Đi chợ tem phiếu mùa dịch: 'Bình thường mới' là đây! Đi chợ tem phiếu mùa dịch: 'Bình thường mới' là đây!
Có thể nói việc dùng tem phiếu (thẻ) để phân chia tần suất đi chợ của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19 là một ví dụ cho trạng thái 'bình thường mới'. Tuy nhiên, để chuyện 'bình thường mới' này trở nên bình thường không thể chỉ trong vài ngày.
Thay đổi thói quen
Hôm 14-8, chị Đỗ Thị Kim Thanh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đi chợ Hàn - một trong những chợ truyền thồng lớn tại Đà Nẵng – như bình thường. Chỉ có một điều khác là bên cạnh ví tiền, chị đem theo tem phiếu được tổ dân phố nơi chị cư trú phát cho. Chị mua một số lượng rau, thịt, cá… đủ dùng cho các bữa ăn trong vòng ba ngày.
“Bình thường tôi chủ động thời gian đi chợ tùy thuộc vào công việc của mình”, chị Thanh nói.
Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền thành phố Đà Nẵng quy định mỗi hộ gia đình được phát tem phiếu bằng giấy để đi chợ với tần suất 3 ngày một lần trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ ở Đà Nẵng, chị bắt đầu thay đổi thói quen đi chợ vì “3 ngày sau mới lại được đi chợ theo quy định”.
Chị Nguyễn Thị Dung, một bà nội trợ tại quận Thanh Khê, có thói quen đi chợ hằng ngày tại chợ Tam Thuận (một chợ truyền thống tại quận Thanh Khê) gần nhà. “Chợ thì gần nhà. Cả nhà tôi đều muốn dùng thực phẩm tươi sống (không trữ trong tủ lạnh qua ngày) nên tôi thích đi chợ hằng ngày”, chị nói và chia sẻ kể từ ngày phải đi chợ theo tem phiếu (12-8) chị thấy hơi bối rối.
Và hôm 14-8, chị gặp một tình huống dở khóc dở cười. Con chị thích ăn bún. Nhà không có bún. Chị phải “mượn” một phiếu để vào chợ [theo mỗi hộ gia đình sẽ được phát 5 phiếu vào chợ trong 15 ngày] chỉ để mua một kg bún.
“Tôi phải làm quen điều này vì các tiệm bên ngoài đã đóng cửa”, chị Dung nói và chia sẻ thêm quy định này cũng là một điều tốt trong thời điểm dịch bệnh lây lan. Tuy rằng có đôi chút bất tiện ban đầu, nhưng chị Dung tin rằng mình sẽ quen với trạng thái “bình thường mới” này.
Người mua, người bán đều học cách thích ứng
Không chỉ người mua mà người bán cũng đang cố gắng thích ứng, nhưng trong tình huống khó khăn hơn.
Cô Nguyễn Thị Kim Tuyến, chủ một sạp trái cây tại chợ Tam Thuận, đồng ý rằng việc giãn cách và phân chia đi chợ là cần thiết để đảm bảo an toàn cho mọi người, trách dịch bệnh lây lan.
“Tuy nhiên, việc buôn bán rất ế ẩm. Trái cây tươi cần phải được tiêu thụ hằng ngày, nếu để qua ngày thứ ba trở đi phải bỏ đi, chịu lỗ vốn”, cô Tuyến, năm nay 62 tuổi và buôn bán trái cây tại chợ này từ còn trẻ, chia sẻ.
Cô Tuyến nói thêm từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm, việc buôn bán của cô đã ít hẳn đi so với năm ngoái. Hiện nay, sạp trái cây của cô lại càng ít khách khi khách mua đi chợ luân phiên. “Chắc tôi phải suy nghĩ cách khác vì hàng trái cây là hàng nhạy cảm.
Tôi mong muốn chính quyền có chính sách tốt hơn để hỗ trợ”, cô Tuyến nói và chia sẻ thêm các tiểu thương tại chợ, từ bán rau đến thịt tươi sống, đang phải vật lộn với quy định mới.
Một trong những giải pháp là lấy nguồn hàng ít lại và thêm dịch vụ giao tận nhà.
“Quy định này giúp cho việc buôn bán an toàn hơn”, ông Trần Vĩnh Thanh, Trưởng Ban Quản lý chợ Tam Thuận, cho biết và chia sẻ thêm ông cũng thông cảm với tình cảnh buôn bán ế ẩm hơn tại chợ kể từ khi áp dụng tem phiếu. Ông Thanh cũng đề nghị cần có một giải pháp tốt hơn để các tiểu thương “sống” được qua mùa dịch.
Cô Năm, một tiểu thương bán bún tại chợ Hàn, nói giọng buồn bã: “Tôi bán bún ở chợ từ năm 14 tuổi. Đã từng thấy cảnh mua hàng bằng tem phiếu. Đến nay tôi gần 70, nhưng chưa bao giờ thấy cảnh mua tem phiếu kiểu này”, cô Năm cho biết và nói trước đây một ngày cô có thể bán 100 kg bún trong vòng buổi sáng, nhưng hiện nay trong vòng một ngày cô chỉ có thể bán 20-30 kg bún.
Cô Năm cũng như những tiểu thương tại chợ Hàn hiểu rằng họ phải chấp nhận hoàn cảnh để có thể tồn tại qua mùa dịch.
Có thể nói, trong đợt dịch bùng phát trở lại này, những tiểu thương tại chợ Hàn gặp nhiều tổn thương hơn những chợ truyền thống khác. Từ khoảng 5-6 năm nay, chợ Hàn là một trong những chợ nhộn nhịp nhất thành phố, thu hút người dân cũng như khách du lịch.
Trong đợt cách ly xã hội lần thứ nhất vào tháng 4, các tiểu thương bán thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm tại đây điêu đứng vì khách du lịch về bằng 0. Họ nhanh chóng thay đổi cách thức buôn bán để phục vụ 100% người dân Đà thành. Việc kinh doanh mới được phục hồi đôi chút trong 3 tháng qua thì họ gặp phải đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai vào cuối tháng trước.
Chia sẻ với người viết, nhiều tiểu thương cho biết bên cạnh tự xoay xở, họ có những giải pháp tốt hơn bên cạnh hình thức tem phiếu hiện nay.
Tem phiếu nên áp dụng cho cả siêu thị?
Một trong những giải pháp đó là xem lại phương pháp phát hành tem phiếu, theo chị Phạm Hải Lý, một tiểu thương chuyên bán các loại chả và thịt sơ chế tại chợ Hàn.
Chị Lý phân tích việc phát tem phiếu chỉ áp dụng cho chợ truyền thống. Vì vậy, nhiều người dân ngại chuyện sử dụng tem phiếu chỉ để mua được 1-2 sản phẩm, họ chuyển sang mua hàng hóa tại siêu thị và các cửa hàng tiện lợi.
“Tôi thấy cửa hàng Vinmart gần nhà tôi trở nên đông hơn trước khi có hình thức phát tem phiếu”, chị Lý chia sẻ. “Điều này vô hình chung làm cho việc kiểm soát lượng người ra vào các cửa hàng này cũng như siêu thị trở nên khó khăn hơn, dễ lây lan dịch bệnh hơn”.
Một trong những đề nghị mà chị Lý đưa ra là nên áp dụng tem phiếu cho cả siêu thị và cửa hàng thực phẩm theo chuỗi như Vinmart. Lúc đó, người dân sẽ có lựa chọn khi mua thực phẩm hằng ngày.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Loan, chủ sạp thực phẩm chay tại chợ Hàn, cho biết phân chia tần suất đi chợ bằng tem phiếu giúp thực thi việc giãn cách tại chợ tốt hơn, nhưng khách cũng đến ít hơn. Chị Loan cũng đồng ý với phương án sử dụng tem phiếu tại các siêu thị. Bên cạnh đó, chị cũng đề nghị xem lại cách phân phối tem phiếu để người dân có thể đến chợ nhiều hơn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, từng cho biết chia tần suất là một giải pháp tạm thời, nhưng giải pháp căn cơ phải là kiểm soát người vào chợ và người đi trong chợ, tránh tập trung đông người.
Theo tìm hiểu, trong những ngày đến Sở Công Thương sẽ có thêm những giải pháp hợp lý hơn trong việc phân phối tem phiếu bên cạnh một số giải pháp khác như tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các khu dân cư để giảm bớt số lượng người tại các chợ.
Theo ghi nhận, để thực hiện tốt việc quản lý người dân và tiểu thương ra vào chợ, tại các chợ đã tăng cường sự hỗ trợ của lực lượng công an, biên phòng, ban bảo vệ dân phố. Phía bên ngoài các chợ, các bộ các phường chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân, đảm bảo trật tự. Phía bên trong có ban quản lý chợ và lực lượng bảo vệ hướng dẫn người dân và tiểu thương mua bán giữ khoảng cách an toàn để phòng, chống dịch.
Bên cạnh việc kiểm tra thẻ ra vào chợ của người dân, các chợ trên địa bàn quận Hải Châu cũng triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả các tiểu thương và người dân khi vào chợ phải thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đảm bảo giãn cách.
“Người dân chúng tôi chấp hành quy định của thành phố khi đi chợ ba ngày một lần bằng tem phiếu để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần những giải pháp tốt hơn để những người bán ở chợ không bị thua lỗ nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho mọi người trong trạng thái bình thường mới”, người nội trợ Đỗ Thị Kim Thanh chia sẻ.
Được biết, mỗi hộ gia đình được phát 5 thẻ (phiếu) vào chợ trong 15 ngày. Phiếu đi chợ, được in hai màu hồng (ngày chẵn) và màu xanh da trời (ngày lẽ), có giá trị sử dụng một lần cho một chợ bất kỳ trên địa bàn thành phố. Phiếu được thu lại ngay tại chợ hằng ngày để phục vụ cho việc điều tra dịch tễ khi cần thiết.
Nhân Tâm