Di chúc phân chia tài sản cần có công chứng hoặc chứng thực

Bạn đọc hỏi: Tôi năm nay 75 tuổi và còn minh mẫn, khỏe mạnh. Cũng chính vì thế mà tôi muốn lập di chúc phân chia tài sản cho con, cháu để sau này đỡ xảy ra mất đoàn kết. Xin hỏi luật sư, bản di chúc này nên để ở đâu, giao cho ai cất giữ và việc công bố di chúc như thế nào? Nguyễn Văn Đại (Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh, Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh, Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Luật sư trả lời: Theo quy định tại Điều 641- BLDS 2015, người lập di chúc tự mình lưu giữ, quản lý di chúc hoặc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác lưu giữ bản di chúc. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về công chứng.

Về vấn đề công bố di chúc, theo quy định tại Điều 647 - BLDS 2015, trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc. Nếu người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc. Trường hợp người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại sẽ phải thỏa thuận cử người công bố di chúc. Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc...

Khi lập di chúc nên công chứng hoặc chứng thực tại UBND phường xã để làm chứng. Ảnh minh họa

Khi lập di chúc nên công chứng hoặc chứng thực tại UBND phường xã để làm chứng. Ảnh minh họa

Xin lưu ý thêm với ông là khi lập di chúc nên công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường nơi người để lại di sản sinh sống hoặc nếu không công chứng, chứng thực thì phải có người không liên quan đến tài sản thừa kế làm chứng. Bởi lẽ mặc dù Bộ luật Dân sự vẫn coi di chúc miệng, di chúc không có người làm chứng là hợp lệ nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định, song trên thực tế khi có tranh chấp xảy ra thì việc chứng minh di chúc miệng, di chúc không có người làm chứng là di chúc hợp lệ rất khó khăn. Từ đó, dẫn đến tình trạng ý chí phân chia di sản của ông có thể sẽ không được công nhận... Chẳng hạn, ông lập di chúc viết tay mà không có người làm chứng. Sau này, nếu người khác cho rằng di chúc đó không phải do ông viết ra và cũng không còn bút tích nào khác của ông để lại thì sẽ rất khó chứng minh tính hợp pháp của bản di chúc.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/di-chuc-phan-chia-tai-san-can-co-cong-chung-hoac-chung-thuc/859310.antd