Di dân để tránh cơn bão dữ số 13

Dự báo bão số 13 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế từ đêm 14 đến rạng sáng 15-11, đây là cơn bão rất nguy hiểm, có hướng di chuyển khó đoán

Sáng 13-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp trực tuyến với các địa phương về ứng phó bão số 13, được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ.

Một tháng rưỡi hứng 9 cơn bão

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó theo Công điện số 1597/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 13. Các đơn vị từ Thanh Hóa đến Bình Định rà soát tất cả tàu thuyền còn trên biển, đưa ra khỏi vùng nguy hiểm về khu tránh trú bão; kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền; bảo đảm an toàn cho người dân và các thuyền viên; sơ tán người dân khỏi các lồng bè, chòi canh, các cơ sở sản xuất - kinh doanh ven biển và các vùng đảo, nếu cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.

Trên đất liền, phải tập trung sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, di dời người dân khỏi các nhà ở có cấu trúc yếu; sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. "Các địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng không được phép chủ quan trong bất kỳ tình huống nào, kể cả sau khi bão tan. Vừa rồi đã có thiệt hại nặng nề ở Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nên không thể chủ quan bất kỳ ở địa phương nào" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Người dân ở Quảng Trị tất bật đắp đất chống sạt lở nhà trước cơn bão số 13 Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Người dân ở Quảng Trị tất bật đắp đất chống sạt lở nhà trước cơn bão số 13 Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá bão số 13 rất nguy hiểm với hướng đi khó đoán, lại đổ bộ vào khu vực mà chỉ trong 1 tháng rưỡi có 9 cơn bão và 2 áp thấp. Trước dự báo bão có thể gây tổn thương cả hướng biển, sườn Tây, đất liền, bộ trưởng yêu cầu các đơn vị và địa phương không được chủ quan mà phải có quyết tâm cao hơn nữa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 13-11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 15,5 độ vĩ Bắc, 114,0 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/giờ), giật cấp 15. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 16 giờ ngày 14-11, vị trí tâm bão ở 16,2 độ vĩ Bắc, 109,5 độ kinh Đông, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 14.

Từ sáng 14-11, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-0,8 m. Trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 14 đến 16-11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250 mm, có nơi trên 350 mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150 mm.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Mưa lớn, sạt lở đất

Tại Hà Tĩnh, tính đến chiều 13-11 có tổng số 3.957 phương tiện với 14.932 lao động vào tránh trú bão trên địa bàn; 110 phương tiện neo đậu tránh bão tại các tỉnh khác. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấm biển bắt đầu từ 17 giờ ngày 13-11.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương phải rà soát ngay các khu vực nguy hiểm, lập danh sách cụ thể đến từng hộ dân, cử cán bộ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo từng cụm dân cư sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn. Tuyệt đối không để khu vực nguy hiểm nào mất kiểm soát. Các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện căn cứ dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để tính toán, cân đối chủ động vận hành điều tiết hồ chứa đón lũ.

Tại tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh này đã có công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 13. Tính đến ngày 13-11, có 3.087 phương tiện với hơn 15.000 lao động đã vào trú tránh an toàn tại bến và các tỉnh khác. Tỉnh Nghệ An cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17 giờ ngày 13-11. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 10 giờ ngày 14-11. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết sau hoàn lưu bão số 9, trên địa bàn tỉnh đang xảy ra hiện tượng sạt lở đất tại các địa phương như Đô Lương, Nghi Lộc, Tương Dương, Con Cuông..., vì vậy đề nghị các địa phương rà soát, có phương án sơ tán dân, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Không ra đường khi bão đến

Ngày 13-11, UBND TP Đà Nẵng đã lập Ban Chỉ huy tiền phương TP Đà Nẵng ứng phó với bão số 13 đặt tại Trung tâm Hành chính TP, bắt đầu từ 9 giờ ngày 14-11 do ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP, làm trưởng ban. UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12 giờ ngày 14-11, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao nghỉ làm việc trong ngày 14-11, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu các trường, đơn vị cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14-11.

Tại Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh này yêu cầu người dân không ra khỏi nhà dự kiến bắt đầu từ 18 giờ ngày 14-11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Căn cứ vào tình hình thực tế, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến thời tiết; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra, ngoại trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

Ngày 13-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết đã lên phương các án sơ tán người dân để tránh bão số 13 và tình trạng ngập lụt, sạt lở đất. Cụ thể, trong trường hợp bão số 13 chỉ ảnh hưởng, không trực tiếp đổ bộ, tỉnh này sẽ tiến hành di dời 6.355 hộ với gần 18.000 người; trường hợp bão trực tiếp đổ bộ sẽ di dời gần 25.000 hộ với trên 94.000 người. Nếu có lũ vừa và lớn sẽ di dời hơn 8.500 hộ với gần 26.000 người; nếu có lũ đặc biệt lớn thì sẽ di dời hơn 15.000 hộ với gần 50.000 người ở 99/124 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, tỉnh này cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở các xã, huyện miền núi.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết dự báo các sân bay bị ảnh hưởng trực tiếp thời tiết bão: Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Đồng Hới, Vinh. Các sân bay bị ảnh hưởng gián tiếp bao gồm: Phù Cát, Thọ Xuân. Cục yêu cầu tạm dừng khai thác một số sân bay do ảnh hưởng cơn bão số 13: Sân bay Chu Lai đóng cửa từ 9 giờ ngày 14-11 đến 10 giờ ngày 15-11, sân bay Đà Nẵng đóng cửa từ 12 giờ ngày 14-11 đến 10 giờ ngày 15-11, sân bay Phú Bài đóng cửa từ 14 giờ ngày 14-11 đến 10 giờ ngày 15-11, sân bay Đồng Hới đóng cửa từ 19 giờ ngày 14-11 đến 20 giờ ngày 15-11, sân bay Vinh đóng cửa từ 6 giờ đến 20 giờ ngày 15-11.

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/di-dan-de-tranh-con-bao-du-so-13-20201113224046688.htm