Đi cũng dở, ở chẳng xong

Nhiều lao động lớn tuổi rơi vào hoàn cảnh đi cũng dở, ở chẳng xong do công ty khó khăn, không bảo đảm thu nhập trong khi họ ít có cơ hội tiếp cận việc làm mới

Công ty khó khăn kéo dài, thu nhập giảm sút, nhiều công nhân (CN) vẫn không dám nghỉ việc vì đã lớn tuổi.

Đắp đổi qua ngày

Trời nhá nhem tối, chúng tôi ghé thăm bà Nguyễn Thị Út - 66 tuổi, CN Công ty TNHH Sản xuất Thương mại sơn tĩnh điện Việt Phong - tại một khu nhà trọ trên Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM. Trong căn phòng trọ đơn sơ, bà Út vừa ăn tối xong và tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Đã 66 tuổi, bà Út vẫn ở một mình và tự lo cho cuộc sống của mình.

Quê ở Bình Thuận, vì cuộc sống quá khó khăn nên hơn 20 năm trước, bà Út dắt díu 3 người con vào TP HCM làm CN. Công việc ổn định được vài năm thì bà Út phải nghỉ làm do chuyển chỗ ở. Sau đó, bà trải qua nhiều công việc khác nhau như giúp việc nhà, phục vụ quán ăn… trước khi vào làm CN Công ty TNHH Sản xuất Thương mại sơn tĩnh điện Việt Phong.

Lúc ấy đã ngoài 50 tuổi nên khi được nhận vào, bà Út rất mừng dù phải làm việc trong môi trường độc hại. Ban đầu, công ty làm ăn thuận lợi, thu nhập của bà khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, hằng tháng bà vẫn có dư chút đỉnh để phòng thân. Thế nhưng kể từ sau dịch COVID-19, công ty làm ăn khó khăn, thiếu việc làm, mỗi tháng bà chỉ đi làm 10-15 ngày, thu nhập chỉ xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng, vừa đủ đắp đổi qua ngày.

Tình trạng này đã kéo dài suốt nhiều tháng nhưng bà vẫn cố gắng bám trụ vì ở độ tuổi của bà, gần như không có cơ hội để xin việc. "Tôi chỉ mong công ty hoạt động ổn định trở lại, bởi nếu bị mất việc làm thì không biết phải đi đâu, về đâu" - bà Út thở dài.

Hoàn cảnh của bà Mai Kim Thu - 60 tuổi, CN Công ty CP Vina Sài Gòn (quận 8, TP HCM) - cũng không khá hơn bà Út. Suốt nhiều tháng công ty phải giảm giờ làm vì không có đơn hàng, thu nhập của bà Thu chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, không chỉ là lao động chính trong gia đình, bà còn phải phụ nuôi em và cháu. Bản thân bà sức khỏe yếu, không thể làm việc nặng. Suốt thời gian qua, gia đình bà phải sống lay lắt qua ngày.

Nhiều đồng nghiệp trẻ của bà vì gánh nặng cơm áo phải đi tìm công việc mới nhưng bà Thu lại không dám. "Giờ rất ít công ty tuyển CN lớn tuổi lại hay đau bệnh như tôi. Nếu nghỉ việc, tôi không biết làm gì để sống? Vì vậy, tôi chỉ có thể cố gắng ở lại công ty được ngày nào hay ngày ấy" - bà Thu tâm sự.

Lớn tuổi nên bà Thạch Thị Nương (bìa phải), công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, luôn đối diện nỗi lo mất việc. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Lớn tuổi nên bà Thạch Thị Nương (bìa phải), công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, luôn đối diện nỗi lo mất việc. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Tương lai bấp bênh

Ở tuổi 49, dù mắc bệnh đái tháo đường nhưng bà Nguyễn Thị Vòng, CN Công ty TNHH Long Rich (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM), không dám nghỉ ngày nào. Những lúc mệt, chân tay tê rần không thể đứng nổi, bà Vòng mới dám xin nghỉ một buổi để khám bệnh.

Bà Vòng quê ở Thái Bình, gắn bó với công ty được 24 năm. Trước đây, công ty có đơn hàng dồi dào, bà tăng ca nhiều, thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Mấy tháng nay, đơn hàng ít đi nên thu nhập của bà cũng giảm sút. Chồng bà làm nghề chở than củi đi bán ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai; chạy ròng rã hơn 100 km/ngày nhưng mỗi ngày kiếm được chưa đến 100.000 đồng. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc buôn bán của ông càng ế ẩm.

Chỉ có một con nhưng mới đây bà Vòng phải vay mượn để lo tiền học, tiền đồng phục và sách vở cho con. "Thu nhập giảm trong khi có nhiều khoản phải chi nên gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Giờ mà nghỉ việc ở công ty thì tôi cũng không biết bám víu vào đâu" - bà Vòng bộc bạch.

Bà Lê Thị Huyền - 52 tuổi, CN Công ty TNHH 3Q Vina (quận 8) - như "ngồi trên đống lửa" vì công ty đang trong giai đoạn nghỉ chờ việc dài ngày, không có thu nhập. Nhiều tháng qua, bà Huyền đã cố gắng tìm việc mới nhưng lực bất tòng tâm bởi đã lớn tuổi. Chồng bà là ông Trương Minh Cơ, CN Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân (quận Bình Tân), là lao động chính trong nhà nhưng thời gian qua, công ty ông cũng không còn tăng ca nên thu nhập chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, vừa đủ lo ăn uống cho gia đình.

Bà Huyền nói: "Điều khiến tôi lo lắng nhất là tương lai của con trai 13 tuổi. Những năm qua, vợ chồng tôi cố gắng tích cóp, không dám ăn, không dám mặc để lo cho con. Nhưng tình cảnh như hiện nay, chỉ có thể sống qua ngày".

Còn bà Thạch Thị Nương - 50 tuổi, CN Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) - lại phập phồng lo sợ khi công ty đã nhiều lần cắt giảm lao động. Bà Nương quê ở Trà Vinh, làm CN được 15 năm. Chồng bà làm phụ hồ, công việc bấp bênh, thu nhập thấp. Vợ chồng bà có một con gái lớn đã lập gia đình, con trai nhỏ nghỉ học sớm, đang theo cha làm phụ hồ. Trước nguy cơ bị cắt giảm, bà Nương vô cùng lo lắng: "Nếu bị mất việc, tôi cũng chưa biết làm gì vì ở tuổi này đi xin việc thì không doanh nghiệp nào nhận".

THANH NGA - HỒNG ĐÀO

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/di-cung-do-o-chua-chac-da-xong-20230912194613258.htm