng - Trưởng đoàn Văn công Quân khu Tây Nam bộ, với mong muốn được đóng góp vào hoạt động văn nghệ kháng chiến ở quê nhà. Nhà biên kịch Lâm Quang Tèo nhớ lại: "Khi má tôi đi được nửa buổi thì anh Thanh Trúc giật mình lo lắng, nếu địch lục soát được ca khúc kia thì nguy hiểm cho tính mạng của má tôi. Anh Thanh Trúc đã đuổi theo và may mắn bắt kịp má tôi ở bến xe lam ngoại ô".
Vậy làm sao phổ biến ca khúc "Người lính già vui vẻ" ở miệt sông nước Cửu Long? Khi nghe nhạc sĩ Thanh Trúc bày tỏ sự lo ngại, người mẹ đề nghị: "Hay là mày dạy cho tao hát đi. Về dưới kia, tao hát lại cho ông Nguyễn Hải Tùng nghe!". Nhạc sĩ Thanh Trúc vâng lời người mẹ. Và ca khúc "Người lính già vui vẻ" đã được vang lên lần đầu tiên giữa những rặng tràm rặng đước Đầm Dơi: "Năm xưa ấy ta lên đường, cầm tầm vông đánh Tây can trường/ Nay đi đánh Mỹ xâm lược, già lại gươm súng ra sa trường/ Dầu nơi mái tóc hoa râm, mà lòng vẫn thấy thanh xuân/ Nợ non sông chưa trả hết, kẻ thù kia chưa quét hết/ Đời trẻ trung oanh liệt của chúng ta, là tiếng ca trên đường vui chiến đấu tuổi già".
Có một chi tiết được nhà biên kịch Lâm Quang Tèo tiết lộ thêm: "Má tôi không biết chữ cũng không biết nhạc, nên má tôi đã phổ biến ca khúc "Người lính già vui vẻ" có nhiều chỗ sai lệch về ca từ và giai điệu, so với bản nhạc mà anh Thanh Trúc viết. Sau năm 1975, anh Thanh Trúc phát hiện ra điều này và lặng lẽ sửa lại tác phẩm của mình trùng khớp với... trí nhớ của má". Nghĩa là, "Người lính già vui vẻ" đã được nhạc sĩ Thanh Trúc viết hai lần. Lần thứ nhất, viết bằng sự tài tình của một nhạc sĩ. Lần thứ hai, viết bằng sự hiếu thảo của một đứa con.