Đi chùa nơi xứ người
Do covid, chùa trở thành điểm hẹn của người Việt xa xứ. Chùa luôn mở rộng cửa đón tất cả. Đến đây thấy một không khí quê hương, gia đình đầm ấm.
Do điều kiện của cộng đồng và những quy định khá khắt khe của thành phố, một số chùa do phật tử tự quyên góp tạo một nơi gặp gỡ và thờ cúng như chùa Linh Phong ở Lausane (Thụy Sĩ). Chùa đơn giản, chỉ là ngôi nhà riêng sửa lại bên trong, từ xa rất khó nhận. Chùa hòa lẫn vào tất cả các ngôi nhà khác. Chùa ở một số nơi như ở Pháp, Đức, Ba Lan do cộng đồng người Việt mạnh, chùa có kiến trúc Việt hoành tráng như chùa Trúc Lâm, Khánh Anh, chùa Linh Sơn ở Pháp. Tuy nhiên trong khuôn viên nhỏ cũng đặt tượng Phật và những chậu tre lớn. Chùa Linh Phong không có tiếng chuông ngân, chỉ có tiếng gõ mõ cầu kinh đều đều nhẹ nhàng giữa mùa đông lạnh giá.
Đi chùa hái lộc trở thành phong tục đầu năm của người Việt dù ở nơi đâu trên quả địa cầu. Niềm tin vào Phật phù hộ. Dù trời lạnh, một số gia đình vẫn đưa con đến chùa thắp hương. Ghé thăm chùa Linh Phong (Thụy Sĩ), dù chẳng quen ai, đều được mọi người chào đón vui vẻ như gia đình. Chùa phát lộc, cho sớ... Quê hương như thấp thoáng đâu đây.
Để xoa dịu đi những vất vả, khó khăn, cộng đồng người Việt xa quê khá quan tâm đến đời sống tâm linh. Những ngôi chùa còn nghèo đơn giản mà ấm tình đồng hương Việt như chùa Linh Phong (Thụy Sĩ), chùa Nhân Hòa ở Ba Lan.
Chùa nơi xa xứ là nơi nhiều người gửi tro cốt hay ảnh người thân khi chưa có điều kiện đưa được về quê hương.
Chùa còn là nơi gặp gỡ để nói tiếng Việt, giới thiệu ẩm thực chay đang được nhiều người châu Âu ưa chuộng hơn các món ăn nhanh nhiều mỡ gây bèo phì. Các phật tử đến đây dạy nhau làm món ăn chay. Do dịch dã, điều kiện nhập nguyên vật liệu khó, nhiều đầu bếp không chuyên đã sáng chế những món ăn hồn Việt bằng nguyên liệu có sẵn ở bản xứ như táo, khoai tây, mận, đào...
Chùa cũng là nơi dạy nghi lễ dân tộc và dạy tiếng Việt. Những đứa trẻ theo cha mẹ đến chùa học được cách chào lễ phép của Việt Nam. Có cháu còn đọc lá quẻ với nhiều từ gốc Hán khá thạo nhưng không rõ nghĩa. Những câu hỏi tưởng ngây ngô nhưng để giải thích không phải đơn giản : Tại sao tượng Phật màu vàng/ vàng thật hay vàng giả/Thế lỡ đánh vỡ có sao không/ Ai lấy trộm thì có bị sao không... Phật từ bi luôn tha thứ, vấn đề mình biết sai thì xin lỗi và sửa tức là tu nhân tích đức vậy... Sư thầy thạo tiếng Pháp đã giảng từ từ nhẹ nhàng cho trẻ. Trẻ em đến chùa khám phá ra thế giới văn hóa của ông bà cha mẹ...
Nhiều chùa tân tiến, tổ chức văn nghệ cho cộng đồng như chùa Linh Sơn ở Pháp.
Do hoàn cảnh địa lý, khí hậu, công việc, nhiều khi các buổi lễ phải đổi ngày và lệch giờ cho phù hợp để các Phật tử đỡ vất vả. Chùa cách xa thành phố việc di chuyển sau những ngày làm việc không đơn giản, nên họ ghé lại bất kỳ lúc nào chùa đều rộng mở. Chút hương khói, tiếng mõ chiều đều đều như tâm hồn quê hương phảng phất. Tuy nhiên do COVID-19, việc đón tiếp đôi khi cũng hạn chế theo quy định của thành phố.
Dù ở đâu người Việt nói chung đều nỗ lực, sáng tạo. Chùa chỉ là nơi gặp gỡ trao đổi. Tu đích thực là ở đâu, làm việc gì cũng tu nhân tích đức, tu trong chính tim mình.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/di-chua-noi-xu-nguoi-post1417471.tpo