Đi chơi ngày nghỉ lễ: chờ 2 tiếng để được ăn… cơm trưa
Mệt nhoài vì đưa bọn trẻ đi chơi ngày nghỉ lễ, chị Bích cho biết, dù nghỉ có 1 ngày nhưng chị cũng muốn cho bọn trẻ ra ngoài để hạn chế tivi, điện thoại. Tuy nhiên, các điểm chơi ở Hà Nội hiện đang rất yếu về khâu dịch vụ.
Chờ 2 tiếng để được ăn… cơm trưa
Từ sáng, thấy trời ngớt mưa, chị Nguyễn Bích (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lái xe đưa 2 đứa nhỏ lên Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) để chơi trong ngày Giỗ Tổ. Sở dĩ mặc dù có 1 ngày nghỉ, nhưng chị vẫn đưa các cháu đi chơi bởi lẽ đã sắp đến kỳ thi của con. Hơn nữa, chị cũng muốn tạo điều kiện cho lũ trẻ lang thang ngoài trời, khám phá và quan trọng hơn là tránh xa màn hình tivi, điện thoại.
Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam ngày Giỗ Tổ thu hút lượng khách khá đông. Theo thông tin trước đó, trong ngày Giỗ tổ (18/4), Làng sẽ có một số các hoạt động văn hóa như giới thiệu sắc màu văn hóa cao nguyên Đắk Lắk; không gian trình diễn cà phê Tây Nguyên, trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng và nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm… cùng nhiều hoạt động khác.
“Hiếm có địa điểm vui chơi, du lịch nào ở Hà Nội có không gian rộng như Làng Văn hóa. Đồng thời với sự đầu tư khá công phu khi đưa đủ 54 dân tộc cùng với đồng bào về tề tựu ở khu vực này tưởng rằng hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn không chỉ với lũ trẻ” – theo chị Bích.
Việc lũ trẻ háo hức, tò mò bước lên những bậc thang gỗ để lên khám phá các nhà người Tày, Nùng… hoặc ngắm nghía những mái nhà Rông cao vút của đồng bào Tây Nguyên là điều dễ nhận thấy khi đưa bọn trẻ đi chơi nơi đây. Cùng với đó, giọng hát cao vút, những vũ điệu của dân tộc Tây Nguyên, dân tộc Thái… do chính những người dân đang sống ở Làng biểu diễn cũng hút sự chú ý của không ít bạn trẻ.
Với mong muốn được khám phá và trải nghiệm kỹ, nên buổi trưa từ gợi ý của người lái xe điện, chị Bích có đến khu nhà của người dân tộc để đặt cơm. Bởi theo chị Bích, ngoài việc đặt cơm ở các nhà người dân tộc thì ở đây không có điểm dịch vụ phục vụ ăn uống như ở bên ngoài.
“Ăn cơm do chính các đồng bào dân tộc nấu thì cũng thú vị. Bởi mình sẽ được ăn theo khẩu vị, cách chế biến của họ. Đó cũng là một điểm đáng để khám phá. Thế nhưng rồi mọi chuyện cũng không được suôn sẻ, bởi từ khi đến nhà họ, đặt cơm cho đến khi được ăn tôi và bọn trẻ phải chờ đến… 2 giờ đồng hồ” – chị Bích nói.
Chị cho biết, không riêng gì chị, tất cả những người khách hôm nay có mặt tại nơi đây, cũng đặt ăn trưa như nhà chị cũng phải chờ đợi thời gian lâu y như nhà chị. “Chờ 2 tiếng đồng hồ để được ăn những món đơn giản như gà luộc, miến và xôi thì quả thật đó là thời gian quá lâu. Hơn nữa, nếu như đã xác định đây là một địa điểm du lịch thì đáng lẽ những dịch vụ ấy phải chuyên nghiệp hơn chứ” – chị Bích nêu quan điểm.
Theo chị, đó cũng là điểm trừ của nơi này. “Nó khiến người ta mỗi lần tính chuyện đến đây sẽ cân nhắc. Bởi cả một khu rộng thế này mà đi 2, 3 tiếng thì không đủ. Còn dài hơn thì phải tính đến ăn uống. Dịch vụ kém tất yếu sẽ khiến người ta nghĩ đến các địa điểm khác…”
Nơi nào cũng đông đúc, ken người
Không đưa con đi chơi xa, chị Trần Thị Loan (quận Long Biên, Hà Nội) đưa con đến 1 trung tâm thương mại ở gần nơi mình ở để cho con xả hơi trong ngày nghỉ lễ. “Cũng lường trước là sẽ đông, nhưng do không còn điểm nào thuận lợi hơn nên tôi vẫn đưa con đến đây. Hy vọng bọn trẻ sẽ được ăn, chơi thỏa thích” – chị Loan nói.
Thế nhưng theo chị, ngày nghỉ không đưa con đi chơi thì thấy tội con, nhưng đưa con đi thì… tội mình. Không biết lũ trẻ có khó chịu khi thấy khu vui chơi chúng yêu thích quá đông đúc hay không, nhưng riêng bố mẹ thì nhiều khi là… cực hình.
“Cứ rời mắt là không thấy con đâu. Lượng trẻ con đông, lại tập trung ở một khoảng không gian hạn chế nên việc quan sát bọn trẻ cũng không dễ dàng” – bên cạnh đó, theo chị Loan, lượng người đông đúc đổ dồn về một trung tâm thương mại cũng khiến các dịch vụ như ăn uống quá tải. Chính vậy nên cách phục vụ cũng không còn chu đáo, khiến thực khách hài lòng như mọi ngày.
Cũng có mặt trong Công viên Thủ Lệ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, chị Trần Thanh Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, lượng người hôm nay lựa chọn địa điểm này đi chơi cũng đông.
“Ngoài việc nhìn ngắm, khám phá động vật ở công viên thì các dịch vụ ở công viên cũng không quá hấp dẫn. Nhưng may mắn là công viên này nằm ngay trong lòng thành phố nên việc ăn uống cũng không đến nỗi quá vất vả”- chị Hà nói.
Không đưa con đi chơi vào ngày này, anh Nguyễn Hoàng Long (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh rất ngại đưa con đi chơi ngày nghỉ lễ.
“Chỗ chơi ở Hà Nội không có nhiều, thường sẽ chỉ dồn vào một số địa điểm. Việc lượng người dồn quá đông sẽ khiến các địa điểm ấy “vỡ trận”, dĩ nhiên các dịch vụ sẽ không còn hoàn hảo, thậm chí sẽ gây khó chịu cho người tiêu dùng. Thế nên mặc dù bọn trẻ con nhà tôi cũng háo hức muốn đi, nhưng tôi vẫn chọn cách ở nhà và dành nhiều thời gian chơi với chúng hơn là đưa đi đâu đó” – anh Long nói.
Anh cũng chia sẻ, đợt cuối tuần mới đây anh có đưa lũ trẻ nhà anh đi chơi ở Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). “Vì cuối tuần nên ở đây cũng tổ chức phố đi bộ. Nhưng con phố đi bộ ở đây ngắn, không nhiều không gian. Còn vào công viên thì trò chơi không nhiều, lại cũ kỹ, không được sửa sang, làm mới nên không hấp dẫn lũ trẻ” – anh cho biết.
Theo anh, nhìn từ thực tế những chuyến đi chơi trong thành phố những ngày nghỉ lễ cũng sẽ dễ lý giải tại sao các kỳ nghỉ dài ngày người dân cứ lao đi du lịch.
“Dĩ nhiên, các điểm du lịch trong những ngày nghỉ lễ cũng luôn trong tình trạng ken người. Nhưng có lẽ việc đổi sang một không gian khác khiến người ta… dễ chấp nhận hơn. Chưa khi nào tôi thấy, việc “tiêu tiền” ngày nghỉ lễ lại khiến người ta… vất vả như thế” – anh hài hước.