Đi buôn… không đùa với văn nhân
Bên ngoài trang viết, nhà văn, nhà thơ có biết làm kinh tế không? Với phẩm chất lao động sáng tác, cứ lao vào kiếm tiền thì mất nhiều hay được lắm? Chẳng có mẫu số chung cho văn nhân làm kinh tế được hay mất, bởi chưa thấy thống kê cụ thể.
Nhưng, vẫn có thể nhìn thấy, nhận ra cái bóng dáng văn nhân hóa thân vào doanh nhân không phải bằng sáng tác, mà ngụp lặn thực sự vào bể khổ mưu sinh giữa muôn mặt đời thường.
1.Thực ra, nhà văn hay nhà thơ thì cũng là con người bình thường có nhu cầu sống và tiêu tiền. Văn nhân thi sĩ bạc mặt, loay hoay kiếm tiền bằng cả đống nghề, để trụ lại một vài nghề, hoặc chẳng tồn tại được với cái nghề bất đắc dĩ nào, cũng không phải chuyện lạ.
Đi buôn lơ ngơ, đoảng tính nhất có lẽ là nhà văn Văn Giá. Học cao học ở Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng ông đã làm thơ và viết phê bình tưng bừng, lý giải, bênh vực hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp khi dư luận đang khen, chê trái chiều. Lúc ấy, phố xá nghèo nàn, trường lớp xập xệ, sinh viên đói mặt mũi xanh xao. Sinh viên nghèo nhưng cũng có lúc rủ nhau lê la ở quán nước cạnh cổng trường hút thuốc lá cuộn, kéo thuốc lào như thổi bễ, uống chè chén, ăn bánh đậu xanh Hải Dương và đọc thơ khiến bà chủ quán cứ vểnh tai nghe quên cả bán hàng.
Có lần, Văn Giá chê chủ quán trước bao nhiêu khách thơ nghèo: “… Rượu bà bán là rượu sắn, uống không ngon mà lại xóc”. Bà bán hàng mắng lại: “Anh giỏi văn thơ thì biết gì về rượu, lại chê người pha cồn bán rượu”. “Việt Yên quê cháu có rượu Làng Vân nấu bằng nếp cái hoa vàng trồng cấy trên cánh đồng quê, cách nhà cháu không xa lắm. Bà không biết thì thôi”. Nghe đến quê rượu Làng Vân, bà chủ quán mắt sáng lên.
Câu chuyện tiếp theo là Văn Giá bắt đầu một hành trình mới… đi buôn rượu để thoát nghèo. Rượu từ quê Việt Yên mang xuống Hà Nội “đổ” cho bà bán hàng bên cổng trường và “chuỗi” cửa hàng vỉa hè quanh đó. Lúc đấy, có cô bạn gái nấu rượu má hồng, mắt sáng long lanh ở làng Vân Xá vẫn thầm mong trộm nhớ sau mỗi lần Văn Giá đến nhà cô mua rượu cho cha uống. Bà chủ lò nấu rượu thương và cũng có ý vun đắp cho con gái mình nên cho Văn Giá ứng rượu trước, bán được rồi mới trả tiền sau.
Cần mẫn vượt qua đoạn đường 60km bằng xe đạp, lần một lần hai đều xuôi chèo mát mái. Lần thứ ba, vẫn xe đạp cọc cạch chở cái săm ôtô con (chắc là xăm xe U oát) đựng rượu chằng néo ở gác ba ga. Văn Giá ham, và khí thế “mùa màng bội thu” ở hai lần trước đang ngùn ngụt phấn khởi, ông quàng thêm cả cái săm xe đạp đựng rượu ở cổ nữa.
Mùa đông giá rét, vượt qua đò giang, đường làng, đường đê; đi được hơn hai chục cây số đến Thị Cầu thì chiếc xe honda bỗng vèo qua xoẹt nhanh như tia chớp. Xe đạp nhẹ bẫng. Quay lại ngó đằng sau thì gác ba ga chỉ còn dây buộc. Nhìn về phía trước thấy gã ngồi sau xe honda đang quàng tay khoác cái săm ôtô con đen nhánh vào vai. Chả lẽ chúng nó cắt dây chôm săm ôtô rượu nhanh thế? Còn lại săm xe đạp đựng rượu quàng cổ không dám buộc đằng sau xe đạp, văn nhân cố mang về Hà Nội bán gỡ gạc vốn phần nào.
Nhưng hỡi ôi! Chẳng biết ai hoặc bạn sinh viên nào đó biết nhà phê bình văn học Văn Giá có mối đổ rượu cũng học theo. Học nhưng họ làm lớn, thuê ôtô tải chở lủng nhủng các săm ôtô lớn bé “đổ” cả một góc trời thủ đô, giá lại rẻ hơn. Văn Giá hết mối “đổ” rượu, ngại ngùng cố lên nhà bạn gái thanh toán và nếu đền cái săm ôtô con nữa thì lỗ vốn. Tiền bạc phân minh, nhưng ái tình lỡ làng, không còn lòng dạ nào dám nghĩ đến những lời bóng gió yêu thương của cô gái nấu rượu nữa. Bà chủ lò rượu bảo: “Ngữ anh sinh ra không phải để buôn bán, thôi quay về làm thơ viết văn đi, thì đời mới khá lên được”.
Quả nhiên, tên tuổi Văn Giá làm thơ, viết văn và phê bình thì cả nước ai cũng biết. Lúc nào “lơ ngơ” thì làm thơ, lúc nào “đểnh đoảng” thì viết văn, khi tỉnh táo viết phê bình. Chứ cứ quyết liệt đi buôn thì sạt nghiệp, có khi giàu có nhưng lại đang ở trong tù; chứ nói gì đến chuyện thành người nổi tiếng in 20 tập sách, lại còn lấy cô giáo dạy văn cấp ba người Hà Nội xinh đẹp thuộc từng dòng văn thơ lai láng của chồng như bây giờ.
2. Chuyện nhà thơ dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đi buôn chanh tươi và nhân lạc từ Nghệ An ra Hà Nội cũng có nhiều thú vị. Lúc ấy, tôi mới ở chiến trường K về Hà Nội và may mắn được làm học trò của thầy.
Cũng như mọi người sống trong thời bao cấp đạm bạc, khốn khó, quán cóc vỉa hè và quán chè cổng ký túc xá chỉ bán nước đá pha chanh tươi, bột sắn dây giải khát. Thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Hùng Vỹ thấy nhiều người cùng quê mang lạc nhân, đỗ đen lòng xanh, chanh tươi, cá biển khô… ra thủ đô bán, thầy học theo. Nhân tiện về quê, ông mua luôn ba bao tải chanh tươi quẳng lên tầu hàng, ra ga Hà Nội thì trời tang tảng sáng.
Xuống sân ga, ông xếp ngay ngắn ba bao tải chanh tươi chưa kịp gọi xe xích lô thì một thằng cửu vạn lao tới vác một bao, bảo: “Cháu vác cho ông ra cửa ga”. Miệng nói, tay ôm, chân nó chạy. Ông đuổi theo thì một thằng khác ào tới vác một bao chạy theo hướng khác. Ông bỏ thằng thứ nhất chạy chéo đường tầu đuổi theo thằng thứ hai, thì thằng thứ ba ôm nốt bao chanh tươi còn lại chạy nốt. “Thân này ví xẻ làm ba được”, ba thằng chạy ba hướng, ông đuổi theo thằng nọ thì bỏ thằng kia, đành chịu mất.
Không chịu thất bại, nhà thơ Nguyễn Hùng Vỹ “làm lại từ đầu”, buôn lạc nhân từ Nghệ An ra đổ cho các nhà buôn ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Lần này không phải 3 mà là 5 bao tải lạc nhân đỏ sậm, khô giòn. Rút kinh nghiệm thất bát lần trước, ông cứ đứng chờ thì xe xích lô lượn tới, bốc lên chở thẳng ra chợ Đồng Xuân. Nhưng, hỡi ôi, rao khắp dãy chợ hàng nông sản khô không ai lấy, chê ỏng chê eo chỉ vì họ mua và bán loại hạt lạc to đều chằn chặn. Ông không có chuyên môn chọn hàng, cứ mua mớ, mua đống, hạt to nhỏ khác nhau mua tất. Cuối cùng, ông đành thuê xe chở về nhà, cho biếu người thân, rồi tặng bạn bè, còn lại giữ ăn dần phải vài năm sau mới hết số lạc buôn bán ế.
Một thời gian sau, có người rủ ông đi buôn đất. Máu liều lại nổi lên, buôn đi bán lại đủ số tiền xây cái nhà 4 tầng trên 100m2 đất được nhà trường chia, thì ông dừng hẳn. Bạn buôn bảo: “Đang ăn nên làm ra, ông phải thừa thắng xốc tới chứ.” Ông kiên quyết: “Cứ thế này, tiền bạc thì lên, văn chương thì xuống. Lâu nay tối mặt tối mũi vào đất cát, tiền bạc, tôi chẳng viết lách gì được. Dừng kiếm tiền thôi, ông ạ”. Nếu ông cứ tiếp tục buôn đất đến bây giờ, có khi đã tòa ngang dãy dọc, trở thành đại gia bất động sản, giảng viên trong trường khó có ai giàu có hơn ông. Nhưng, hơn ba chục năm nay, ông không bén mảng đến buôn bán, mà chuyên tâm đọc sách, đi điền dã, nghiên cứu, sáng tác và kiếm bộn tiền từ chuyên nghề mình lựa chọn.
3. Nhà thơ Võ Văn Vinh ở Nghệ An kể với tôi: Ông cũng đi buôn, nhưng bạn buôn là… nhà thơ Thạch Quỳ. Dạo ấy, nhà thơ Thạch Quỳ còn ở căn hộ bé tẹo trên tầng 5 khu tập thể Quang Trung, thành Vinh. Lúc đầu, thi sĩ Thạch Quỳ còn e dè và lo vốn liếng không có. Nhà thơ Võ Văn Vinh lúc nào cũng coi nhà thơ Thạch Quỳ như người thầy thơ văn, bảo rằng: “Vốn vay của mẹ em. Hàng thì “đánh quả” lạc nhân, giấy cuộn thuốc lá ra Hà Nội. Chiều về lấy xích, líp, càng đĩa, nan hoa xe đạp gia công ở chợ Giời, Hà Nội mang về “đổ” cho các chợ quê vùng sâu vùng xa ở Thanh Chương, Tân Kỳ”.
Nhưng, cái sự đi buôn nó lắm nhiêu khê, phiền hà, mà Thạch Quỳ vốn từng là thầy giáo chuẩn chỉ, nghiêm trang. Hai thầy trò đứng, nằm, ngồi lẫn lộn cùng với dân nghèo, dân buôn lợn gà, rau quả ở trong toa tàu chợ. Nóng bức. Ngột ngạt. Hai thi sĩ nhiều đêm trằn trọc, mắt mở thao láo bởi tiếng đàn bà nói chuyện con cà con kê suốt đêm lẫn tiếng vịt kêu, lợn éc, tiếng bánh sắt siết trên đường ray lọng óc…, chứ không phải mất ngủ vì lo mất hàng. Lo nhất là khi nhân viên quản lý thị trường khoác xà cột đi xuyên toa này sang toa kia. Thi sĩ Thạch Quỳ run run, bảo: “Tau là nhà thơ nổi tiếng, nó bắt thì biết ăn nói ra răng?”. Nhà thơ Võ Văn Vinh trấn an: “Em còn vô danh tiểu tốt sẽ đứng mũi chịu sào chả ai chấp, thầy là thi sĩ nổi tiếng mà bị bắt thì mang tiếng cả nước, nên thầy chỉ việc đi cùng và coi hàng lúc em ngủ”.
Hai năm đi buôn lời lãi chả được là bao. Nhà thơ Võ Văn Vinh lại kéo thi sĩ Thạch Quỳ ra Quỳnh Lưu làm trang trại cùng với nhà văn Đặng Văn Ký. Mấy quả đồi rộng hàng chục ha, có sẵn gần một ngàn cây mít của các cụ phụ lão. Các ông thuê làm trang trại, kéo cả em vợ nhà văn Đặng Văn Ký làm cùng. Hàng ngày các ông xoay trần ra, phát cỏ, cuốc đất, đóng gạch, dựng nhà cấp bốn, cày cấy… Được vài tuần, xem ra thầy giáo, thi sĩ Thạch Quỳ uể oải việc nhà nông, mà thi hứng lại dạt dào nổi lên. Có buổi sáng đang đóng gạch, ông bỏ khuôn mộc, kéo cắt chạy vào lều cỏ. Tưởng ông đi uống nước, hoặc mệt nhọc phải đi nằm, nhà thơ Võ Văn Vinh chạy vào thì thấy ông đang cắm cúi trên cái hòm gỗ dùng làm bàn kê cuốn vở… viết những câu thơ đang tươi màu mực. Rồi lại đến nhà văn Đặng Văn Ký cũng văn hứng nổi lên, những ý tưởng, chi tiết, hình ảnh hiện ra bất chợt lúc đang cho đàn lợn ăn cũng bỏ giữa chừng vào lều cỏ cặm cụi ghi chép.
Thời gian dần trôi, trên hai quả đồi rợp cây xanh và chang chang nắng lửa miền Trung chỉ còn nhà thơ Võ Văn Vinh và vợ chồng em vợ nhà văn Đặng Văn Ký cuốc đất, lật cỏ, trồng cấy, chăn nuôi… Lợn gà quên cho ăn, quên cho thuốc phòng bệnh, con chết đói, con chết bệnh, đàn vơi dần.
Gia đình anh nông dân nản quá, bỏ cuộc, về quê, mặc cho ông anh vợ nổi tiếng viết tiểu thuyết và ông thi sĩ lừng danh làm thơ, kệ cho nhà thơ Võ Văn Vinh chèo chống. Cuối cùng thì công cuộc xây dựng trang trại làm kinh tế của ba văn nhân thi sĩ bị phá sản. Bỏ trang trại vườn đồi, hồi hương, để cỏ dại mọc hoang bời bời. Nhưng, rất tuyệt là dù dê bỏ đi mất, gà lợn chết, trang trại vườn đồi bỏ hoang, nhưng nhà văn Đặng Văn Ký lại viết xong tiểu thuyết “Nhà có thuốc thần”, và thi sĩ Thạch Quỳ thì xuất thần với bài thơ “Đêm vườn rừng”.
Tôi hỏi nhà thơ Võ Văn Vinh: “Trong mấy lần mưu sinh ngoài trang viết, bác có làm được bài thơ nào không?”. Ông cười rộn rã: “Không! Mình biết phận đàn em, lại đứng mũi chịu sào, chèo chống. Đầu óc đâu còn nghĩ đến thơ. Trang trại vườn đồi phá sản sớm, may còn kịp về nhà giữ được mấy sào ruộng khoán khỏi mất”.
Nói rồi, ông cười, tiếng cười rộn rã vô tư và trong sáng như hơn bốn chục năm trước văn nhân thi sĩ các ông rủ nhau đi buôn, đi làm kinh tế.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/di-buon-khong-dua-voi-van-nhan-i740231/