Đi đầu trong giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp mà đến thời điểm này Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Điều này, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao của địa phương đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, tổng kế hoạch vốn đã giải ngân của tỉnh Quảng Ngãi là 347,3 tỷ đồng, đạt 32,45% kế hoạch vốn giao và cao hơn mức bình quân chung của cả nước (18,54%).
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Quảng Ngãi nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình (giai đoạn 2021 - 2023) cao nhất cả nước.
Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, tỉnh đã rất quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan nhanh chóng triển khai khi Chương trình MTQG 1719 được phê duyệt. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai Chương trình một cách bài bản. Trong quá trình triển khai nếu gặp vướng mắc thì đề xuất tháo gỡ ngay, không chần chừ kéo dài thời gian. Nếu tỉnh không tháo gỡ được thì tiếp tục kiến nghị lên Trung ương. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn từ Chương trình MTQG 1719 của tỉnh mới đạt được kết quả như vậy.
Theo ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, Chương trình MTQG 1719 rất đa dạng về nội dung, hình thức triển khai thực hiện, với 10 dự án, 14 tiểu dự án và các nội dung thành phần.
Mặc dù Chương trình triển khai từ cuối năm 2021, nhưng đến giữa năm 2022, sau khi được Trung ương bố trí vốn, tỉnh mới có kinh phí thực hiện. Trong khi đó, có một số nội dung lần đầu thực hiện, văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời, chưa rõ ràng, thiếu sự đồng bộ giữa các văn bản, dẫn đến sự lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác triển khai, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của tỉnh xuống còn 30,27%.
Cũng theo đó, từ khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh đã có 10 công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân vùng khó, 33 công trình cấp nước sinh hoạt đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đến nay đã đạt hơn 70% khối lượng công việc. Cùng với đó, 169 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi, 8 công trình điện, 4 công trình chợ, 14 công trình trường, lớp học... tại các địa phương.
Không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, Chương trình còn thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần liên quan đến sinh kế cho người dân.
Trong 2 năm (2022 - 2023), tỉnh phân bổ gần 113 tỷ đồng thực hiện tiểu dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Riêng huyện Trà Bồng được giao gần 23 tỷ đồng triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý... Đến nay, hầu hết các quy định, các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã được ban hành; các sở, ban, ngành và UBND các huyện đã triển khai thực hiện.