Đi bộ từ xa
Tôi đang ở xa, giờ chỉ là xa ngắn ngày, chứ năm ngoái, tôi xa TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) cả năm. Về hưu, thú nhất là tự chủ thời gian, được đi. Nói là thế, nhưng nhiều khi vẫn bị thời gian câu thúc, lúc nào cũng cảm thấy... thiếu nó. Cho nên lúc nào cũng như vội, dù chẳng biết vội để làm gì và có vội thật không!
Hình như cái sự thiếu, sự vội ấy là do... nhớ. Với Pleiku, đi xa, tôi nhớ mấy quán ăn sáng, quán cà phê, và nhớ... quảng trường.
Ăn sáng thì thường luân phiên. Mỗi sáng, mất đâu chừng mấy mươi phút để xác định sẽ ăn gì. Nhưng cà phê thì chỉ vài quán, chính xác là chỉ một quán, một chỗ ngồi ấy, lên mà thấy có người ngồi rồi thì... quay về, đợi. Bất đắc dĩ mới sang quán khác và cũng là quán quen. Là bởi, quen cái gu cà phê rồi.
Còn nhớ thì, nhớ nhất là... quảng trường-nơi rất nhiều người dân Pleiku đi bộ thể dục, sáng và chiều.
Có những đội chạy rất chuyên nghiệp. Những chàng trai, cô gái chân thon như chân nai, mình eo như mình báo, chạy không bén đất, nhẹ như sương, dáng chạy thanh thoát, như không phải chạy, mà họ lướt trên đường. Chưa kể các cô gái, dân chạy cơ thể đã đẹp, thêm những bộ đồ thể thao thời trang làm tôn vẻ đẹp lên, mịn, tròn, căng, thẳng, bó...
Tất nhiên, không phải ai cũng được thế. Có những người chạy tới đâu tiếng bước chân vang trước cả trăm mét. Thì trời sinh ra thế, biết làm sao. Chạy được là tốt rồi. Người ta bảo, khi huấn luyện viên đi tìm vận động viên, chỉ nhìn dáng chạy lướt qua là biết có đào tạo được không. Người biết chạy chỉ chạy bằng mũi chân, người không biết chạy bằng cả bàn chân, thậm chí gót chân tiếp đất trước.
Tôi thì, chuyên gia đi bộ.
Suốt thời tuổi trẻ tiêu hoang sức khỏe vào các cuộc bù khú, giờ muốn... phục hồi. Muốn chạy phải rèn từ trẻ, nếu không muốn nói là từ nhỏ. Còn về hưu, gối thoái hóa rồi, chuyên gia khuyên, không những không nên chạy mà ngay cả việc đi bộ cũng phải chia hai, sáng đi một lúc, chiều đi một lúc, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên... làm sao đủ 5 km/ngày là tốt.
Thì đi.
Hẹn chuông điện thoại 5 giờ dậy, loay hoay các cái xong thì 5 giờ 20 phút ra khỏi nhà. Từ nhà tôi nhô 200 m là tới quảng trường.
Cứ một vòng quảng trường là 1 km. Lầm lũi đi 2 vòng như thế trong sương mù, không ai thấy ai, chỉ thấy những tấm thân di động, tiếng bước chân lạch phạch, loẹt quẹt (nhiều người mang dép đi bộ).
Được 2 vòng thì sương tan dần (tất nhiên là tùy theo mùa). Bắt đầu thấy mặt nhau, chào hỏi râm ran. Tôi thì chỉ thích im lặng, nên thích biết bao cái sự lầm lũi đi trong sương mù.
Giống như trên Facebook, người xấu thường... khoe ảnh. Tôi cũng thế. Đi bộ, chân ai xấu thì hay mặc sooc ngắn, ai mập thì mặc áo chật, người mặt đẹp thì đeo khẩu trang và ngược lại. Thì ra, ngay cách đi cũng phải được dạy từ nhỏ. Rất nhiều người đi cứ loẹt quẹt loẹt quẹt. Từ nhỏ, tôi đã dạy các con, dù đi dép trong nhà cũng phải bước chân cao lên, không để dép quẹt xuống nền nhà. Nhiều người có dáng đi cũng lạ, chân cứ muốn quăng ra khỏi người, tay thì quều quào như bơi trong vũ trụ không trọng lượng. Và chạy. Người có năng khiếu chạy nhìn rất thích, chân rất nhẹ, hầu như chỉ có mũi chân chạm đất, như là lướt trên đường. Phần lớn là chạy bồm bộp bồm bộp. Thì thể dục cho mình mà, miễn là... khỏe.
Nhìn dáng đi, dáng chạy đoán ra tính cách người. Người vất vả dáng chạy cũng vất vả, là cứ đoán thế chứ chưa chắc đã phải thế. Có cậu thanh niên trẻ, toàn chạy theo kiểu... lá vàng rơi. Người mảnh, mà chạy luôn cứ lạng như lá, thay vì chạy thẳng để... tiết kiệm, anh chàng này toàn chạy chữ chi, tức mua thêm đường, rất nhàn nhã. Có bác, chân chấm phảy mà đi phăm phăm vượt hết mọi người. Lại có chị, đi với thế... vịt bơi, nhưng vẫn ngốn đủ thời gian mới nghỉ. Nhưng cũng có người đã dậy đi bộ được nhưng toàn... ăn gian, cắt góc để hết vòng sớm.
Lại nói thời gian. Giờ đủ cách để đo, để đếm, mà 2 thứ thông dụng là điện thoại và đồng hồ thông minh. Điện thoại thì mấy anh nghiệp dư như tôi bỏ vào túi quần, còn mấy bạn chuyên nghiệp có cái túi quàng quanh lưng rất gọn. Bật chế độ sức khỏe, nó báo rất cụ thể cho ta biết hôm nay đã đi/chạy bao nhiêu bước, bao nhiêu cây số, bao nhiêu tầng, thời gian bao nhiêu, số calo đã bỏ ra... Đồng hồ thì đeo ở tay, nó hiện đại hơn điện thoại nhiều, nhưng không phải ai cũng có khả năng sắm.
Vừa lầm lũi đi vừa nghĩ vừa ngắm (qua sương mù và cả khi mặt trời lên). Tôi nể nhất là các cặp vợ chồng trẻ chở nhau đi bộ sớm. 5 giờ sáng, giờ đẹp nhất để... ôm nhau, thế mà dậy, chở nhau đến quảng trường đi bộ. Tại sao biết họ là vợ chồng ư, nhìn là biết ngay thôi. Anh em ruột chả đi như thế, đang bồ bịch chả đi như thế, bạn bè cũng chả đi như thế... Tôi thì chuyên đi một mình, lệch giờ với vợ nên thấy họ trẻ thế mà vừa chịu khó dậy sớm để đi, lại chịu khó đi với nhau, thì thấy... nể. Cũng có vài cặp già, vừa đi vừa nắm tay nhau rất tình tứ.
Tôi viết bài này sau khi đi bộ ngay trong... hành lang khách sạn, cũng để điện thoại trong túi, nó vừa báo đã đủ 2,5 km là tôi hân hoan dừng và ngồi vào bàn viết. Đi trong hành lang khách sạn mà được 2,5 km thì đủ biết nó tù túng tới như thế nào, nó thèm và nhớ quảng trường ra làm sao?
HOÀNG HƯƠNG GIANG
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202210/di-bo-tu-xa-5793390/