Đi chợ với bà

Tờ mờ sáng, khi con gà trống trong chuồng vừa cất tiếng gáy, tôi đã bật dậy. Thấy tôi loạt soạt quờ chân xuống nền nhà tìm dép, mẹ nhỏm dậy hỏi: 'Sao hôm nay con dậy sớm thế?'. 'Con dậy đi chợ Phủ với bà nội, mẹ ạ! Bà hẹn hôm nay cho con đi cùng'. 'Ừ, hôm qua bà nói mà mẹ quên mất'.

Tôi khẽ nhấc cái then cửa, lách ra ngoài. Con Mực thấy cậu chủ dậy sớm hơn thường lệ có vẻ ngạc nhiên, đứng ngẩn ra một lúc rồi mới quẫy đuôi đòi chạy theo. Lúc tôi lên nhà, bà đã xếp xong đồ trong hai chiếc thúng. Trong bóng tối nhập nhoạng, tôi liếc thấy chiếc thúng thứ nhất có mấy nải chuối màu xanh sẫm được xếp ngay ngắn. Chiếc kia, tôi vừa động vào thì nghe thấy tiếng kêu cùng cục, chắc là tiếng của con gà trống. Mấy hôm nay, bà kêu nó ăn tốn ngô mà chả chịu lớn nên đem bán. Bà lấy chiếc túi vải được quấn chặt miệng, bỏ tiền ra đếm, rồi quấn ngược lại, nhét vào cạp quần, nói nhỏ: "Bà cháu mình đi thôi".

Dù đã tỉnh ngủ nhưng có lẽ do chưa dậy sớm bao giờ nên tôi thấy chân mình cứ chòng chành, bước cao bước thấp. Trước mặt tôi là dáng bà thâm thấp, lưng hơi còng, thoăn thoắt những bước quẩy đôi thúng trên vai. Sau mấy lần vấp chân vào gạch đau điếng, trời loang loáng mặt người, hai bà cháu tôi cũng đến được chợ. Từ xa, tôi đã nghe thấy nhiều thứ âm thanh hỗn tạp. Tiếng của gà, vịt quang quác. Tiếng mặc cả, thêm bớt, cò kè. Tiếng tranh giành chỗ của người bán hàng...

Trong ánh sáng vàng vọt của những chiếc đèn măng-xông treo cao, tôi bám vào dây quang gánh, đi theo bà vào khu bán chuối. Bà vừa xếp chuối ra bày vừa chép miệng: "Mình đi sớm thế mà vẫn có người đến sớm hơn". Đặt xong mấy nải chuối ra chiếc áo tơi, bà bảo tôi: "Cháu ở đây trông, bà mang con gà trống này ra chỗ kia bán trước. Nếu có ai hỏi mua thì bảo họ chờ, rồi chạy ra gọi bà nhé". Tôi thấy hơi sợ sợ, nhưng cứ gật đầu vâng dạ cho bà yên tâm.

Chỉ lát sau, trời đã sáng tỏ mặt người. Những dãy hàng chuối đủ các loại, được chở từ các hướng xếp kéo dài về phía tay phải của tôi. Khách mua chuối cũng lác đác tìm đến. Hôm nay là ngày rằm nên người ta mua chuối về thắp hương. Tôi bắt đầu hồi hộp, lo lắng vì sợ khách đến hỏi mua hàng mà không biết trả lời sao. Đang hoang mang thì bà về, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Bà cười khoe: "May quá, gặp khách, bán được giá cháu ạ!". Rồi bà lần trong túi áo, móc ra đưa cho tôi mấy chiếc bánh rán nóng: "Ăn đi cháu. Cháu là đích tôn, sau này cả nhà mình trông chờ vào cháu đấy". Lúc đó, tôi chẳng hiểu “đích tôn” là gì, oai phong cỡ nào, vừa cảm ơn bà vừa cầm chiếc bánh đưa lên miệng cắn ngấu nghiến. Những hạt đường ngọt lịm bé li ti dính vào mép. Nhân bánh có vị đậu xanh, vừa bùi, vừa ngọt cứ quyện mãi ở đầu lưỡi...

Ăn hết gói bánh, quay ra đã thấy bà bán xong nải chuối cuối cùng. Vừa đếm lại tiền, bà vừa cười, nói: "May có thằng cháu vía tốt đi cùng nên bà bán đắt hàng, vèo cái hết. Giờ bà cháu mình đi mua mấy thứ về thắp hương nữa là xong. À, cháu thích truyện gì, lát bà mua cho một quyển. Hết nghỉ hè năm nay là lên cấp 2 rồi nhỉ? Phải cố học cháu nhé. Cháu là đích tôn nên càng phải cố hơn các em, nhớ chưa?".

Mới đó mà đã hơn hai chục năm trôi qua. Tiếng bà dặn ngày nào còn văng vẳng bên tai tôi, vậy mà bà tôi mất đã được năm lần giỗ. Mỗi lần nhớ bà, kỷ niệm về lần đi chợ hồi nhỏ lại ăm ắp ùa về...

CHIẾN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/di-cho-voi-ba-635971