Đi bộ 30 km lúc nửa đêm để ăn 'sợi của Chúa'

Phức tạp và không thể sao chép, su filindeu (hay 'sợi của Chúa') là một loại mì pasta được làm từ hàng trăm sợi mảnh, bởi một người phụ nữ tại thị trấn hẻo lánh vùng Sardinia.

Zing lược dịch bài viết của tác giả Chris Colin trên tờ Saveur về chuyến đi tìm kiếm món mỳ pasta được mệnh danh là hiếm nhất thế giới tại vùng Sardinia, Italy.

Một cơn gió lạnh buốt thổi qua thung lũng, qua những rặng ôliu dại. Tôi và phiên dịch của mình, Mavi, vừa đi vừa run. Trước mặt chúng tôi là màn đêm mờ mịt của hòn đảo nằm giữa Địa Trung Hải.

Chúng tôi không chỉ có một mình. Trước và sau tôi có hơn 200 người hành hương. Tôi cùng họ trong chuyến đi thường niên từ thành phố Nuoro đến ngôi làng nhỏ có tên Lula. Nhìn xuống thung lũng đầy cây, thánh đường Santuario di San Francesco thu hút hàng trăm tín đồ của vùng Sardinia đến đây mỗi mùa xuân. Họ đi bộ 30 km trong đêm để được ban phước giữa những bức tường trắng của thánh đường.

Cuối chuyến đi, những người hành hương sẽ được hưởng hai trải nghiệm: ngâm chân và ăn mì nóng. Việc ngâm chân rất bình thường, không có gì đặc biệt. Còn su filindeu được xem là loại mì pasta quý hiếm nhất hành tinh. Món ăn này được dành riêng cho dịp này, sự tồn tại của nó xoay quanh chuyến đi. Su filindeu đặc biệt và phức tạp đến mức chỉ vài người biết cách làm, và chỉ những người đến Lula mới được thưởng thức.

Chuyến đi lúc nửa đêm

Hành trình bắt đầu từ những con phố tối và hẹp của Nuoro. Mavi và tôi đi mãi, đi mãi, và cuối cùng thấy họ, những nhóm hành hương đứng rải rác bên ngoài một nhà thờ cổ. Tôi cứ tưởng tượng họ mặc những tấm áo choàng và trùm khăn. Tuy nhiên, với balo dã ngoại và gậy đi bộ, trông họ giống như dân du lịch trong quyển catalogue của hãng L.L. Bean.

Nửa đêm, chúng tôi vào nhà thờ và ngồi làm lễ, trước khi đổ ra phố để bắt đầu hành trình. Ra khỏi trung tâm thị trấn, chúng tôi đi qua nhà ga tối đen, dọc một tường thành cũ và đến vùng đồng quê. Đường nhựa thành đường đất, đường đất thành đường mòn. Chúng tôi đi ngang qua những tảng đá khổng lồ và xương rồng héo khô, dưới ánh trăng leo lét. Với nhiều du khách, Sardinia là một thiên đường với những bãi biển cát trắng và hang động tuyệt đẹp, nhưng vùng bên trong lại là một câu chuyện khác.

Hồi ở California, tôi thường nhăn mặt với những người chờ cả tiếng ngoài nhà hàng mới nổi để thử các món ăn. Giờ đây, tôi đang đi bộ xuyên đêm chỉ để ăn một bát mì. Nói cho công bằng thì đó là một món mì đặc biệt. Ở giai đoạn hoàn thành, su filindeu trông như một tấm vải đan từ những sợi mì siêu mỏng. Kỹ thuật biến ba nguyên liệu phổ thông - lúa mì cứng, nước và muối - thành "sợi của Chúa" cần hàng thập kỷ để nắm vững.

Gần nửa thế kỷ trước, một người phụ nữ tên Paola Abraini đã học kỹ thuật làm mì từ mẹ chồng, người học được từ thế hệ trước. Để chào đón đoàn hành hương, Abraini đã chuẩn bị hàng trăm cân mì. Từ bột thông thường, bà nhào nặn và cho thêm nước đến khi có một hỗn hợp mềm và dai. Khi nào bà ấy cho thêm nước? Họ bảo là khi bà ấy cảm thấy cần cho. Linh tính tương tự hướng dẫn đôi bàn tay, khi bà kéo bột thành những sợi ngày càng mỏng mà không làm đứt chúng.

Khi đủ mỏng, một lớp sợi được đặt lên khay gỗ tròn. Lớp thứ hai được đặt lên trên ở góc độ khác, và một lớp thứ ba. Khay gỗ được đem phơi khô dưới ánh mặt trời. Khi đã cứng, chúng sẽ được bẻ vụn và thả vào nồi nước dùng ninh từ thịt cừu trong ngày trọng đại. Để thêm hương vị, một tảng phô mai sữa cừu được cho vào nồi.

Nhà văn người Sardinia - Grazia Deledda - viết về su filindeu trong tiểu thuyết Elias Portolu xuất bản năm 1903. Bà giành giải Novel văn học vào năm 1926. Tác phẩm của bà nhắc đến "sự cô độc của vùng hoang mạc" và rằng "đường leo rất khó khăn và khô cằn". Trên thực tế, chuyến đi từ có đôi chút thú vị đã chuyển sang giống như hành xác.

Trong lúc đi, Mavi và tôi đã bàn về món mì, về bao lâu nữa chúng tôi sẽ được ăn, có ai đã chết trên con đường này chưa, và nếu chúng tôi chết thì có ai tìm thấy không. Đến một lúc, khi cố tìm xem mình khó chịu chỗ nào, chúng tôi nhận ra toàn thân đau nhức và nghĩ dù sao thì cũng không thể tệ thêm nữa. Sau đó, chúng tôi thấy hàng chục ánh đèn pin phía trước, đang đi ngược hướng về phía mình. Họ lạc đường.

Tôi luôn nghĩ những người hành hương giống như có một GPS thần thánh nào đó. Nhưng họ cũng chỉ là người thường mà thôi. Con đường mòn này cũng không hẳn là đường, nó không có trên bản đồ, mà điện thoại của chúng tôi cũng không hoạt động, chúng tôi cũng chẳng có dẫn đoàn.

Su filindeu là kết tinh văn hóa được truyền qua nhiều đời. Ảnh: Saveur/BBC/Sardegnaturismo.

Su filindeu là kết tinh văn hóa được truyền qua nhiều đời. Ảnh: Saveur/BBC/Sardegnaturismo.

Người Italy nổi tiếng ồn ào và náo nhiệt, nhưng đám đông này trở nên yên lặng một cách kỳ lạ, cúi đầu và lần từng bước. Qua con đường hẹp lộng gió. Qua tường đá cổ xưa. Xuống một vách đá hiểm trở. Qua thung lũng tối đen và rộng lớn...

Vào 4h sáng, suy nghĩ của tôi lại lan man về món mì ngoài tầm với. Trong lịch sử, su filindeu là một bí mật gia truyền. Nhiều người không hài lòng khi truyền thống này bị thương mại hóa, du lịch hóa. Tuy nhiên, việc biến mất còn tệ hơn. Nếu không được truyền lại, một ngày, nó sẽ lặng lẽ gia nhập danh sách những món ăn "tuyệt chủng".

Hương vị của nền văn hóa

Bạn phải nghĩ xem món ăn này đặc biệt đến mức nào, nó sinh ra từ hàng triệu khoảnh khắc nhỏ bé, hợp thành một nét văn hóa. Suốt những năm qua, su filindeu đã kết nối với bao nhiêu cuộc đời? Nó đã đan cài trong bao nhiêu ký ức - một ngày, tất cả đã biến mất, chỉ còn một đốm lửa nhỏ nhoi ở chốn hẻo lánh này.

Phía trước chúng tôi, khói bốc lên, đó là đám lửa đánh dấu chúng tôi đã đi được nửa chặng đường. Ngồi cạnh đống lửa là thiên đường mà tôi sẽ không bao giờ quên. Người địa phương cho chúng tôi uống món rượu pha với lòng trắng trứng và sữa.

 Người hành hương dừng nghỉ chân giữa đường. Ảnh: Saveur.

Người hành hương dừng nghỉ chân giữa đường. Ảnh: Saveur.

Với những người đi cùng tôi, món mì đơn giản chỉ là một phần thưởng nhỏ cho chuyến đi. Tôi gặp một người đàn ông đã 70 tuổi, ông đã đi bộ cả trăm dặm từ Cagliari đến Nuoro trước khi đi tuyến đường này. Đây là lần thứ 35 ông tới đó. Tôi hỏi ông nghĩ gì khi bước đi. "Tôi hát", ông nói, "dù không có ai đáp lời". Tôi đột nhiên nhận ra tôi yêu chuyến hành hương này.

Chúng tôi ngồi một lát. Vài người trẻ tuổi cất tiếng hát. Trước khi tiếp tục lên đường, tôi và Mavi gặp một người trung niên đã đi tuyến này từ khi còn nhỏ. "Điều gì đã thay đổi?" - tôi hỏi. Tôi cứ nghĩ ông ấy sẽ bảo ngày xưa tuyệt hơn, rằng người trẻ tuổi không trân trọng chuyến đi như thế hệ trước, hay điều gì đó về điện thoại thông minh. "Niente", ông bảo. Không gì cả.

Cuối cùng, sau 8 tiếng khởi hành, chúng tôi đã đến đích. Trong căn phòng nhỏ hẹp liền với căn bếp cũng nhỏ của nhà thờ, chúng tôi xếp hàng để nhận một bát mì quý hiếm nóng hổi. Tâm trạng của tôi rất kỳ lạ, pha trộn giữa sảng khoái và kiệt quệ. Cơ thể chúng tôi tê dại, nhưng thật tuyệt vời khi được đứng ở căn phòng buồn cười, trang trí lộn xộn đó.

Bát mì là phần thưởng ở cuối chuyến đi. Ảnh: Saveur.

Bát mì là phần thưởng ở cuối chuyến đi. Ảnh: Saveur.

Tôi nhìn chằm chằm vào một đường điện cổ xưa cho tới khi có bát su filindeu của mình. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Với một chiếc dĩa nhựa, tôi thưởng thức món ăn sau bao lâu chờ đợi. Tôi không thật sự thấy "sợi của Chúa", nhưng mì ngon đến bất ngờ. Tôi không thể nói chúng có vị như một giống pasta hoàn toàn khác biệt. Ý tôi là chúng có vị như mì pasta thôi. Nước hầm cừu đậm đà và mang hương vị đồng cỏ. Phô mai sữa cừu có vị béo ngậy và tinh tế. Nhưng hòa cùng nhau, sau quãng đường trải qua để thưởng thức, chúng có vị vượt xa bất cứ thứ gì tôi từng ăn.

Paola Abraini - người nghệ nhân làm loại mì trong bát của tôi - đang ở nơi khác. Chúng tôi vào trong bếp và gặp chị em họ của bà đang nấu nước dùng. Bà Abraini có vẻ đã quyết định bỏ qua ngày trọng đại này. Có thể do danh tiếng của su filindeu đã quá lớn, hoặc đơn giản là bà có việc bận. Tôi tiếc nuối không được gặp bà ấy, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra bà ấy càng đặc biệt hơn khi giống như một truyền thuyết.

Liệu su filindeu có biến mất? Tôi không biết. Trò chuyện cùng họ hàng của bà Abraini, họ bày tỏ lo ngại rằng thế hệ trẻ sẽ không có hứng thú. Tuy nhiên, cũng có lời đồn rằng bà ấy sẽ mở lớp dạy làm mì.

Chìm đắm trong suy nghĩ, tôi không nhận ra ai đã bỏ vào tay tôi một miếng su filindeu khô. Sau này, tôi bọc nó trong một tờ giấy ăn và đưa về nhà của mình tại California. Tôi không biết phải làm gì, trừ việc thi thoảng nhìn ngắm và cầu nguyện nó sẽ không biến mất mãi mãi.

An Ngọc

Theo Savour

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/di-bo-30-km-luc-nua-dem-de-an-soi-cua-chua-post1169958.html