Đi để trưởng thành (Bài 1): Tâm sự tuổi đôi mươi
Ngày 6-2-2023, hơn 3.500 đoàn viên, thanh niên - những người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa đã tạm biệt quê hương và người thân lên đường nhập ngũ.
Lên đường nhập ngũ
Sau ngày hội tòng quân, các tân binh nhập ngũ vào các đơn vị quân sự, công an trong và ngoài tỉnh, họ đã và đang bước đầu tiếp cận với môi trường quân đội với sự bỡ ngỡ rụt rè, pha lẫn cảm xúc tự hào trong màu áo lính.
Chúng tôi đến thăm Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762 (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) tại phường Quảng Cát, TP Thanh Hóa. Năm 2023, Tiểu đoàn tiếp nhận 120 chiến sĩ mới. Những ngày này, các chiến sĩ mới đang bước vào đợt huấn luyện dự khóa. Những gương mặt trẻ măng trong bộ quân phục của người lính khỏe mạnh, rắn rỏi.
Gặp chiến sĩ mới Hà Văn Bình - chàng trai dân tộc Thái, quê làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước). Gương mặt sáng sủa, khôi ngô nhưng có chút rụt rè khi gặp người lạ. Tôi hỏi thăm về gia đình, hoàn cảnh và cảm xúc khi vào quân đội, Bình kể bố mẹ em làm nghề nông, gia đình có hai anh em, Bình là con đầu. Học xong lớp 12, Bình xin bố mẹ đi làm ở một công ty ngoài Bắc Ninh. Bố em mới sinh năm 1980 nhưng thường xuyên đau ốm, bị bệnh tim nên hàng tháng đều phải xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, điều trị. Vì lẽ đó, mà học xong lớp 12, Bình không theo học đại học mà xin bố mẹ đi làm để đỡ đần, giảm một phần gánh nặng cho gia đình.
Khi hỏi: “Đi bộ đội, xa nhà hơn một tuần rồi, có nhớ nhà không?”, đôi mắt Bình đỏ hoe. Bình kể, ngày mới nhập ngũ, ngồi ăn cơm cùng đồng đội, em chỉ khóc. Nhưng em sẽ cố gắng rèn luyện thật tốt, sau này rời quân ngũ có thể cứng cáp, khỏe mạnh, trưởng thành và giúp đỡ bố mẹ được nhiều hơn.
Thấu hiểu cảm xúc của chiến sĩ trẻ Hà Văn Bình khi mới bước chân vào môi trường quân đội, Đại úy Nguyễn Văn Long, Chính trị viên Đại đội 2 (Tiểu đoàn 40) đã động viên tinh thần, mong Bình sớm bắt nhịp với môi trường mới.
Cũng theo Đại úy Nguyễn Văn Long, năm 2023, đơn vị tiếp nhận 120 chiến sĩ mới ở 20 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 99 chiến sĩ có trình độ 12/12; 19 có trình độ 9/12, 1 có trình độ cao đẳng, 1 có trình độ trung cấp. Trong số 120 chiến sĩ có 7 chiến sĩ là con hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo, 1 con bệnh binh. Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của các chiến sĩ mới sẽ giúp cho cán bộ khung huấn luyện của đơn vị tiếp cận tốt hơn.
Đang chăm sóc những luống hoa, cây cảnh trong khuôn viên đơn vị, chiến sĩ mới Trịnh Huy Trung, xã Quý Lộc, (Yên Định) cho biết mình vừa tốt nghiệp hệ cao đẳng điện lạnh Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tháng 5-2022. Gia đình Trung làm nghề kinh doanh, bản thân Trung vừa đi học, vừa đi làm. Tháng 8-2022 Trung viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ với mong muốn rèn luyện tính kỷ luật, kỷ cương và trưởng thành hơn. Trung hiện là chiến sĩ thuộc Tiểu đội 15, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 40).
Còn chiến sĩ mới Trương Văn Tiệp, sinh năm 2004, dân tộc Mường ở xã Thành Minh (Thạch Thành) vào môi trường quân đội vẫn còn chút bỡ ngỡ bởi giờ giấc sinh hoạt khác so với khi ở nhà và xa người thân nên cũng nhớ nhà, nhưng Tiệp quyết tâm rèn luyện. Cầm cuốn sổ tay chiến sĩ, Tiệp nói, cuốn sổ tay là cẩm nang cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho các chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ như giới thiệu cơ bản về truyền thống vẻ vang, những mốc son lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 10 lời thề, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với Nhân dân của quân nhân, bài hát theo quy định trong quân đội… giúp ích rất nhiều cho những chiến sĩ mới như Tiệp.
Tự hào màu xanh áo lính
Chia tay những chiến sĩ của Tiểu đoàn 40, tôi ngược lên huyện vùng cao Bá Thước, đến thăm Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa), nơi vừa tiếp nhận 100 chiến sĩ mới trong mùa huấn luyện năm 2023.
Những ngày mới nhập ngũ, những gương mặt trẻ măng, tủm tỉm cười khi có khách đến thăm. Tiếng kèn lệnh đến giờ cơm trưa, những chiến sĩ trẻ nhanh nhẹn xếp hàng, trên tay cầm chiếc bát, đôi đũa, di chuyển thẳng hàng vào nhà ăn.
Sinh năm 2004, chiến sĩ mới Nguyễn Thế Khánh quê ở thôn Hoa Trường, xã Hoa Lộc (Hậu Lộc) vừa tròn 18 tuổi. Học xong lớp 9, Khánh không lựa chọn học tiếp mà đi làm kiếm sống, giúp đỡ bố mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ làm ruộng, gia đình có 3 chị em, Khánh là con út. Khi có đợt tuyển quân năm 2023, Khánh viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ để thực hiện ước mơ từ nhỏ là được khoác áo lính.
Ngày Khánh chuẩn bị lên đường nhập ngũ, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương đã đến tận nhà thăm hỏi, động viên, tặng quà. Trong tổng số 170 thanh niên nhập ngũ của huyện Hậu Lộc năm nay, xã Hoa Lộc nơi Khánh ở có 7 người, riêng thôn Hoa Trường có 4 người.
Ngày tổ chức lễ giao nhận quân tại trung tâm huyện, bố mẹ, bạn bè đến động viên, chia tay trước khi Khánh cùng các chiến sĩ mới lên đường nhập ngũ. Bạn thân của Khánh còn đi xe máy, theo đoàn xe ô tô đưa Khánh lên tận đơn vị nhận quân. Hơn một tuần trong quân đội, Khánh bước đầu tiếp cận, làm quen với môi trường quân đội rất kỷ luật, kỷ cương.
Cũng như nhiều chiến sĩ mới khác, Lương Quốc Khánh, dân tộc Thái, quê bản Páng, xã Phú Thanh (Quan Hóa) chia sẻ niểm vinh dự, tự hào khi được khoác lên mình màu xanh áo lính. Khánh chỉ học xong lớp 10, rồi nghỉ học để đi làm. Khánh là thanh niên duy nhất trong bản nhập ngũ trong đợt tuyển quân năm nay nên vừa tự hào vừa có chút bỡ ngỡ.
Trước ngày lên đường, bà con, bạn bè, người thân đến chúc mừng, động viên Khánh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mới nhập ngũ được hơn 1 tuần nên dù nhớ nhà, nhưng môi trường quân đội dần tập luyện cho Khánh và các chiến sĩ cùng đơn vị tác phong người lính. Tất cả đều đang cố gắng rèn luyện, chấp hành mọi quy định trong quân đội để đóng góp một phần sức trẻ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.