Đi đầu trong cơ giới hóa sản xuất lúa

Dù chỉ có quy mô cấp thôn nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch (HTX Mộ Trạch) ở xã Tân Hồng (Bình Giang) là đơn vị đi đầu trong cơ giới hóa sản xuất lúa của tỉnh.

Nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa mà năng suất lúa của thôn Mộ Trạch cao hơn so với những địa phương khác

Nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa mà năng suất lúa của thôn Mộ Trạch cao hơn so với những địa phương khác

Ngay sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa vào năm 2014, HTX Mộ Trạch đã đưa máy gặt vào đồng ruộng. Theo ông Vũ Đình Tam, Giám đốc HTX, ruộng to, máy gặt lớn, hiệu quả cao nên nông dân rất phấn khởi. Do đó, vụ chiêm 2016, HTX vận động bà con áp dụng cấy máy, dần đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa hàng hóa. Tuy nhiên, người dân còn nhiều e ngại nên chưa đồng thuận. Trước đây, do cấy thủ công khóm lúa dầy, hàng mau, trong khi cấy máy hàng lúa thưa, khóm ít cây nên người dân lo ngại năng suất lúa giảm. Vì thế, chỉ có 20 hộ trong thôn đồng ý cấy máy. Sau 1 vụ lúa, nhận thấy hiệu quả do cấy máy mang lại như tiết kiệm chi phí đầu vào, lúa ít sâu bệnh, năng suất cao nên người dân đã thay đổi suy nghĩ. Đến nay, toàn thôn có 220 ha đất trồng lúa thì 100% diện tích gặt máy, 80% diện tích cấy máy. Vụ chiêm xuân tới, HTX phấn đấu có 100% diện tích cấy máy.

Nhờ chủ động áp dụng cơ giới hóa mà HTX Mộ Trạch được Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng mô hình điểm về cấy máy trong 2 năm 2016, 2018. HTX cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn để thực hiện đề tài khoa học "Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại tỉnh Hải Dương" năm 2016. Vụ mùa năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình cấy máy mở rộng tại thôn với diện tích 100 ha. Hiện trên địa bàn thôn có 1 trung tâm sản xuất mạ khay, 6 máy cấy cỡ lớn không chỉ phục vụ nhu cầu cấy máy tại thôn mà còn ở trong xã và các địa phương lân cận. Ngoài ra, trong thôn còn có 7 máy gặt đập liên hợp. Vừa qua, HTX Mộ Trạch đã phối hợp thực hiện mô hình trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa bằng phương tiện bay. Dự kiến vụ chiêm xuân tới, HTX sẽ triển khai rộng rãi cách làm này trên toàn bộ diện tích lúa của thôn.

Thực hiện đồng bộ cơ giới hóa nên HTX khuyến khích nông dân gieo cấy 1 vùng, 1 giống, 1 thời gian. Vì thế, tuy quá nửa diện tích đất lúa của thôn là chua trũng nhưng diện tích lúa vẫn tăng cao. Giống lúa chủ đạo của thôn là Bắc thơm số 7 cho năng suất ổn định từ 2,2-2,3 tạ/sào, cao hơn những nơi khác từ 20-30 kg/sào. Do đó, người dân gắn bó với đồng ruộng, 2 vụ lúa của thôn không có diện tích bỏ hoang.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, HTX Mộ Trạch chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều năm, HTX liên kết doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua thóc tươi, thóc khô cho người dân với giá ổn định. Hiện tại, địa phương đã có lò sấy thóc nên việc bao tiêu lúa gạo cũng thuận lợi hơn.

Nhờ tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao giá trị sản xuất lúa, năm 2018 HTX Mộ Trạch được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

HOÀNG LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/di-dau-trong-co-gioi-hoa-san-xuat-lua-148661