Đi chợ thời điểm dịch bệnh
Câu hỏi 'Hôm nay ăn gì?' vốn luôn làm các bà nội trợ đau đầu, thì trong thời điểm dịch Covid- 19, việc nghĩ nên mua gì cho đầy đủ dinh dưỡng? Mua bao nhiêu để hạn chế tối đa việc ra đường mà vẫn đảm bảo chất lượng thực phẩm?... sẽ càng là câu hỏi khó tìm câu trả lời hơn.
Những ngày này, tại các chợ dân sinh, lượng người mua đã giảm đáng kể. Những con đường dẫn vào chợ vốn tấp nập cảnh người mua kẻ bán giờ cũng thưa dần. Thay vì đi chợ thường nhật, nhiều người chọn giải pháp đi chợ 1 lần cho khoảng 2 - 3 ngày, không phải là dự trữ thức ăn, nhưng để tiết kiệm thời gian và hạn chế đi đến nơi đông người. Từ ngày có dịch Covid - 19, chị Bùi Thị Lan, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) đã thay đổi hẳn thói quen đi chợ của mình. Chị Lan chia sẻ: Trước đây, bữa sáng gia đình tôi “tiện đâu ăn đấy”, chủ yếu là ra quán ăn nhanh rồi đến cơ quan, trưa cũng vậy, vì nhà cách xa cơ quan, nên tôi gọi đồ ăn online, rồi nghỉ ngơi tại nơi làm việc. Chiều tan sở, tôi tranh thủ ghé qua chợ gần nhà mua thực phẩm nấu bữa tối. Chỉ có dịp cuối tuần tôi mới tranh thủ đi chợ sớm mua đồ tươi. Nhưng bây giờ, để hạn chế tối đa phải đến nơi đông người, sáng sớm tôi cố gắng dậy sớm đi chợ mua thức ăn cho cả nhà, gồm cả đồ ăn sáng, đồng thời dự trữ thêm chút thịt, rau cho 2 - 3 ngày tiếp theo.
Mặc dù mua sắm online đang là xu hướng nhiều người lựa chọn trong thời điểm dịch, nhưng nhiều bà nội trợ vẫn thích tự tay lựa chọn các món đồ, nhất là thực phẩm tại siêu thị, chợ. Tuy nhiên, vì chợ, siêu thị tập trung đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nên việc nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Để đi chợ an toàn, các chị phải chuẩn bị chu đáo hơn như khẩu trang, nước rửa tay hoặc bao tay nilon để giảm bớt các tiếp xúc. Chị Mai Lan, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) chia sẻ: Tôi luôn phải lên danh sách mua những gì ngay ở nhà để việc đi chợ được nhanh chóng. Ngoài ra, tôi luôn đeo khẩu trang và mang bao tay mỗi lần ra chợ. Về đến nhà, tôi rửa tay với xà phòng ngay.
Thời điểm dịch bệnh kéo theo những khó khăn về kinh tế, các bà nội trợ phải thắt chặt chi tiêu, việc lên thực đơn ăn uống không được hoang phí như trước. Chị Trần Thùy Linh, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) chia sẻ: Dịch bệnh khiến cho công việc kinh doanh của chồng tôi bị ảnh hưởng, mọi chi tiêu sinh hoạt phải cân đối lại. Tôi cắt giảm những vật phẩm như quần áo, mỹ phẩm, giày dép… để tập trung cho các loại thực phẩm thiết yếu, chăm sóc sức khỏe cho gia đình. Ngoài ra, thời gian nghỉ dịch ở nhà nhiều, chị Linh cùng các con còn trực tiếp chế biến các món ăn cho gia đình tại nhà, chứ không mua sẵn thức ăn như trước, “việc này cũng giúp tôi tiết kiệm được khoản kha khá và mọi người trong gia đình cũng cảm thấy gắn bó với nhau nhiều hơn”, chị Trần Thùy Linh nhấn mạnh. Nhiều chị em chia sẻ, vì dịch bệnh, các trung tâm thể dục thể thao, gym, aerobic đóng cửa ngừng hoạt động, nên nguy cơ tăng cân rất cao. Chị em phải thay đổi thói quen ăn uống, tăng mua rau, củ, quả, hạn chế các thực phẩm giàu chất đạm. Nhiều chị em còn tranh thủ tự trồng rau sạch, chế biến các món ăn có tác dụng giảm cân, tăng sức đề kháng. Chị Dương Ngọc, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) được nhiều người biết đến thời gian gần đây nhờ kinh doanh các sản phẩm nước ép rau củ quả giảm cân, đẹp da và siro ho cho trẻ em từ thực phẩm tự nhiên. Chị Ngọc chia sẻ: Ban đầu tôi làm để phục vụ gia đình, rồi sau khi post lên facebook, nhiều người quan tâm hỏi mua. Riêng sản phẩm siro ho nấu từ các loại quất, hoa đu đủ, gừng, húng chanh, tỏi, lê… được nhiều người quan tâm tìm mua.
Thời điểm dịch bệnh khiến các thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân bị thay đổi. Thay vì la cà quán xá, tan giờ làm việc, mọi người đều nhanh chóng trở về nhà bên gia đình. Hy vọng khi dịch bệnh qua đi, mọi người vẫn giữ được cho mình và gia đình thói quen tốt về vệ sinh, ăn uống và rèn luyện sức khỏe, để có được sức đề kháng tốt trước bệnh tật.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/di-cho-thoi-diem-dich-benh-z3n20200402074720522.htm