'Đi cửa sau', 'chạy cửa sau', phá vỡ trật tự xã hội, giết chết sự phát triển
VietTimes -- Ở nước ta, 'đi cửa sau' đã trở thành thói quen của nhiều người. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiều tiêu cực trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, làm chậm tiến trình xây dựng nền hành chính công hiện đại, gây mất công bằng xã hội. Vấn nạn 'đi cửa sau' rất khó phát hiện và chưa thể chấm dứt nếu cán bộ, công chức, viên chức còn có tư tưởng thiếu tôn trọng pháp luật, kỷ luật và tranh thủ chức vụ, quyền hạn để 'tăng gia'.
Ngày 13/1/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với: Chu Bá Toàn, Phó chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Chi Ma và Hoàng Thanh Sơn, công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma vì tiếp tay cho các đối tượng khác mở tờ khai hải quan 72 chủng loại dược liệu (388 bao hàng) dưới dạng hoa quả khô, gây thất thu thuế cho nhà nước.
Việc làm thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch tiếp tay cho buôn lậu của Chu Bá Toàn, Hoàng Thanh Sơn khiến dư luận nghi ngờ, liệu đây có phải là hành vi tiếp tay cho hiện tượng “chạy cửa sau” hay không?
Một sự việc khác vừa xảy ra ở Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa bị phát hiện có biểu hiện “chạy cửa sau” cũng hết sức đáng lưu ý. Trong thời gian trước khi nhận quyết định nghỉ hưu (1-2-2020), bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đã ký hàng loạt quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ sai với Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Dư luận cho rằng, việc làm sai quy định này liệu có trong sáng, thực sự vì sự phát triển của tổ chức hay nhằm thu lợi cá nhân.
“Đi cửa sau” ra đời từ khi nào, nó khác với “đi cửa trước” ra sao và tại sao nó lại tồn tại dai dẳng cùng với nền hành chính nước nhà...? Đó là những câu hỏi mà nhiều chuyên gia về lĩnh vực pháp lý đã từng lý giải, đi tìm câu trả lời và đưa ra các biện pháp khắc phục nhưng chưa khả thi.
Phân tích vấn đề này, luật sư Vũ Quang Dũng, Văn phòng Luật sư Quang Dũng và cộng sự (Đoàn Luật sư Bắc Ninh) cho biết, từ thời trước đổi mới (năm 1986), trong thực hiện nền kinh tế kế hoạch tập trung thì hiện tượng "đi cửa sau” đã xuất hiện.
Bởi “đi cửa sau” tuy phải bỏ ra một lượng kinh phí để "lót tay, bôi trơn" nhưng lại được việc hơn so với người “đi cửa trước”; đỡ tốn thời gian, đỡ mất công sức chờ đợi và đỡ phải lo lắng... vì rất khó "vạch mặt, chỉ tên" sai phạm. Có rất nhiều lĩnh vực “đi cửa sau” trong xã hội chúng ta, ví dụ như làm các thủ tục giấy tờ về quyền sở hữu, sử dụng đất, khám sức khỏe, giám định thương tật cho quân nhân, nghỉ mất sức, thực hiện nghĩa vụ quân sự...
Sang đến thời kỳ đổi mới và đặc biệt là nhiều năm gần đây, “đi cửa sau” không chỉ có ở cá nhân mà đã phát triển ở mức cao hơn là “chạy cửa sau”. Điển hình, như: Chạy trường, chạy lớp, chạy bằng cấp, chạy việc, chạy chức, chạy quyền... mà cao hơn là cơ quan, đơn vị, địa phương chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy nhiệm vụ, chạy biên chế, chạy án, chạy dự án...
Dù nền hành chính đã được số hóa khiến hiện tượng "đi cửa sau", "chạy cửa sau" đã giảm nhưng trong thực tế nó vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực trong các cơ quan công quyền, kéo lùi sự phát triển của xã hội.
Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng “đi cửa sau” rồi phát triển thành “chạy cửa sau” là do hệ thống văn bản hành chính chậm đổi mới, quá nhiêu khê, qua nhiều cấp, nhiều ngành cùng phối hợp quản lý nên khiến cho người dân đi làm các thủ tục như “đi vào ma trận”.
Thứ nữa là do không ít cán bộ, công chức, viên chức cũng muốn thông qua cơ hội này để “chấm mút”, làm “tăng gia” cải thiện đời sống vốn chỉ trông vào đồng lương chưa thể đủ trang trải cuốc sống.
Lợi ích từ “chạy cửa sau” đã mang lại lợi ích rất lớn cho những người làm trong cơ quan công quyền nên hình thành những đường dây liên kết chặt chẽ. Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng cán bộ thoái hóa biến chất, lạm quyền, lộng quyền và quyết tất mọi thứ, cho dù vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương như hai ví dụ nêu ở trên.
Bởi trong thâm tâm họ, món lợi trước mắt từ bảo kê cho “chạy cửa sau” mang lại có sức hấp dẫn lớn hơn vinh dự, trách nhiệm, quyền hạn và bản lĩnh chính trị, lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc.
Theo bà Nguyễn Thị Linh, cán bộ nghỉ hưu tại phường Phúc Lợi (Hà Nội), “đi cửa sau” hay “chạy cửa sau” cứ mặc nhiên tồn tại trong thời gian dài gây ra mất công bằng xã hội trầm trọng, làm thất thoát nguồn lực con người và tài sản Nhà nước ở các mức độ khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp đẻ ra “lợi ích nhóm” mà cả hệ thống chính trị đang vào cuộc để đấu tranh, ngăn chặn.
Tuy nhiên, việc “đi cửa sau”, “chạy cửa sau” để đạt được mục đích thông qua "lót tay, bôi trơn" còn dẫn đến hệ lụy xấu trong xã hội. Nhiều thành phần trong xã hội đã lợi dụng việc này để lừa đảo, trong đó phổ biến nhất là hiện tượng lừa chạy việc vào các cơ quan nhà nước mà gần như địa phương nào cũng có. Xin đưa ra một ví dụ điển hình.
Cuối năm 2019, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt Trần Trọng Quyền (sinh năm 1984, trú tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng) 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các bị cáo khác trong đường dây lừa chạy việc vào cơ quan nhà nước do Quyền cầm đầu cũng lĩnh án từ 10 năm đến 12 năm với cùng tội danh.
Trước đó, Trần Trọng Quyền giới thiệu quen nhiều lãnh đạo các ngành công an, y tế nên có khả năng xin cho nhiều người vào làm việc với mức “chi phí” từ 550-800 triệu đồng/suất. Quyền đã làm giả các giấy tờ, như: Thư đề nghị, thông báo tuyển dụng, quyết định tuyển dụng của Bộ Công an và Bộ Y tế, có dấu đỏ… rồi chụp ảnh bằng điện thoại, đưa cho đồng bọn gửi đến các bị hại, lấy lòng tin.
Đã có 8 trường hợp nộp gần 5 tỷ đồng cho Quyền và đồng bọn để xin việc nhưng đạt mục đích và bị kiện ra tòa và bị lĩnh các mức án nặng khác nhau như đã trình bày.
Có thể dẫn ra hàng nghìn trường hợp "đi cửa sau", "chạy cửa sau" trong đội ngũ công chức để chứng minh. Điều đó cho thấy, thói quen “đi cửa sau”, “chạy cửa sau”, khi gặp việc gì cũng nghĩ đến "lót tay, bôi chơn"... là điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực tồn tại và lan rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc này đã khiến cho cán bộ, công chức hình thành tâm lý coi đây là một đặc quyền, đặc lợi, là vấn đề mặc nhiên, tất yếu khi thực thi công vụ.
Đặc biệt, việc này đã dẫn tới tâm lý phổ biến trong nhiều cán bộ, công chức, coi tài sản của Nhà nước là "của chùa", sử dụng lãng phí, bỏ mặc không có người coi giữ, thậm chí bị chiếm đoạt, nhưng không có ai lên tiếng phản đối...
Để loại trừ hiện tượng “đi cửa sau”, “chạy cửa sau” thì vấn đề tiên quyết nhất hiện nay là Nhà nước cần minh bạch trong thủ tục hành chính trên cơ sở số hóa mạnh mẽ nền hành chính công.
Cải cách hành chính phải gắn chặt với cải cách thể chế, trong đó cần hạn chế bớt các thủ tục pháp lý không cần thiết, đặc biệt là loại bỏ hiện tượng “cát cứ lợi ích” ở các bộ, ngành, địa phương.
Dân chủ và công bằng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và các tổ chức là vấn đề quan trọng nhất của một quốc gia. Nếu còn hiện tượng “đi cửa sau”, “chạy cửa sau” thay vì "đi cửa chính" thì mục tiêu xây dựng một Việt Nam hùng cường còn xa vời vợi.