'Dĩ công vi thượng', giữ niềm tin với dân!

Một trong những quan điểm nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ là phương châm 'dĩ công vi thượng'.

Người thường nói: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.

“Dĩ công vi thượng” thực chất là việc người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước, vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Ðảng lên trên hết, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân.

Nếu người cán bộ, đảng viên không giữ được phẩm chất này thì sẽ rơi vào suy thoái, biến chất, vì lợi ích cá nhân, cục bộ, gia đình mà xâm hại vào lợi ích chung, lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Đó là mối nguy hại của Đảng, của Nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng.

Thực tế lịch sử đã chứng minh qua các thời kỳ cách mạng, nhờ đào tạo và rèn luyện được những lớp cán bộ thấm nhuần tinh thần “dĩ công vi thượng” mà Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình phát triển của dân tộc, khẳng định được vai trò lãnh đạo vững chắc của Đảng qua 94 năm lịch sử.

Tuy nhiên bên cạnh đó, đáng lo ngại là đã và đang có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không đi theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rơi vào thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, chính trị, ảnh hưởng không ít đến sức mạnh lãnh đạo của Ðảng ta, đến lòng tin của nhân dân đối với Ðảng.

Những cán bộ, đảng viên đó thực chất đã không còn là người cán bộ, đảng viên chân chính, là người cán bộ của Đảng, của dân, toàn tâm, toàn ý vì dân, vì nước.

Nghiêm trọng hơn chính là họ đang lợi dụng sự tín nhiệm của Đảng, của nhân dân để gây tổn thất nghiêm trọng cho Đảng, cho nhân dân.

Từ thực trạng như vậy trong đội ngũ cán bộ hiện nay, trên tinh thần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, thiết nghĩ phương châm “dĩ công vi thượng” phải càng được quán triệt một cách sâu sắc trong mọi cán bộ, đảng viên, phải trở thành kim chỉ nam cho tư duy, suy nghĩ, việc làm của mỗi người.

Điều này đòi hỏi trước tiên người cán bộ, nhất là người đứng đầu phải lấy đường hướng phát triển của đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức làm trọng, làm mục tiêu chung để lãnh đạo, quản lý; đồng thời phải tận trung, tận lực, gắng sức, chung lòng cho sự phát triển ấy.

Ngoài ra, cần xác định mình cũng là cầu nối, mắt xích trong mục tiêu chung đó chứ không được đặt mình ngoài lợi ích của tập thể để mưu lợi riêng.

Đặc biệt quan trọng, đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những người giữ chức vụ càng cao thì lại càng phải bỏ qua tư lợi chủ nghĩa cá nhân, không để bị lôi kéo bởi những lợi ích riêng gắn liền với những công ty “sân sau”, làm tổn hại đến những nguồn lực phát triển của đất nước.

Không chỉ vậy, tinh thần “dĩ công vi thượng” còn phải trở thành nguyên tắc để người cán bộ, đảng viên đưa ra những quyết sách đối với ngành, lĩnh vực, địa phương mà mình phụ trách.

Một chính sách, một quyết định nào đó khi ban hành phải xét đến đầu tiên là lợi ích của nhân dân được đáp ứng đến đâu, bị ảnh hưởng như thế nào chứ không phải là mình được gì, nhóm lợi ích của mình được gì, gia đình của mình được gì.

Chỉ khi đó thì người cán bộ mới có thể phục vụ nhân dân hết mình, khai thác hết các nguồn lực, không có chuyện tính toán tư lợi để bòn rút nguồn lực quốc gia, công quỹ, sức mạnh của tập thể vào túi riêng.

“Dĩ công vi thượng” còn là yếu tố quyết định để hình thành phong cách lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên. Vì chỉ khi lấy việc công làm trọng, người cán bộ mới thực sự chấp hành và thực hiện đầy đủ các nguyên tắc trong lãnh đạo, quản lý như nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Từ đó sẽ tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết, ổn định, ngăn chặn được lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân đan xen, lồng ghép vào các quyết định của cấp ủy, chính quyền cũng như phát huy được trí tuệ tập thể và sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Dĩ công vi thượng”, đó là vì hạnh phúc chung của người dân, của quốc gia, của tập thể để cùng nhau làm việc, tạo ra công bằng và cùng nhau phát triển; đưa đất nước ngày một phồn vinh, hạnh phúc…

TS THẠCH KIM HIẾU, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Cán bộ TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/di-cong-vi-thuong-giu-niem-tin-voi-dan-post791166.html