Di chứng nặng nề do pháo nổ tự chế, đa số nạn nhân ở độ tuổi thiếu niên
Thời điểm gần Tết Nguyên đán, các vụ tai nạn thương tâm do tự chế tạo pháo nổ liên tiếp xảy ra. Đa số nạn nhân ở độ tuổi thiếu niên. Nguyên nhân chủ yếu là do các em tò mò, học theo các video trên mạng xã hội hướng dẫn tự chế pháo.
Dập nát bàn tay, tinh hoàn vì tự chế pháo
Mới đây, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM tiếp nhận bệnh nhân N.A.K. (15 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) trong tình trạng dập nát bàn tay phải, gãy xương cẳng tay, bàn tay trái có nhiều vết thương và gãy một ngón tay; trầy xước vùng mặt, cổ, 2 gối và vai trái. Trước đó, K. cùng nhóm bạn học đã tự chế pháo sau buổi thi học kỳ. Nhóm học sinh học chế pháo trên mạng rồi mua nguyên liệu về chế tạo, trong lúc thử nghiệm thì pháo nổ. Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, cắt lọc phần dập nát, kết hợp xương, khâu các vết thương. Đáng tiếc, do bàn tay phải của bệnh nhân bị dập nát nghiêm trọng nên các bác sĩ không thể giữ lại được.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng tiếp nhận 3 bệnh nhân đến từ tỉnh Tây Ninh, độ tuổi từ 15 đến 17, bị đa chấn thương, phỏng nghiêm trọng liên quan đến pháo tự chế. Theo chia sẻ từ phía thân nhân bệnh nhân, nhóm thanh thiếu niên đã đặt mua thuốc pháo về và tự điều chế theo hướng dẫn trên mạng, dẫn đến phát nổ. Trong số 3 bệnh nhân thì bệnh nhân T.T.N. (17 tuổi) bị nặng nhất. N. được chẩn đoán phỏng thuốc pháo khoảng 50% cơ thể, dập nát tinh hoàn phải, bị lóc gần hết vùng da dương vật và đa chấn thương tứ chi. Do tình trạng quá nghiêm trọng, ê-kíp bác sĩ buộc phải cắt bỏ tinh hoàn của bệnh nhân N. để cầm máu và lấy sạch các dị vật, mảnh pháo nổ.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cũng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi bị thương tích do liên quan đến việc tự chế pháo nổ. Trong đó, có bệnh nhi 12 tuổi ngụ tỉnh Bình Phước tự chế pháo nổ dẫn đến bàn tay bị thương, máu chảy nhiều. Tại bệnh viện, bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật, ghi nhận nhiều vết thương nham nhở ở các ngón tay và gãy hở xương bàn ngón 2, tay trái. Hay một trường hợp khác là bệnh nhi 12 tuổi quê ở tỉnh Gia Lai nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương ở vùng mặt, ngực, cẳng bàn tay hai bên, đùi và cẳng chân hai bên.
Ám ảnh tâm lý kéo dài
BS.CKI Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết, hằng năm, bệnh viện tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhi liên quan đến pháo nổ, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở con trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hóa chất để chế tạo pháo, đặc biệt chú trọng đối với các bé trong độ tuổi thích tìm tòi, khám phá. Đồng thời, cần giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra.
Theo bác sĩ, tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, nạn nhân dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân; thậm chí gây tử vong.
BS.CKII Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM), cho biết, tai nạn do pháo vẫn xuất hiện nhiều trong thời điểm Tết Nguyên đán. Nạn nhân chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên, không ít trường hợp phải chịu di chứng vĩnh viễn về thể chất như tổn thương bàn tay, cẳng tay, bỏng giác mạc, mù và bị ám ảnh tâm lý kéo dài. Để phòng ngừa tai nạn nguy hiểm này, bác sĩ Võ Hòa Khánh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, tránh thái độ lơ là và chủ quan về nguy cơ pháo nổ; không lén lút tàng trữ, sản xuất và tự chế tạo pháo. Đặc biệt, nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục, nhắc nhở học sinh không bắt chước các video hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng xã hội. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, đánh giá tình trạng vết thương, sơ cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.