Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ thành Di tích cấp thành phố
Việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) khẳng định giá trị văn hóa, kiến trúc quan trọng của khu vực này, nhằm tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di chỉ này.
Việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) khẳng định giá trị văn hóa, kiến trúc quan trọng của khu vực này, nhằm tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di chỉ này.
Ngày 23-2, UBND quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp thành phố Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Đây là di tích thuộc loại hình di tích khảo cổ duy nhất đến thời điểm này tại Đà Nẵng được xếp hạng di tích cấp thành phố.
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đề nghị quận Cẩm Lệ, Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu UBND TP xây dựng Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm giai đoạn 2 và bảo quản, tu bổ, phục hồi Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ trình UBND TP phê duyệt làm cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy bền vững giá trị di sản trong thời gian tới. Tiếp tục nghiên cứu, điền dã khảo cổ để làm sáng tỏ hơn nữa các tầng ý nghĩa của di tích khảo cổ độc đáo này.
Di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu trên diện tích 500 m2 theo Quyết định số 1666/QĐ-BVHTTDL ngày 4-5-2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Kết quả khảo cổ cho thấy, tại đây là di tích của ít nhất ba ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, đến nay có niên đại khoảng 1.000 năm. Đây là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất, đồng thời là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc. Trong đó, có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng) lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu. Ngoài ra, trong khuôn viên khu di tích còn có hạng mục Miếu Bà là di tích thời Tự Đức (1862) có giá trị về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian.
Trước yêu cầu về việc bảo tồn di tích, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục gắn với phát huy giá trị di tích góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đem lại lợi ích cho nhân dân địa phương; gìn giữ một di tích văn hóa có 1.000 năm tuổi, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng phê duyệt ranh giới bảo vệ với diện tích 2.653 m2 tại Quyết định số 6314/QĐ-UBND ngày 12-9-2013. Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao giao Bảo tàng Điêu khắc Chăm chịu trách nhiệm quản lý di tích. Năm 2017, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6236/QĐ-UBND ngày 1-11-2017 về việc phê duyệt Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ.
Theo đó, ngoài ranh giới khu vực I bảo vệ di tích với diện tích 2.653 m2 nêu trên, UBND thành phố thống nhất phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất mở rộng quy hoạch định hướng bảo tồn phát huy Khu di tích Chăm Phong Lệ với diện tích 17.087 m2, bao gồm: Khu vực bảo vệ II với diện tích 1.626 m2 và Khu vực phục vụ du lịch - phát huy giá trị di tích với diện tích 15.461 m2.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Nguyễn Xuân Tiến, việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là cơ hội điều kiện tốt góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương. Cùng với di tích Nghĩa trũng Hòa Vang (phường Khuê Trung), khu di tích Chăm Phong Lệ trong tương lai sẽ là một phần trong cụm các di tích lịch sử, văn hóa được liên kết để phát triển du lịch.