Đi dạo, người đàn ông đào được sinh vật lạ 150 triệu tuổi, to như cá mập
Sinh vật lạ hóa thạch này thuộc một loài hoàn toàn mới thuộc nhóm thủy quái ichthyosaur, tức 'ngư long', từng thống trị đại dương 2 kỷ Jura - Phấn Trắng.
Theo Free The Ocean, người có công phát hiện là ông Steve Etches, một "thợ săn hóa thạch" nghiệp dư. Trong chuyến đi dạo trên bờ biển Dorset nổi tiếng của Anh, ông đã phát hiện ra bộ hài cốt hóa thạch của sinh vật lạ dài đến 2 mét này và thông báo với nhà chức trách.
Các nhà khoa học từ Đại học Portsmouth (Anh) đã đem hóa thạch về phân tích và nhận ra đó là một loài chưa từng được ghi nhận trong lịch sử cổ sinh vật học. Bài tóm tắt nghiên cứu trên Sci-News cho biết nó được đặt tên là Thalassodraco etchesi, một loài thuộc họ Ophathalmosauridae, nằm trong một nhóm sinh vật lớn là ichthyosaur, tức "ngư long" hay "thằn lằn cá".
Loài ngư long mới có vẻ ngoài giống một con cá kỳ quái, chân nhỏ và gần giống những chiếc vây, mình giống cá mập và kích thước cũng tương đương một con cá mập cỡ lớn, lồng ngực sâu, chiếc mõm thuôn dài với rất nhiều răng nhỏ và sắc. Khác với đa số ngư long là kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn ở đại dương cổ đại, con ngư long to lớn này chỉ ăn mực và cá nhỏ.
Theo bài công bố trên PLOS One, sinh vật lạ này đã 150 triệu tuổi và được bảo quản cực kỳ hoàn hảo. Việc tìm được một con ngư long từ kỷ Jura muộn là vô cùng giá trị, bởi hầu hết hóa thạch của giống thủy quái này được khai quật trước đó đều "trẻ" hơn, tức thuộc kỷ Phấn Trắng.