Di chứng của cháy rừng
Tôi cứ ám ảnh với hình ảnh người con gái đi làm ăn xa, khi trở về ngã khuỵu bên chiếc quan tài người mẹ, nhìn đất nhìn trời vô vọng.
Mẹ của người con gái đó là bà Nguyễn Thị Hoa, nạn nhân của vụ cháy rừng cuối tháng 6 vừa qua ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Sáng 30/6/2019, khi những đám cháy rừng bùng lên, con trai bà Hoa cùng người dân địa phương đã lao vào dập lửa cứu rừng. Bà Hoa tình nguyện mang nước uống tới rồi cùng giúp sức mọi người. Nhưng ngọn lửa tàn ác, vô tri đã cướp đi mạng sống của bà.
Tôi cảm nhận được nỗi đau tột cùng của một người con khi phải mất mẹ, nhưng cũng trào dâng nỗi phẫn uất về hành động thiếu ý thức, mà có thể ví đó như là một tội ác của những kẻ gây ra thảm họa cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Hành động đó không chỉ gây ra nỗi mất mát không thể bù đắp cho gia đình bà Hoa, mà còn để lại hậu quả nặng nề, dai dẳng cho xã hội. Mỗi thảm rừng trơ trụi vì lửa thiêu, như một vết cứa vào lá phổi xanh của con người. Không chỉ tài nguyên rừng bị tàn phá, mà bao sản phẩm quý giá từ rừng cũng cạn kiệt theo vì cháy rừng
Chưa bao giờ, hình ảnh những cánh rừng cháy dai dằng, từ ngày này qua ngày khác, từ địa bàn này sang địa bàn khác khiến chúng ta quặn lòng đến thế. Càng xót xa hơn, khi một trong số những vụ cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh được xác định là do con người hút thuốc lá và đốt rác. Lý do thật khó tưởng tượng, nhưng nó lại là một sự thật nghiệt ngã: nhiều cánh rừng tồn tại hàng chục năm bỗng chốc bị hủy hoại, nguồn sống của biết bao gia đình đã bị cuốn theo ngọn lửa. Đau lòng hơn, nó đã cướp đi mạng sống của những con người bằng xương bằng thịt, gây nỗi đau dai dẳng cho gia đình và người thân của họ.
Thử đặt câu hỏi: Liên tiếp những vụ cháy rừng xảy ra vừa qua, những ai đã thật sự quan tâm tới di chứng do mất rừng, cháy rừng để lại?
Ai cũng hiểu rừng là lá phổi xanh giúp con người chống lại hiệu ứng nhà kính, cân bằng lại môi trường sống. Con người trồng rừng để chống chọi với thiên tai bão lũ và rừng cũng là nguồn sống của con người, thậm chí của cả một quốc gia. Mất rừng và cả cháy rừng, có thể là khái niệm mà nhiều người chưa thật sự quan tâm. Nhưng nỗi đau và sự kiệt quệ của người dân ở những địa phương xảy ra các cháy rừng lại là sự thật. Bao mồ hôi, công sức và cả tiền bạc, bao nhiêu con người đã ngày đêm sống chết với rừng… nhưng rồi chỉ trong chốc lát, những cánh rừng bị thiêu rụi... vì sự vô trách nhiệm, thiếu ý thức của một vài cá nhân hay tập thể. Bởi vậy, những giọt nước mắt của người mất rừng, mất người thân như gia đình bà Hoa ở Nghệ An sẽ là nỗi ám ảnh thật khó quên.
Thảm họa từ thiên nhiên đang là lời cảnh báo người về những tác động tiêu cực của con người với thiên nhiên, môi trường. Các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là tại Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, người dân trong mấy ngày qua đã phải quằn mình chống chọi với mưa lũ. Hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina với tần suất ngày càng tăng và khốc liệt, dẫn đến bão lụt, lũ quét, sạt lở đất… cũng xuất phạt từ nạn phá rừng. Đã có những thống kê thật đau lòng và chắc rằng, những con số lạnh lùng về số người chết, diện tích rừng bị tàn lụi chưa thể dừng lại, bởi thiên tai vẫn luôn rình rập, đe dọa cuộc sống con người và nếu như rừng ngày một nghèo kiệt đi.
Biến đổi khí hậu đang đẩy con người tới bờ vực của sự nguy hiểm, mà một trong những nguyên nhân là do con người chặt phá rừng một cách vô tội vạ, gây mất cân bằng sinh thái. Nếu con người không có ngay các biện pháp để ngăn chặn thì thảm họa từ thiên nhiên sẽ khôn lường. Nói cách khác, nếu chậm trễ thì chắc chắn con người sẽ phải trả giá đắt.
Vẫn biết, những trận lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán ở các tỉnh miền Trung, nước biển xâm thực ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... là tai họa từ trên trời rơi xuống, là bất khả kháng. Nhưng cũng phải nhìn nhận, đây không phải là tai họa bất ngờ, mà nó được cảnh báo trước, khi con người có những tác động tiêu cực vào sự biến đổi của khí hậu, rồi chính con người phải gánh chịu hậu quả của hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan.
Thiệt hại do thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng mức độ thiệt hại sẽ giảm nếu con người có hành động tích cực nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống. Khi rừng tiếp tục bị đối xử tồi tệ, thì những lo ngại của con người về thiên tai là hoàn toàn có thể hiểu được. Chỉ khi nào ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, nguy cơ gây cháy rừng, thì mới mong chữa lành được di chứng do mất rừng gây ra, mới mong đủ sức chống chọi với thiên tai, biến đổi khí hậu đang ngày một khốc liệt hơn.
Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/di-chung-cua-chay-rung-20190705222835056.htm