Di chúc được lập bởi người bị hạn chế về thể chất có hiệu lực không?

*Bạn đọc hỏi: anh Minh Ngọc trú tại Q.Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), hỏi: Cha tôi mất vào năm 2003. Cha mẹ tôi có 2 người con là tôi và em trai tôi, cả hai anh em tôi đều đã yên bề gia thất. Vào năm 2013, mẹ tôi mua một căn nhà và đã được cấp sổ đỏ đứng tên bà. Đến năm 2021, mẹ tôi đã lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất của bà cho cháu nội đích tôn là con trai tôi. Tại thời điểm lập di chúc, mẹ tôi vẫn còn rất minh mẫn nhưng bị mù, không nhìn thấy gì nên bà đã nhờ người hàng xóm viết giúp một bản di chúc và việc lập di chúc này có 4 thành viên trong gia đình người hàng xóm cùng làm chứng. Vào tháng 8/2024, mẹ tôi mất. Hiện tại, tôi muốn làm thủ tục thừa kế tài sản của mẹ sang cho con trai tôi như ý nguyện của bà. Vậy cho tôi hỏi di chúc do mẹ tôi để lại có hợp pháp không? Con tôi cần phải làm gì để nhận được di sản của mẹ tôi?

Luật sư Phan Thụy Khanh tư vấn cho khách hàng lập di chúc.

Luật sư Phan Thụy Khanh tư vấn cho khách hàng lập di chúc.

*Luật sư Phan Thụy Khanh - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners trả lời:

Quyền lập di chúc định đoạt tài sản của cá nhân sau khi chết là một trong những quyền cơ bản được pháp luật công nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, với một số đối tượng, điển hình như những người bị hạn chế về thể chất, ngoài những quy định chung, pháp luật còn quy định thêm một số điều khoản cụ thể nhằm đảm bảo ý nguyện của họ được hợp pháp. Điều này thể hiện tính nhân văn của pháp luật nhằm bảo vệ những người tuy bị hạn chế về thể chất nhưng tinh thần minh mẫn, sáng suốt và hoàn toàn tự nguyện về ý chí trong việc lập di chúc.

Trên phương diện pháp lý thì người bị hạn chế về thể chất được hiểu ra sao?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người bị hạn chế về thể chất có thể được hiểu là người có một hoặc một số các đặc điểm về thể chất làm cho họ bị hạn chế hoặc suy giảm các chức năng so với người bình thường như người bị câm, điếc, mù… làm cho họ không có khả năng để thực hiện một số việc nhất định như nghe, nói, viết… Vì những hạn chế này cho nên pháp luật có quy định những điều kiện cụ thể đối với việc lập di chúc của người bị hạn chế về thể chất nhằm đảm bảo di chúc của họ được thực hiện đúng theo ý nguyện của họ. Nếu di chúc của người bị hạn chế về thể chất lập không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì di chúc sẽ không hợp pháp, không có giá trị pháp lý.

Thứ nhất, di chúc mẹ anh Ngọc để lại cho con anh có hợp pháp không?

Căn cứ quy định tại Điều 624 và Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho người khác - bất kể là người này trong hoặc ngoài gia đình, dòng họ. Theo đó, mẹ anh Ngọc lập di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho cháu nội đích tôn là thể hiện ý chí cá nhân của bà được pháp luật tôn trọng. Tuy nhiên, để di chúc có giá trị pháp lý thì buộc phải đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực”.

Theo thông tin anh Ngọc cung cấp, tại thời điểm mẹ anh lập di chúc, bà tuy minh mẫn, sáng suốt nhưng bị mù, không nhìn thấy gì nên đã nhờ người hàng xóm viết giúp và làm chứng. Có thể thấy, mẹ anh Ngọc thuộc trường hợp người bị hạn chế về thể chất quy định tại Khoản 3 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên. Theo đó, di chúc của người bị hạn chế về thể chất phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Ở đây, di chúc của mẹ anh Ngọc có 4 thành viên trong gia đình người hàng xóm làm chứng nhưng không có công chứng hoặc chứng thực; nghĩa là không đảm bảo quy định pháp luật để di chúc có hiệu lực.

Như vậy, mặc dù tại thời điểm lập di chúc, mẹ anh Ngọc vẫn minh mẫn, sáng suốt và hoàn toàn chủ động, tự nguyện thực hiện việc lập di chúc nhưng do di chúc không được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật nên di chúc của mẹ anh để lại tài sản cho con trai anh là không hợp pháp, không có giá trị pháp lý.

Thứ hai, giải quyết như thế nào khi di chúc của mẹ anh Ngọc để lại không hợp pháp?

Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, khi di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ được phân chia theo pháp luật. Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo quy định nêu trên, các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ anh Ngọc gồm ông bà ngoại của anh Ngọc, anh Ngọc và em trai. Anh Ngọc không cung cấp thông tin về ông bà ngoại của mình nên tạm xem như hàng thừa kế thứ nhất hiện nay gồm anh Ngọc và em trai. Nhà đất của mẹ anh để lại sẽ được phân chia thành 2 phần bằng nhau, anh Ngọc và em trai mỗi người sẽ được chia 1/2 nhà, đất. Còn về con anh (cháu nội đích tôn của bà) thuộc hàng thừa kế thứ hai nên không được hưởng phần di sản mẹ anh để lại do hàng thừa kế thứ nhất (anh Ngọc và em trai anh) còn sống.

Vấn đề đặt ra ở đây là: chia di sản theo pháp luật thì đúng quy định nhưng không đúng ý nguyện của mẹ anh Ngọc; chia theo di chúc thì không thể thực hiện được vì di chúc không hợp pháp về mặt hình thức như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, trên phương diện tập quán và văn hóa người Việt, di chúc là ý nguyện của người đã mất mong muốn người còn sống thực hiện, nếu ý nguyện đó hợp đạo đức, không trái pháp luật và thuận với gia đình thì người thân nên tìm cách thực hiện. Ngoài ra, theo truyền thống của người Việt Nam, cháu đích tôn là người phải chịu nhiều trách nhiệm không chỉ đối với gia đình mà còn cả dòng họ, như nối dõi tông đường, là trụ cột gánh vác phần lớn công việc chung của gia đình, dòng tộc như thờ cúng ông bà tổ tiên, thực hiện các nghi lễ văn hóa của gia đình và dòng họ… Có thể lúc mẹ anh Ngọc còn sống đã suy nghĩ rất kỹ về vấn đề này nên quyết định để lại toàn bộ tài sản cho cháu nội đích tôn. Cho nên, anh Ngọc và em trai nên ngồi lại nói chuyện với nhau về ý nguyện của mẹ và tìm cách giải quyết hợp tình hợp lý để vừa có thể thực hiện được di nguyện của mẹ vừa giữ được tình cảm gia đình. Anh Ngọc có thể tham khảo 3 tình huống sau:

Trường hợp 1: Thống nhất thực hiện đúng di nguyện của mẹ là để lại cho cháu đích tôn: anh Ngọc và em trai thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, tiếp đến là thủ tục tặng cho toàn bộ phần di sản mà mình được hưởng cho con trai anh Ngọc. Các thủ tục này được thực hiện tại văn phòng công chứng. Sau khi ký hợp đồng tặng cho xong, con trai anh Ngọc làm thủ tục đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai Q.Liên Chiểu.

Trường hợp 2: Em trai anh Ngọc không đồng ý tặng cho phần của anh ấy cho con trai anh Ngọc, anh Ngọc có thể thỏa thuận giá trị tương đương 1/2 di sản để thối trả bằng tiền cho em trai. Sau đó hai anh em thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng. Anh Ngọc sau đó làm thủ tục đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai và ký hợp đồng tặng cho toàn bộ di sản này cho con trai anh.

Trường hợp 3: Nếu anh Ngọc và em trai không thỏa thuận được với nhau về việc phân chia di sản, anh Ngọc có thể thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền tại nơi em anh đang cư trú để yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp này, việc mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến quan hệ anh em, gia đình là không thể tránh khỏi, thậm chí có khi còn ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Tôn trọng và thực hiện ý nguyện của mẹ là điều cần thiết nhưng tình cảm gia đình cũng quan trọng không kém. Do vậy, anh Ngọc nên cân nhắc kỹ để lựa chọn phương án hợp tình hợp lý. Trường hợp cần thiết, có thể tham vấn luật sư để được tư vấn một cách hiệu quả nhất.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/di-chuc-duoc-lap-boi-nguoi-bi-han-che-ve-the-chat-co-hieu-luc-khong-post307501.html