Đi 'chợ quê ngày hội'

Bên di tích Quốc gia cầu ngói Thanh Toàn, du khách hòa mình vào không gian yên bình, mua sắm nông sản, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm xay lúa, chằm nón, vui hết mình trong trò chơi dân gian nhảy bao bố, bịt mắt bắt heo...

Thương hiệu “Chợ quê ngày hội”

Nói đến lễ hội ở Huế, du khách nghĩ ngay đến Festival Huế. Nói đến Phong Điền, mọi người nghĩ đến lễ hội “Hương xưa làng cổ” và nhắc đến thị xã Hương Thủy, du khách nhớ đến “Chợ quê ngày hội”...

Được tổ chức định kì nhằm hưởng ứng Festival Huế, “Chợ quê ngày hội” đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách. Minh chứng rõ ràng nhất là hình ảnh dòng người đông đúc về cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) tham gia ngày hội.

Vui nhộn trò chơi bịt mắt bắt heo.

Vui nhộn trò chơi bịt mắt bắt heo.

Theo UBND thị xã Hương Thủy, mỗi kỳ “Chợ quê ngày hội”, có đến hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và quốc tế tìm về. Con số này cho thấy sức hấp dẫn của chương trình hưởng ứng Festival Huế và phản ánh sức hút mãnh liệt của thương hiệu “Chợ quê ngày hội” ngày càng tăng trong lòng du khách thập phương.

Hưởng ứng Festival Huế năm 2024, “Chợ quê ngày hội” diễn ra 4 ngày cuối tháng 6 với hàng loạt hoạt động vui nhộn, mang đến niềm vui phấn khởi cho du khách.

Có mặt ở cầu ngói, chúng tôi cảm nhận không khí yên bình của vùng quê xứ Huế. Bên dòng sông Như Ý, cầu ngói nổi tiếng với kiến trúc cổ kính nghiêng mình dưới dòng nước trong xanh. Cạnh đó, cánh đồng lúa phát triển tốt tươi, tạo nên bức tranh vùng quê thanh bình.

Ngoài mang nét bình yên, bên bờ sông này còn trở nên sôi động, thu hút du khách tham quan. Đến Thủy Thanh vào lúc diễn ra “Chợ quê ngày hội”, chúng tôi được trải nghiệm nhiều hoạt động độc đáo.

Nhiều trải nghiệm vui nhộn

Đến lễ hội này, du khách được thưởng lãm hàng chục tác phẩm ảnh ghi lại vẻ đẹp Hương Thủy. Triển lãm ảnh “Nét đẹp chợ quê, cầu ngói Thanh Toàn” trưng bày tác phẩm về cầu ngói, đua ghe... giúp công chúng hiểu thêm về văn hóa, con người Hương Thủy.

Du khách còn bị thu hút bởi âm thanh vui tai được phát ra ở chiếc chòi. Trên mỗi chiếc chòi có người chơi ngồi và cầm những quân bài. Ở giữa, quản trò hô câu hò lôi cuốn. Việc hô bài chòi giúp cho trò chơi dân gian đặc trưng ở dải đất miền Trung này thêm phần thú vị.

Sau tiếng hô, người chơi có quân bài được xướng tên sẽ đưa cho quản trò. Ai hết bài sẽ giành phần thắng và kết thúc một lượt chơi. Nghệ thuật bài chòi ở miền Trung đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Niềm vui khi bắt được chú heo.

Niềm vui khi bắt được chú heo.

Du khách còn đến sân nhà trưng bày nông cụ xem người dân chơi trò bịt mắt bắt heo. Trong khi vận động viên được bịt mắt bằng chiếc khăn, một chú heo con được thả vào khu vực trò chơi.

Sau tiếng hô của quản trò, 6 người chơi mò mẫm khắp nơi để bắt chú heo đang chạy tán loạn. Kịch tính hơn, có khoảnh khắc người chơi vồ chú heo sắp thành công thì bị hụt làm cho khán giả tiếc nuối. Sau thời gian vây bắt, người chơi may mắn tóm gọn heo trong tiếng cười của mọi người.

Rời trò chơi này, du khách đến hội thi chằm nón bài thơ. Các chị, các mẹ trở thành thí sinh thực thụ khi thực hiện công đoạn làm ra chiếc nón như bắt vành; cắt lá, xây độn bài thơ; chằm các vành cũng như hoàn thành chiếc nón có sẵn với công đoạn nức, gắn xoài...

Hội thi do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thủy Thanh tổ chức nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu nghề thủ công truyền thống của chị em phụ nữ đến với du khách thập phương.

Thú vị cuộc thi Chằm nón bài thơ.

Thú vị cuộc thi Chằm nón bài thơ.

Chơi bài chòi.

Chơi bài chòi.

Hấp dẫn đua ghe câu trên sông Như Ý.

Hấp dẫn đua ghe câu trên sông Như Ý.

Bà Đặng Thị Hồng Diệp - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thủy Thanh, chia sẻ: “Nói đến người phụ nữ Huế, tức là nói đến tà áo dài thướt tha và chiếc nón bài thơ dịu dàng, e ấp. Hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng đặc trưng cho người phụ nữ Huế xưa và nay. Hội thi cũng là dịp để chị em thể hiện tài năng, sự khéo léo, kỳ công của mình qua từng đường kim, mũi chỉ để hoàn thành chiếc nón bài thơ duyên dáng”.

Ngoài các hoạt động trên, mọi người còn được chơi trò chơi bịt mắt đập om, nhảy bao bố, đua ghe câu..., xem trình diễn xay lúa, giã gạo, check-in cầu ngói nổi tiếng... Mỗi hoạt động toát lên sự chân chất mà không kém phần thú vị và chuyên nghiệp trong cách tổ chức.

“Những ngày diễn ra lễ hội này, gia đình tôi thường xuyên về cầu ngói vui cùng ngày hội. Các con tôi thích thú với trò chơi dân gian vui nhộn và nhất là thưởng thức món ngon miền quê”, anh Trần Bình, ở TP Huế, cảm nhận.

“Chợ quê ngày hội” góp phần phát triển du lịch cộng đồng

Có mặt ở lễ hội, ông Dương Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, Phó Trưởng BTC chia sẻ, “Chợ quê ngày hội” là dịp để du khách tham gia hoạt động mua bán hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu của địa phương. Đây là dịp để du khách trải nghiệm phong cảnh làng quê, các di tích lịch sử cấp Quốc gia cũng như thưởng thức món ăn dân dã. Mọi người còn được hòa mình vào hoạt động tái diễn đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và thưởng thức tiết mục ca, hò, các trò chơi dân gian...

“Lễ hội lần này còn có các hoạt động phong phú như Lễ cung nghinh hương linh bà Trần Thị Đạo; Giao lưu hò bài chòi của các trường học; Tuần hành áo dài trên đường quê bằng xe đạp, trình diễn áo dài...”, ông Tuấn nói.

Du khách nước ngoài theo dõi đua ghe câu.

Du khách nước ngoài theo dõi đua ghe câu.

Theo ông Tuấn, “Chợ quê ngày hội” năm 2024 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương. Trong 4 ngày lễ hội, có trên 200 ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đến với ngày hội.

Bà Ngô Thị Ái Hương - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, Trưởng BTC lễ hội, cho hay: “Chợ quê ngày hội còn là cơ hội để khách du lịch có thêm những hiểu biết về nét đẹp văn hóa và tiềm năng du lịch Hương Thủy. Qua đó, góp phần phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy, phát triển du lịch và tạo thêm điểm đến cho du khách khi có dịp đến xứ Huế”.

Chia sẻ về kỳ lễ hội đầu tiên, bà Hương cho biết, song hành với Festival Huế, từ năm 2000, “Chợ quê ngày hội” diễn ra để hưởng ứng lễ hội lớn nhất Thừa Thiên Huế. Từ hoạt động khai mạc, trình diễn giã gạo..., trải qua các kỳ tổ chức, đến nay lễ hội đa dạng hoạt động hơn.

Theo lãnh đạo thị xã Hương Thủy, ở những kỳ đầu tiên, kinh phí hạn hẹp nên Ban tổ chức tận dụng sự đồng hành của người dân. Nhiều người dân tham gia trình diễn để quảng bá cho địa phương. Lúc đó, nguồn thu nhập đem lại cho người dân còn khiêm tốn. Sau này, hoạt động đi vào quy củ, số lượng du khách lớn và tăng dần nên mang đến nguồn thu nhập khá cho người dân từ gửi xe đến bán đồ ăn...

Thưởng thức ẩm thực vùng quê.

Thưởng thức ẩm thực vùng quê.

“Kết quả “Chợ quê ngày hội” mang lại được chứng minh bằng con số. Từ 15-20 nghìn lượt người vào kỳ đầu tiên, những kỳ sau này có trên dưới 200 nghìn lượt người tham gia. Đặc biệt, qua hiệu ứng “Chợ quê ngày hội”, điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn được phát triển, nổi bật nhất là xây dựng chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn vào tối thứ 6, 7, Chủ nhật hằng tuần, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân”, bà Hương nói.

Vào ban ngày, người dân tham gia sản xuất, kinh doanh. Đêm đến, bà con tranh thủ buôn bán rau quả, dưa giá, cá rô, ếch, gà kiến thả vườn, bánh bèo, bánh lọc... Những sản vật này được người dân thành phố và du khách yêu thích. Du khách còn xem trình diễn xay lúa, chơi bài chòi cùng các trò chơi dân gian...

Nhờ đem lại hiệu quả thực tế, chợ đêm được duy trì để du khách đến cầu ngói có không gian trải nghiệm vào ban đêm. Trải qua hơn 1 năm triển khai chợ đêm, du khách trong, ngoài tỉnh và quốc tế đã biết đến thương hiệu chợ quê cầu ngói Thanh Toàn.

“Chợ quê ngày hội” trên sông Như Ý.

“Chợ quê ngày hội” trên sông Như Ý.

Bà Hương kỳ vọng, “Chợ quê ngày hội” ngày càng tạo được ấn tượng mạnh mẽ, mang tính chuyên nghiệp và bền vững hơn để phát triển du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên định hướng phát triển Hương Thủy thành trung tâm đô thị kinh tế quan trọng của tỉnh khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như đưa du lịch thành thế mạnh của Hương Thủy trong phát triển kinh tế.

Cách trung tâm TP Huế hơn 5km, cầu ngói đã trở thành điểm đến quen thuộc. Du khách đến nườm nượp là “quả ngọt” cho nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng. Trước dòng người về cầu ngói, câu ca dao “Ai về cầu ngói Thanh Toàn. Cho em về với một đoàn cho vui” một lần nữa hiện lên trong tâm trí du khách...

Bài, ảnh: TUẤN HIỆP

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/di-cho-que-ngay-hoi-c14a77455.html