'Đi chợ thuê'- cứu cánh cho các bà nội trợ trong thời gian dịch Covid-19
Sau Chỉ thị của Chính phủ về việc triển khai biện pháp cách ly toàn xã hội nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người dân được yêu cầu hạn chế tối đa ra đường…Để giảm thiểu việc đi lại cũng như hạn chế đến những nơi đông người như chợ, siêu thị, nhiều bà nội trợ ngay lập tức đã chuyển sang sử dụng dịch vụ 'đi chợ thuê' – dịch vụ tích hợp đang được nhiều hãng xe công nghệ triển khai mạnh mẽ trong mùa dịch và trở thành 'cứu cánh' cho các bà nội trợ.
Xe công nghệ chạy đua “đi chợ thuê”
Thực tế, không phải đến thời điểm này dịch vụ “đi chợ thuê” mới được các bà nội trợ quan tâm. Năm 2017 tại Việt Nam, Now.vn dựa trên nền tảng mạng xã hội chuyên kết nối cộng đồng ẩm thực đánh giá về địa điểm, quán ăn đã chính thức lấn sân sang mảng giao nhận thực phẩm với tên gọi Now.vn Grocery (tên cũ MarketNow), đồng thời mở ra một bước tiến mới về việc ứng dụng công nghệ trong việc giao nhận đồ ăn, phục vụ nhu cầu khách hàng tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, thời điểm này khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc hạn chế tiếp xúc, hạn chế đến nơi đông người và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Do đó, việc “đi chợ thuê”, thanh toán qua ứng dụng Banking, ví điện tử Momo…đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thay vì phải đi đến siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm, người dùng chỉ cần mở ứng dụng, lựa chọn món hàng cần mua và thanh toán, thực phẩm sẽ được giao tới tận nhà.
Nắm bắt được tâm lý này, những “ông lớn” trong ngành xe công nghệ như Grab, Be, Goviet nhanh chóng tung ra các ứng dụng mới nhắm thu hút khách hàng. Cụ thể, với Grab, sau thời điểm triển khai dịch vụ GrabFood tại tất cả các tỉnh, thành phố (trừ Đà Nẵng), thì mới đây hãng này đã tung ra thử nghiệm dịch vụ GrabMart cho người dùng tại TP. Hồ Chí Minh và GrabAssistant (dịch vụ mua hộ hàng hóa, giao nhanh 1 giờ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng); giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau, củ, quả từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Khi người dùng tick chọn mua đơn hàng sẽ gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của siêu thị, các tài xế nhận đơn hàng chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, nhận hàng và giao hàng.
Cũng như Grab, 2 hãng xe công nghệ là Goviet và Be cũng không nằm ngoài cuộc đua “đi chợ”, với GoViet hiện hãng này vẫn duy trì hoạt động “đi chợ” giúp các bà nội trợ bằng dịch vụ giao nhận thực phẩm GoFood và giao nhận hàng hóa GoSend. Trong khi đó, hãng xe công nghệ Be cũng đang triển khai dịch vụ Be đi chợ và BeDelivery bình thường trong thời gian dịch bệnh, đồng thời các dịch vụ luôn đảm bảo việc tuân thủ nghiêm những khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ tốt cho bản thân và cộng đồng trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
“Cứu cánh” cho các bà nội trợ
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg về việc cách ly xã hội, từ 2/4 đến hết 15/4, các hãng xe công nghệ tại Hà Nội tạm dừng cung cấp dịch vụ hành khách qua ứng dụng, tuy nhiên, dịch vụ giao nhận thực phẩm và giao hàng chuyển phát vẫn được triển khai. Đây thực sự là tin vui cho các bà nội trở, bởi từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dịch vụ “đi chợ thuê” từ các hãng xe công nghệ đã trở thành cứu cánh cho họ trong mùa dịch.
Chị Thùy Vân ở chung cư D22 Bộ Tư lệnh Biên phòng (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết, chị là người thường xuyên sử dụng dịch vụ “đi chợ thuê” của Grab hay Goviet bởi sự tiện ích, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh thì việc ứng dụng dịch vụ này lại càng được chị Vân áp dụng triệt để. Theo chị Vân, việc sử dụng các ứng dụng này không chỉ giúp chị mua được các sản phẩm sạch, an toàn, mà còn giúp hạn chế được việc đến các chỗ đông người.
“Các ứng dụng này hiện nay rất nhiều, việc thanh toán cũng đơn giản hơn trước. Trong khi đó, nhiều hãng xe công nghệ còn áp dụng các biện pháp an toàn trong việc phòng, chống Covid-19 cho khách hàng như: Giao hàng tận nhà, giữ khoảng cách giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt…Đặc biệt trong những ngày cách ly như thế này, nếu không có dịch vụ “đi chợ thuê” từ các hãng xe công nghệ, chắc chắn nhiều gia đình sẽ gặp khó”, chị Vân cho hay.
Cũng giống như chị Vân, chị Hải Yến ở khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho biết, mặt tốt nhất của dịch vụ đi chợ thuê là việc khách hàng không cần đến những nơi công cộng đông người như chợ, siêu thị để mua sắm, do đó hạn chế được việc ra đường, nâng cao phòng, chống dịch bệnh trong thời điểm này. “Chỉ cần ngồi nhà, dùng điện thoại chọn đồ, chọn giờ giao hàng là hoàn tất, đến giờ hẹn sẽ có nhân viên đến giao tận nhà. Dù không được cầm đồ lên chọn như mua trực tiếp, nhưng tôi thấy an tâm về chất lượng và quan trọng nhất là hạn chế phải ra ngoài”, chị Hải Yến nói.
Tiện ích là vậy, tuy nhiên theo các bà nội trợ, việc giao hàng hiện nay vẫn chưa được đúng hẹn và chậm trễ hơn theo lịch hẹn. Lý giải về điều này nhiều người cho rằng, nguyên nhân một phần là do nhu cầu tăng đột biến của những người mua hàng trực tuyến, mặt khác là do sự lo lắng về tình hình dịch bệnh nên nhiều tài xế công nghệ đã nghỉ việc nên nguôn nhân lực giao hàng bị thiết hụt.
Khó khăn là điều khó tránh khỏi trong thời gian dịch bệnh, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 đã tác động tâm lý và thay đổi thói quen của người tiêu dùng là hạn chế mua sắm nơi công cộng, ăn uống ngoài do lo ngại dịch lây lan. Đặc biệt, chằm hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện Bộ đang nỗ lực xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA-Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu. Cùng đó, thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Bộ cũng đang thực hiện kết nối với các Tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới để tạp thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiên dùng tiếp cận với thương mại điện tử và chắc chắn trong tương lai thương mại điện tử sẽ giúp ích rất nhiều cho người tiêu dùng, trong đó có cả các bà nội trợ.