Đi chợ theo thẻ: Người mua, người bán đều yên tâm hơn
Sau vài ngày đầu bỡ ngỡ, đến nay người dân tại nhiều địa bàn của thành phố đã quen với việc đi chợ theo ngày, giờ quy định trên tấm thẻ được phát. Cả người mua và người bán đều yên tâm hơn vì được mua - bán hàng hóa thiết yếu trong điều kiện an toàn hơn, hạn chế tập trung đông người, góp phần cùng thành phố phòng, chống tiến tới kiểm soát dịch bệnh.
Thẻ đi chợ được phát tới từng hộ gia đình.
Sáng nay đi chợ, chị Vũ Thanh Vân (ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) không quên mang theo thẻ vào chợ được tổ dân phố phát. Trước khi vào chợ, chị Vân khai báo y tế, đưa thẻ vào chợ, được nhân viên ban quản lý chợ đo thân nhiệt và sát khuẩn tay. “Do kiểm soát lượng người, chợ khá thông thoáng nên tôi rất yên tâm. Hàng hóa trong chợ dồi dào, giá ổn định như trước. Tôi rất đồng tình với cách làm mới này”, chị Vân nói.
Cũng như chị Vân, kể từ ngày 29-7, các hộ gia đình tại các phường của quận Long Biên đều được tổ dân phố phát thẻ đi chợ 2 ngày một lần. Thẻ dành cho 1 người, yêu cầu điền đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại của người đi chợ nhằm phục vụ điều tra dịch tễ khi cần, đồng thời không quên nhắc nhở thực hiện các biện pháp phòng dịch khi mua sắm.
Người dân tới chợ Gia Lâm được thu thẻ vào chợ, đo thân nhiệt và xịt nước sát khuẩn.
Ghi nhận tại chợ Gia Lâm trong sáng 1-8, là ngày cuối tuần nên lượng người tới mua sắm đông hơn. Bà Phùng Thị Thanh Hà, cán bộ Ban quản lý chợ Gia Lâm cho biết, chợ nằm trong khu dân cư có 3 lối vào nên lực lượng chức năng của phường Ngọc Lâm tạm chốt chặn một lối, 2 lối còn lại tổ chức thành đường vào và đường ra nhằm bảo đảm giãn cách. “Từ ngày 29-7 đến nay, lực lượng liên ngành của phường và ban quản lý chợ chia làm 3 ca trực từ 5h tới 19h hằng ngày, kiểm soát chặt người ra vào chợ. Khi người trong chợ đã đông, chốt kiểm soát sẽ tạm dừng người vào chợ nhằm tránh tụ tập đông người”, bà Hà nói.
Bà Phạm Thị Trâm kinh doanh giò chả, thịt lợn tại chợ Gia Lâm cho biết, bà và các tiểu thương đều được xét nghiệm Covid-19 mới được vào bán hàng. “Từ hôm thực hiện đi chợ bằng thẻ, lượng hàng bán ra của nhà tôi vẫn ổn định như trước, người vào chợ không tập trung đông nên tôi bớt lo bị lây nhiễm bệnh”, bà Trâm chia sẻ.
Các quầy hàng trong chợ Gia Lâm dựng tấm chắn nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Còn ông Hoàng Đình Thanh, Trưởng Ban quản lý chợ số 2, quận Ba Đình cho biết, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND quận Ba Đình, các ban quản lý chợ đã liên hệ với UBND các phường thực hiện chỉ đạo của UBND quận triển khai việc phát phiếu và kiểm soát phiếu đi chợ cho người dân trên địa bàn từ 0h ngày 31-7. Ban quản lý chợ đã phối hợp với UBND phường lập các chốt ở cổng chợ để phân luồng, phân công lực lượng cán bộ, nhân viên bảo vệ kiểm tra thân nhiệt người dân vào chợ. Thẻ đi chợ quy định mỗi người được đi mua hàng một lần trong ngày, nộp thẻ cho ban quản lý để hỗ trợ việc truy vết khi cần thiết. Sau ngày đầu tiên phát thẻ đi chợ cho người dân, Ban Quản lý chợ sẽ tiếp tục phối hợp với UBND phường Thành Công điều tiết nhằm giãn cách số người đến chợ bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Ghi nhận của phóng viên tại chợ Thành Công, nhiều quầy hàng gắn tấm chắn nilon ngăn cách với người mua hàng, kẻ vạch giãn cách để tránh tiếp xúc trực tiếp. Các chợ đều thực hiện nghiêm chỉ bán hàng hóa thiết yếu, những quầy bán hàng không thiết yếu đã được yêu cầu tạm nghỉ kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Yến, chủ quầy hàng gia cầm tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), cho biết: "Trước khi đến chợ bán hàng, chúng tôi đã phải xét nghiệm Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, tôi rất ủng hộ việc cấp thẻ đi chợ theo khung giờ và ngày chẵn, lẻ để lưu lượng khách đến chợ không tập trung đông quá vào một thời điểm, bảo đảm an toàn cho cả người bán và người mua".
Ghi nhận tại các chợ Trung Hòa, Trung Kính (quận Cầu Giấy), Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), Phú Gia (quận Tây Hồ), Gia Lâm (quận Long Biên)…, ngoài phát thẻ đi chợ, việc gắn tấm kính chắn, chăng dây ngăn cách, đánh dấu vị trí xếp hàng khi mua… cũng được triển khai nhằm bảo đảm an toàn cho cả người bán, người mua. Nguồn hàng tại các chợ đều rất phong phú, giá cả ổn định. Công tác phòng dịch theo cách mới, thói quen đi chợ mùa dịch bằng thẻ đang được triển khai đồng bộ và được kỳ vọng góp phần cho công tác phòng dịch của thành phố.
Các tiểu thương tại chợ Bách Khoa bảo đảm an toàn phòng dịch bằng tấm chắn.
Trên thực tế, hệ thống chợ dân sinh đáp ứng gần 70% nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân Hà Nội. Do đó, cùng với việc nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, việc phát thẻ đi chợ cho người dân trong mùa dịch đã góp phần vừa bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch vừa duy trì hoạt động kinh doanh để phục vụ nhu cầu người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố Hà Nội, sau hơn một tuần thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định. Sở khuyến khích các địa phương triển khai việc cấp thẻ đi chợ cho người dân toàn thành phố để giảm tải lượng người đến khu vực tập trung đông người. Tuy nhiên, các đơn vị cần có kế hoạch chi tiết để triển khai được đồng bộ, thông suốt...
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.