Đi cấy đầu xuân
Hơn mười năm rồi tôi chưa phải đụng tay vào việc cấy dắm. Mỗi dịp đầu xuân tôi lại nôn nao nhớ chuyện cấy dắm đến lạ. Tôi luôn có cảm giác mười mấy năm trước như vừa mới hôm qua đây thôi.
Ở quê tôi thường không cấy sớm trong mùa đông như một số địa phương khác mà đợi ra xuân nắng ấm lên mới cấy. Cấy sớm trời lạnh, cây mạ không phát triển được có khi còn bị chết coi như mất trắng cả công lẫn của. Khoảng chừng mùng năm, mùng sáu Tết sau khi đã no nê bánh kẹo, thịt thà thì bà con lại chuẩn bị phân gio, mạ ra đồng. Nhà tôi có tất thảy 5 sào ruộng nên để cấy xong liên tục cũng phải đến hơn một tuần lễ.
Mang tiếng ra xuân nắng ấm nhưng tiết trời vẫn còn khá lạnh, bước chân xuống ruộng cóng queo hết cả lên. Lại nhớ cái thời túng đói, mọi thứ đều phải tằn tiện, ngay cả đôi ủng đi cấy cũng không có để mà đi nên ai ai cũng đều đi chân trần. Chân dính bùn, dính nước lạnh và còn bị đỉa “dính” nữa. Chị gái tôi cấy được một lúc lại giơ chân lên xem có con đỉa nào bám không?
Chị là chúa sợ đỉa. Có lần có một con đỉa bám vào bắp chân của chị, nhìn thấy tôi vội nói với chị, chị tôi hét lên thất kinh nhảy tưng tưng, nước ruộng bắn tung tóe lên hết cả quần áo, thiếu điều chưa giẫm vào đám mạ mới cấy mà thôi. Mấy cô ruộng bên nhìn thấy cứ cười nắc nẻ không ngớt. Đó cũng là một “giai thoại” về chuyện đi cấy của chị, mỗi lần có dịp cả nhà nhắc lại, chị lại đỏ mặt.
Đi cấy cực nhất không phải là cách làm sao bắt đúng 2-3 cây mạ như theo chỉ thị của mẹ mà là đau lưng ghê gớm. Khom lưng một ngày dễ đến cả 10 tiếng đồng hồ, tôi cảm tưởng như muốn gãy lưng đến nơi. Cái câu nói “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đúng với hoàn cảnh của người nông dân làm ruộng, nhất là việc đi cấy. Nhưng đến lạ, đi cấy đau lưng đến như vậy nhưng tôi chẳng bao giờ thấy mẹ than. Mẹ tôi có thâm niên đi cấy trên ba mươi năm.
Hồi mới tập cấy, tôi toàn bị tụt hàng so với mẹ và chị. Thấy mẹ và chị cấy được bao nhiêu nhưng chỗ tôi thì lọt thỏm, giữa mênh mông bao la đất trống. Bắt mạ còn chưa nhanh, chưa đúng theo yêu cầu, bụi thì nhiều, bụi thì ít cây. Đi thăm đồng nhìn cây lúa lởm chởm chỗ dày chỗ mỏng thì đích thị là chỗ của tôi cấy rồi. Nhưng rồi cũng quen. Tôi đã cấy một cách thành thục, đã “đuổi kịp” được mẹ và chị, mặc dù lắm lúc hàng không được thẳng cho lắm.
Mỗi lần chị tôi nhắc cấy phải cho thẳng, tôi lại bào chữa “Ôi, miễn là cây mạ cắm xuống đất là được, quan trọng kết quả, chứ đâu cần thẳng hay xiên”. Đó là tôi bào chữa vậy thôi, chứ ai cũng biết rằng cấy thẳng hàng thì sau này cây lúa lớn lên sẽ dễ làm cỏ, bón phân cũng như hút dinh dưỡng từ đất đều hơn.
Đi cấy đầu xuân thích nhất là khoảng thời gian nghỉ giải lao giữa buổi. Thức ăn trong Tết đang còn thừa thì mang ra ruộng, các hộ gia đình góp lại chung vui giữa đồng. Mọi người cười nói, ăn uống rôm rả quên hết cả mệt mỏi. Nghĩ lại tôi lại thấy nhớ khoảnh khắc ấy vô cùng.
Tính người dân quê xưa thật thà, chân chất, không ngại ngần, câu nệ nhà anh giàu, nhà tôi nghèo nên khách sáo, giữ kẽ với nhau. Nếu những ai chưa quen thì đánh giá đó là tính “xuề xòa”. Nhưng tôi lại thích tính xuề xòa đó mới lạ chứ! Nhất là sau này khi tôi lên phố học và làm việc. Không đánh đồng tất cả nhưng người ở phố người ta sân si, bon chen thậm chí giành giật với nhau để sống. Chuyện của người quê sao mà thấy ấm cúng, giản dị biết nhường nào…
Bây giờ nhà tôi chỉ cấy hai sào đất. Phần vì bố mẹ cũng đã nhiều tuổi, con cái đi học rồi làm ở nơi xa không có nhân lực. Chị gái tôi bảo bố mẹ đừng có làm ruộng nữa, không có lãi lại còng lưng mệt nhọc. Nhưng bố mẹ tôi thì muốn được ăn gạo sạch, muốn con cháu về quê nấu cho chúng ăn bữa cơm ngon lành. Đầu xuân nhớ lại bỗng thấy buồn buồn, tủi tủi. Cả một đời bố mẹ nuôi nấng trưởng thành nhưng vẫn chưa làm được gì cho bố mẹ, bố mẹ vẫn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Đào Thanh Tùng
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/di-cay-dau-xuan-580591/