Di bố phù
1 Chạp về, gió lùa ràn rạt qua từng ngõ hẻm, nội nhìn ra bến, một chiều the thắt. Hai mươi ăn nam rồi, sao đìu hiu vậy, ghe chưa cập bến. Năm nay mần ăn bết bát, dịch thì thấp thỏm, chắc bông lên trễ. Má thở dài, nhìn chiều bảng lảng trôi dần về tây. Bến Bình Ðông mọi năm giờ này đã tíu tít mấy cái ghe từ miệt Tiền Giang, Sa Ðéc, Vĩnh Long cập bến. Vạn thọ, cúc đại đóa, tắc kiểng phủ rợp cả khúc sông. Trên bến thiên hạ nô nức sắm Tết, dưới dòng thuyền ghe tấp nập. Năm nay sao thấy lợt lạt quá chừng. Biết Tết có về hông?
1 Chạp về, gió lùa ràn rạt qua từng ngõ hẻm, nội nhìn ra bến, một chiều the thắt. Hai mươi ăn nam rồi, sao đìu hiu vậy, ghe chưa cập bến. Năm nay mần ăn bết bát, dịch thì thấp thỏm, chắc bông lên trễ. Má thở dài, nhìn chiều bảng lảng trôi dần về tây. Bến Bình Ðông mọi năm giờ này đã tíu tít mấy cái ghe từ miệt Tiền Giang, Sa Ðéc, Vĩnh Long cập bến. Vạn thọ, cúc đại đóa, tắc kiểng phủ rợp cả khúc sông. Trên bến thiên hạ nô nức sắm Tết, dưới dòng thuyền ghe tấp nập. Năm nay sao thấy lợt lạt quá chừng. Biết Tết có về hông?
Má theo Ba về nơi này cũng ngót ba chục năm, cũng là ba chục cái Tết thấy bến Bình Ðông xôn xao cái nếp xưa cũ của Sài Gòn. Bán buôn thương hồ tưởng là hồi xưa xa, chứ đâu dè thời này cũng còn. Ngó ngồ ngộ, ngó hay hay. Má thích quá, cứ chiều chiều là len lỏi trên bến, ngó chậu bông này, nghía mớ trái cây kia. Ngày rảo ra bến năm bảy đỗi. Thoảng khi lại đụng mặt nội trên bến. Con mua cái gì, dưa hấu rẻ rề nè. Nội tụi nhỏ mua cái chi, mãng cầu xiêm nay ngon muốn chết. Rồi mẹ chồng nàng dâu lại tách ra, tẻ vào mấy cái thuyền đang neo mấp mé mặt đường mà tìm kiếm.
Riết rồi thành quen, khi mấy cái ghe nhổ sào xuôi về miền Tây, chiều ba mươi Tết, thì mới thấy má với nội ở yên trong nhà lo cúng giao thừa. Mấy lần ba bực quá hỏi bộ ngoài đó có người rớt tiền hay thí vàng à, sao cứ về nhà chưa phụ trợ được gì hết, lại chạy ra bến. Nội ngó ba, rồi quay sang nhìn má cười tủm tỉm, vui mà con, Tết mà con. Chứ nội cũng thêu xong mấy cái Di bố phù rồi mới đi mà. Ủa má cũng phải ráp Tràng phan xong mới chạy ra mà.
Ba ngó quanh mấy đứa con, nghe chừng tụi nó cũng gật gù, Tết mà. Vậy là ba im re.
2 Ba người gốc Hoa. Má là con gái miền Tây. Gặp nhau hồi còn chung trường đại học. Bận má lóng ngóng ngoài đường bị giựt cái ba-lô. Anh chàng bạn học lao nhanh ra đường giằng co đến ngã sóng xoài, mặt mày trầy xước. Má kể lúc đó hết hồn, kêu ba đi nhà thương coi sao, ba cười hì hì gãi đầu rồi thôi, tốn tiền lắm, đi nhà thương là tốn mấy chục cái Di bố phù của nội.
Hồi đó nghèo, nên thương nhau thì nói thiệt lòng với nhau. Chờ nhau công ăn chuyện làm ổn định mới cưới. Tận tám năm trời thương nhau, ba mới ngỏ lời với má. Ðám cưới ba với má rộn ràng heo gánh, lộng che, miệt đồng bưng heo hút lần đầu có cái đám rước theo tục người Hoa, nên bà con chòm xóm bu đông đỏ.
Má về với ba, đêm đầu hết hồn bởi cái tục đạp cửa phòng tân hôn, rồi phập phồng ngồi lên tấm khăn Di bố phù mà thở dốc. Ba thương má lạ lẫm. Ngọt nhạt chỉ hết mọi lẽ khi làm dâu nhà gốc Hoa.
Ðược cái nội thương má tính tình thảo thơm, nên dần dà má quen nếp. Nhà có dâu miền Tây, nên má tập nghe Thài Chánh Tiêu, ba tập nghe cải lương. Có lần nội vừa ngồi ủi tấm Di bố phù, nội xuống xề, làm ba hết hồn rớt tấm Tràng phan.
"Cây đa Bình Ðông, cây đa Bình Tây. Cây đa Xóm Củi, cây đa Chợ Ðũi. Năm bảy cây đa tàn. Trát quan trên gởi giấy xuống làng. Cấm điếm, cấm đám, cấm tòng tam tụ ngũ. Cấm đủ phu thê. Cấm không cho trai tựa gái kề. Ðể cho người cũ trở về với duyên xưa".
Bận đó ba kể cho má nghe là nội nhớ người cũ. Cũng trên bến Bình Ðông, người ta xuôi dòng về lại miệt Cửu Long, người ta hẹn một mùa xuân sau sẽ ghé bến nói chuyện trầu cau. Nội tự may cho mình tấm Di bố phù. May có một tuần là xong, mà chờ thì một đời, chẳng thấy người ta xuôi ghe cập bến hoa Tết như mọi năm. Nội thơ thẩn qua tuổi xuân thì. Nhiều đám dạm ngõ, nội lắc đầu. Chừng gần ba mươi tuổi đời, ai đó bỏ đứa bé ngoài cổng đình Bình Ðông, nội xin về, coi như là duyên phận. Cứ vậy mà nội sống với cái nghề may cờ phướn, khăn thêu đám hỷ, sống kiêng khem cùng ba cho tới bây giờ.
3 Bến Bình Ðông hồi xưa từng một thời phồn thịnh, là nơi giao thương quan trọng của Chợ Lớn, được hình thành khi người Hoa từ Cù lao Phố tới đây. Dọc hai bên bờ kênh Tàu Hủ là các điểm xay lúa, nhà kho, bãi bến, tấp nập thuyền bè các tỉnh ra vào. Ở cái thị thành hơn ba trăm năm tuổi này, người ta từng gọi đây là con đường lúa gạo của miền nam. Cứ mỗi độ Tết đến, thì ghe thuyền neo lại cả con nước, trăng rằm rồi khuyết mới chào nhau ra về. Mấy thứ trái cây vườn, mấy món bánh mứt hoa lá quê cứ theo con nước tháng mười hai mà tìm về.
Nội ngồi kể cho thằng Tài nghe, thở dài thườn thượt. Ðêm hăm hai Tết rồi mà lác đác vài chiếc ghe vừa neo, lèo tèo dăm ba thứ bông hoa. Tiếng chân vịt bàn máy may của má cũng ngắc ngứ theo lời nội. Thằng Tài tay đóng gói đều, miệng lẩm bẩm đếm, đủ chục cái là cột dây sáng mai Hai Tuấn đi giao. Mà tại nội chưa nghe, hình như trên thành phố có lệnh cải tạo khu mình, lọc lại nước sông cho hết ô nhiễm, quy hoạch lại đường sá, cả dãy hình như lùi vào cả năm thước đó. Mấy cái nhà khi không bị dạt mặt hết trơn. Còn cái đình cả mấy trăm năm tuổi cũng bị đục dời cái cổng. Trời, tiếc quá chừng. Mấy thẻ gạch đỏ giờ mà bỏ ra chắc đem vô viện bảo tàng trưng bày, chứ thời này làm gì có gạch nung chín lửa này nữa. Nội chưng hửng theo lời thằng cháu.
Ờ thì phát triển mà con, mấy cái xưa cũ rồi cũng phải nhường chỗ cho sự hiện đại. Cái xôm tụ nao nức của bến Bình Ðông chắc sẽ chỉ còn nằm trong ký ức của mấy bà già xưa mê chợ Tết cũ kỹ mà thôi. Ngay cả mùa này, Tràng phan ít bán, Di bố phù có ai thèm đặt đâu. Tụi trẻ bây giờ thấy mấy cái truyền thống rườm rà quá chừng.
Nội vừa dứt lời thì từ đâu ngoài cửa nhà Hai Tuấn đùng đùng chạy vào. Lên rồi kìa nội, ghe lên quá chừng, bông về vàng rực cái bến. Con Thắm liệu nói nay hạn mặn, người ta xây đập phía thượng nguồn, nên dân trồng liêu xiêu, nhờ mấy ngày nay dẫn nước về tưới nên bông ra kịp, trễ có vài ngày, nhưng cũng kịp chuyến hội bến. Hai Tuấn nhảy tưng tưng như thể con nít được nhận lì xì đỏ chót. Mà nè, năm nay thằng chồng con Thắm liệu đặt chính tay nội may Di bố phù cho nó nhen. Chiều ba mươi Tết giao.
Hai Tuấn phóng vèo ra ngoài cửa, nhắm hướng ngoài bến mà chạy. Bỏ lửng câu hỏi của nội, ủa con Thắm liệu có chồng khi nào?
4 Hồi đó có lần thằng Tài thắc mắc, sao người ta cưới xin là chạy tới tìm nội, phải là nội đích thân may cái khăn trắng có thêu chữ Di bố phù. Rồi cái khăn làm chi? Nội cười hềnh hệch. Con còn chút xíu, nữa lớn con biết. Chữ di là đủ đầy, bố là ban ra, phù là lời mong mỏi khẩn cầu. Con trai gốc Hoa tới tuổi cưới xin, kiếm được người con gái mình thương, thì tặng cái khăn có thêu ba chữ này, như lời ngỏ ý, mong cầu sự đủ đầy có đôi có cặp, cũng như là ngầm thông báo với mọi người họ là của nhau. Ðêm tân hôn, cô dâu phải lót tấm khăn đó phía dưới chỗ nằm, kiểu như là minh chứng sự hòa hợp, thủy chung son sắt, và nguyện ước cuộc sống vợ chồng con cái đủ đầy, tài lộc tràn trề. Con lớn lên lấy vợ, thì nội may cho một cái.
Ông bà mình dạy người may Di bố phù nếu…ờ, nếu không chồng thì càng tốt, tấm khăn càng linh nghiệm. Nhưng mà chỉ là ông bà mình nói thôi, chứ vợ chồng muốn ăn đời ở kiếp thì phải biết thương nhau mà sống con à! Thằng Tài vẫn đều đặn xếp gọn mấy tấm cờ phướn vào bao, nó à ừ theo lời nội, chứ kỳ thực nó chẳng hiểu sao phải tin vào một tấm khăn. Ngộ kỳ thời quá! Ủa rồi nếu mấy người may Di bố phù mà đám cưới thì ai may cho họ vậy nội? Thằng cháu hỏi có một câu, mà sao lòng nội gió lộng bát ngát vậy. Thắt thẻo quá đỗi!
5 Má rủ nội tranh thủ lúc ba đi giao hàng thì chạy ra bến hoa xem thiên hạ sắm Tết. Len lỏi hết ghe này đến thuyền kia, má với nội cũng thấy Hai Tuấn đang đứng đầu mũi ghe nhà con Thắm liệu. Miệng thì rao giá, tay thì chuyền bông. Ủa sao nó không đi giao hàng, lại chạy tọt ra đây. Hai sáu Tết rồi, trên bến dưới thuyền nườm nợp người mua kẻ bán. Ðâu đó vang mấy tiếng trách móc, tụi tui canh từ hồi hai mươi, tới hăm hai mới lên ghe, tưởng năm nay mà hổng lên, chắc buồn thúi ruột. Cả Sài Gòn mỗi cái bến này là chợ Tết vui nhất. Mất cái chợ là Sài Gòn thiếu Tết. Má nghe thấy đúng quá chừng, quay qua gật gù. Nè chị mua bông chỗ cái thằng đẹp trai áo trắng đi, nó bán thiệt tình, bán cho thiên hạ mà tui tưởng nó bán cho ba má nó không. Ủa kỳ vậy? Ủa vậy hả? Chợ Tết, xa lạ gì thì chỉ cần vài câu thành thân, hỏi nhau chỗ nào bán hàng tốt, giá nào rẻ. Cứ vậy mà tin nhau. Nhưng mà mấy chị kia đâu biết cái thằng đẹp trai áo trắng là con của má. Cứ xúm xít tới chỗ đó. Má thì rảo khắp trên bến, đụng ai cũng chỉ về cái ghe đầu mũi có thằng áo trắng. Nội cười tủm tỉm. Lần đầu tiên thấy má tánh ngộ kỳ vậy, nhưng thôi kệ, thằng áo trắng nó là cháu nội của mình mà.
6 Chiều ba mươi Tết, chợ hoa trên bến Bình Ðông tàn, nhiều ghe thuyền nhắm hướng miền Tây mà xuôi mái. Hai Tuấn dẫn con Thắm liệu lấp ló cửa nhà. Con nhỏ mặt xanh lét. Vợ con đó nội. Má cười sang sảng. Từ cái hôm mầy chạy chợ bán bông mà không chịu đi giao hàng là tao quá rành. Má sanh mầy ra đó con. Chị Tâm làm mặt nghiêm đứng hỏi con Thắm, rồi em có thương thằng Tuấn không? Nói lẹ để ra giêng cưới luôn nè. Con Thắm giật mình, gật lia lịa, thương, thương, thương… Con nhỏ bị liệu, một chục chữ thương ào ào vọt ra. Hai Tuấn đứng cười rần rần. Nội vừa ngắt cọng chỉ cuối của tấm Di bố phù, vừa cười te tét. Nè nội tặng con cái khăn này, cầm cái khăn giờ là dâu nhà nội, là cuộc sống sau này trên bờ hay dưới sông cũng phải có cặp có đôi. Lại một chục chữ dạ mải miết vang khắp căn nhà.
Mới chiều ba mươi Tết, mà nội như thấy xuân về tưng bừng tự bao giờ. Nội kêu ba mở cải lương, mở cái bài Bến Bình Ðông đó. Kỳ này nội tập kỹ lắm rồi, xuống xề ngọt như Tết cho tụi con nghe.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/truyen-ngan/di-bo-phu-631964/