'Đi cùng nhau' để tiến nhanh và tiến xa

Nhiều nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm của hàng Việt. Tuy nhiên, vì chưa thể mở rộng quy mô sản xuất, không ít doanh nghiệp nhỏ đã bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.

Thị trường quốc tế đánh giá cao chất lượng nông sản. Việt Ảnh: M.H.

Thị trường quốc tế đánh giá cao chất lượng nông sản. Việt Ảnh: M.H.

Những năm gần đây, liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng trong vùng đã góp phần đưa thương hiệu chè Tân Cương - Thái Nguyên có mặt ở khắp thị trường nội địa và được xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Nga, Vương quốc Anh…

Tương tự, việc tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã giúp sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể của tỉnh có mặt tại hầu hết các hệ thống phân phối như Co.opmart, Winmart, Lotte mart…

Với tỉnh Hải Dương, để đưa được vải thiều Thanh Hà sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ... tỉnh đã nỗ lực xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa chuyên nghiệp, xây dựng liên kết trong sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm vải thiều của tỉnh.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng hoạt động hiệu quả như các địa phương kể trên. Bởi thực tế người nông dân vẫn đóng vai trò chủ yếu trong chế biến và tiêu thụ. Trong khi mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân chưa được chặt chẽ.

Bà Ngô Thị Thu Hồng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, do vùng nguyên liệu rất manh mún, quy mô nhỏ nên DN gặp không ít khó khăn trong tổ chức thu mua, thu hoạch để đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất.

Bên cạnh đó, theo bà Hồng, tính tuân thủ quy trình trong sản xuất của bà con là vấn đề hạn chế, một số bà con chưa tuân thủ đồng đều các hướng dẫn nên có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, có vùng lại không nên việc xuất khẩu hàng hóa chưa đạt chất lượng như mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nêu lên thực tế, khi đưa các DN đi xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, nhiều nhà nhập khẩu đánh giá cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm của hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, khi họ hỏi đến số lượng cung ứng thì DN chúng ta lại không đáp ứng được về mặt số lượng. Vì vậy, theo bà Thủy, cần có những biện pháp quyết liệt trong liên kết sản xuất. Bởi khi có được liên kết sản xuất chặt chẽ thì mới có được lượng hàng lớn để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô liên kết vùng và liên kết quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cũng cho rằng, nhiều DN ký được hợp đồng xuất khẩu nhưng khi phía đối tác yêu cầu giao số lượng lớn trong 1 thời gian nhất định thì họ lại e dè vì không đáp ứng đủ. Do vậy trong cùng ngành hàng xuất khẩu hoặc khác ngành hàng các DN cần hỗ trợ nhau tối đa.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Hương Vân - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hương Vân Trà cũng cho rằng, các DN cần sử dụng phương thức “bó đũa” để có thể đi nhanh và đi xa. “Một sân chơi thương mại rất cần cơ sở vật chất tốt, bởi vì khi tập hợp được tất cả những sản phẩm, thì cần những trung tâm thương mại quy mô lớn để đưa các sản phẩm của các tỉnh khác liên kết với nhau” - bà Vân nhấn mạnh.

Bộ Công thương cho biết, thời gian tới sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới, đó là mô hình tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng (Winning with Việt Nam). Vì vậy, Bộ đã xây dựng kế hoạch để các địa phương cùng tổ chức đoàn giao thương nước ngoài có quy mô hơn, mang nhiều sản phẩm giá trị hơn đến với thị trường nước ngoài, tạo nên hiệu ứng truyền thông cao hơn cho cộng đồng DN.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-cung-nhau-de-tien-nhanh-va-tien-xa-10288882.html